Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết mặc dù 100% kiến nghị của cử tri được trả lời, nhưng nhiều văn bản chỉ trả lời cho có - Ảnh: Cổng TTQH |
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 16-2.
Hỏi Kế Sách, đáp Trần Đề
Theo bà Hải, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp nhận, giải quyết và có văn bản trả lời 168/168 kiến nghị của cử tri (đạt 100%).
Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 3.119/3.119 kiến nghị của cử tri (đạt 100%).
“Mặc dù số kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao (trong đó 68% kiến nghị được trả lời bằng việc cung cấp thông tin), cá biệt có văn bản trả lời cho xong trách nhiệm nên nội dung trả lời còn chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu, chưa phù hợp với quy định pháp luật” - bà Hải nói.
Ban Dân nguyện chỉ rõ những ví dụ như: “Cử tri kiến nghị sớm nghiên cứu xây dựng đê bao ngăn mặn khép kín cho các tuyến đê tại các huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Nhưng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại trả lời “hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc huyện Trần Đề hằng năm đều được Chính phủ bố trí kinh phí...”.
“Trả lời như vậy là chưa đúng với nội dung mà cử tri nêu, cụ thể cử tri kiến nghị xây dựng đê bao tại huyện Kế Sách thì bộ trả lời tại huyện Trần Đề” - bà Hải nói.
Hỏi không chuyên trách, đáp người kiêm nhiệm
Hay một việc khác “cử tri hỏi về việc chi trả chế độ bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách được giao nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp xã, Thanh tra Chính phủ trả lời lại nêu về chế độ chi trả bồi dưỡng đối với công chức kiêm nhiệm (không phải chi trả cho đối tượng hoạt động không chuyên trách) là không đúng với nội dung kiến nghị mà cử tri nêu”.
“Tuy nhiên, việc chính quyền cấp xã giao nhiệm vụ tiếp công dân cho người hoạt động không chuyên trách là trái với quy định của Luật tiếp công dân, đã không được Thanh tra Chính phủ nhắc nhở chấn chỉnh để đảm bảo việc tiếp công dân được thực hiện đúng pháp luật” - trưởng Ban Dân nguyện cho biết.
Ví dụ khác với trả lời của Bộ Nội vụ: cử tri nêu hiện nay nhiều đơn vị cấp phòng trực thuộc UBND cấp huyện và tương đương có con dấu và tài khoản riêng (Phòng Giáo dục và đào tạo, Tài nguyên và môi trường,...) nhưng có những phòng cùng cấp lại không có (Phòng Nội vụ, Tư pháp, Kinh tế, Kinh tế hạ tầng,...).
“Cử tri đề nghị Bộ Nội vụ xem xét khắc phục tình trạng bất cập nêu trên. Tuy nhiên trả lời của bộ chỉ nêu hiện đã có quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu và bộ sẽ làm việc với các bộ liên quan là chưa đầy đủ, rõ ràng và khó hiểu đối với cử tri, cử tri không biết tình trạng như cử tri nêu này là đúng hay sai? Có được bộ tiếp thu khắc phục không? Khi nào thì sẽ giải quyết” - báo cáo của Ban Dân nguyện viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận