17/08/2016 18:13 GMT+7

Cử tri Hải Phòng lo ngại "núi" chất thải nhà máy phân bón

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Ngày 17-8, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố Hải Phòng khóa XV, nhiều đại biểu đề cập đến lo ngại của cử tri về "núi" chất thải do nhà máy sản xuất phân bón DAP chất đống vượt quá quy định cho phép.

Kết quả quan trắc cho thấy bãi thải chất đống của nhà máy DAP vượt ngưỡng cho phép nhiều lần khiến cử tri Hải Phòng lo ngại - Ảnh: TIẾN THẮNG
Kết quả quan trắc cho thấy bãi thải chất đống của nhà máy DAP vượt ngưỡng cho phép nhiều lần khiến cử tri Hải Phòng lo ngại - Ảnh: TIẾN THẮNG

Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Phạm Quốc Ka - giám đốc Sở Tài nguyên môi trường - cho biết nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ (hoạt động từ tháng 4-2009 trong Cụm công nghiệp Đình Vũ) đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải nhưng vẫn chưa có thiết bị giám sát tự động.

Sau 7 năm hoạt động, nhà máy này thải ra khoảng 2,6 triệu tấn chất thải có tên là Gypsum chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường và bị người dân phản ứng gay gắt.

Theo quy định, bãi thải của nhà máy chỉ được phân bổ rộng 10ha, tuy nhiên hiện nay hai bãi chứa chất thải của nhà máy này rộng 18,4ha, có bãi thải chất cao hơn 40m.

Kết quả quan trắc môi trường do Trung tâm quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên môi trường thành phố phân tích cho thấy chỉ tiêu chất thải kim loại nặng (Mn, Fe) của DAP vượt gần 5 lần, coliform vượt 34 lần.

Nhà máy cũng từng để xảy ra sự cố môi trường trong quá trình sản xuất làm rò rỉ 7 tấn axit H2SO4, rò rỉ khí amoniac…

Đại biểu Lê Xuân Khải của huyện An Dương nhấn mạnh những lo ngại của cử tri về vấn đề xả thải ra môi trường của các nhà máy, xí nghiệp trong thời gian vừa qua đang rất nghiêm trọng - Ảnh: TIẾN THẮNG
Đại biểu Lê Xuân Khải của huyện An Dương nhấn mạnh những lo ngại của cử tri về vấn đề nhà máy xả thải ra môi trường - Ảnh: TIẾN THẮNG

Ông Lê Xuân Khải - đại biểu huyện An Dương và đại biểu Phạm Hữu Thư - chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố - cho rằng vẫn cần phải có những giải pháp cụ thể để khắc phục những tác động từ bãi thải của nhà máy DAP chứ không thể chỉ đơn thuần nhận trách nhiệm rồi lại rút kinh nghiệm.

Giám đốc Sở Tài Nguyên môi trường Phạm Quốc Ka đưa ra đề xuất xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tại các khu công nghiệp trọng điểm và thành lập ủy ban quan trắc, công khai kết quả quan trắc và cũng tính đến cả phương án sẽ đóng cửa nhà máy DAP nếu không đảm bảo được vấn đề môi trường.

"Núi" chất thải cao hàng chục mét của nhà máy DAP Đình Vũ đang phải hạ độ cao - Ảnh: HOÀNG QUYÊN

"Chúng ta phải làm sao đảm bảo hệ thống quản lý chất thải của các nhà máy, xí nghiệp phải hoạt động 24/24 giờ, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường phải lưu ý đến vấn đề này" - chủ tọa phiên chất vấn, ông Lê Văn Thành, nhấn mạnh.

Dẫn chứng cụ thể về Cụm công nghiệp Đồ Sơn, ông Lê Văn Thành cho rằng nếu sáng sớm các đại biểu chịu khó đi qua đây sẽ thấy mùi hắc không thể chịu được, nhưng đến khoảng 8g sáng trở ra là lại không có vấn đề gì cả.

Ông Phạm Quốc Ka cũng đi thẳng vào việc kiến nghị thành phố cho triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 giờ tại các nhà máy sản xuất trọng điểm, tiềm ẩn việc xả thải chất thải độc hại. Đồng thời, ông Ka cũng đề xuất tăng cường việc thanh kiểm tra đột xuất, kể cả ban đêm tại bất kỳ nhà máy, xí nghiệp nào.

Đánh giá về phần trả lời chất vấn của giám đốc Sở Tài nguyên môi trường, chủ tọa kỳ họp cho rằng vấn đề giám sát khí thải thì dễ triển khai bởi bằng mắt thường có thể phát hiện. Tuy nhiên việc kiểm soát xả nước thải thì Sở Tài nguyên môi trường vẫn đang "bí" nên đề nghị tiếp tục nghiên cứu.

"Chúng ta có thể tiến hành thanh tra trong một tháng về tiêu thụ điện năng của hệ thống xử lý chất thải để từ đó có căn cứ xem họ có vận hành đều đặn hệ thống xử lý chất thải hay không. Phải làm sao để trong kỳ họp thứ 3, cử tri phải biết được những cái gì chúng ta đã kiểm soát được và cái gì chưa kiểm soát được" - ông Thành kết luận.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên