21/03/2016 09:08 GMT+7

Cú tông rung chuyển, sập cầu Ghềnh qua lời kể nhân chứng

S.ĐỊNH - B.SƠN - X.AN - Đ.TRONG
S.ĐỊNH - B.SƠN - X.AN - Đ.TRONG

TTO - Trưa 20-3, nhiều người dân ở ven bờ sông Đồng Nai đã nghe tiếng vang rền cả khu vực, họ hốt hoảng chạy ra xem và chứng kiến những nhịp cầu gãy gục xuống sông.

Cầu Ghềnh 112 tuổi bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập trưa 20-3 làm gián đoạn tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa - Ảnh: Xuân An
Cầu Ghềnh 112 tuổi bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập trưa 20-3 làm gián đoạn tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa - Ảnh: Xuân An

11g45 ngày 20-3, một sà lan chở cát đi trên sông Đồng Nai đã đụng vào ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), khiến 2 nhịp của cầu này đổ sập xuống sông Đồng Nai.

Cú va làm nhà quanh cầu rung chuyển

Nhiều người dân ở ven bờ sông Đồng Nai nghe tiếng vang rền cả khu vực cũng hốt hoảng chạy ra. Anh Đông ở P.Bửu Hòa (TP Biên Hòa) có nhà ở gần cây cầu sập kể:

“Tôi đang ngồi ăn cơm bỗng nghe tiếng va chạm “ầm, ầm” liên tục, chạy ra thì thấy cầu đổ xuống sông. Lúc này nhìn thấy sà lan lật úp đang chới với giữa sông. Rồi thấy hai người bơi ra từ chân cầu bị gãy, được thợ giăng câu ở đây vớt lên bờ”.

Người dân thường đi xe máy qua cầu hốt hoảng gọi điện báo cho người thân để xem có ai đi trên cây cầu này không.

Ở phía chân cầu thuộc xã Hiệp Hòa, ông Lê Văn Chín (81 tuổi) nhà ở sát bên sông nói: “Tôi tưởng đâu tông xe nghe ầm ầm, rung chuyển cả nhà. Chạy ra thì thấy cầu sập rồi”.

Ông Chín cho biết từ nhỏ lớn lên bên chiếc cầu này, ông đã chứng kiến tuổi thọ của nó nhưng không ngờ bị sà lan tông đổ.

“Hồi trước có khung sắt bao quanh để bảo vệ chân cầu khi tàu thuyền, sà lan va vào. Nhưng khoảng chục năm nay hổng biết người ta tháo nó đi đâu?” - ông Chín kể và cho hay thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng sà lan qua lại va quẹt vào chân cầu.

Sau khi xảy ra sập cầu, hai đầu cầu Ghềnh đều bị phong tỏa và tuyến đường sắt độc đạo vắt qua cầu Ghềnh hoàn toàn bị tê liệt. Tỉnh Đồng Nai đã lập ban chỉ đạo để phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an điều tra, tìm hướng xử lý vụ việc.

Giao thông đi/đến ga Sài Gòn trước và sau khi cầu Ghềnh bị sập Ảnh: VÂN LAM - Đồ họa: Tấn Đạt
Giao thông đi/đến ga Sài Gòn trước và sau khi cầu Ghềnh bị sập Ảnh: VÂN LAM - Đồ họa: Tấn Đạt

 

Phút hoảng loạn của nhân chứng

Tối 20-3, phóng viên Tuổi Trẻ tìm gặp trực tiếp những nhân chứng của vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh, trong đó có hai người dân của xóm chài trực tiếp vớt được hai tài công của chiếc sà lan gây tai nạn.

Là người chứng kiến từ đầu giây phút sà lan tông cầu, ông Nguyễn Đức Thắng (Tư Thành, 62 tuổi, ngụ ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, Biên Hòa) sau nhiều giờ đồng hồ vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại vụ tai nạn, kể:

“Như thường lệ, khoảng 11g30 tôi dẫn cháu nhỏ ra đình Nguyễn Hữu Cảnh ngay dưới chân cầu Ghềnh để cho cháu ăn trưa.

Khi đang đút cơm cho cháu, nhìn ra sông trước mặt thì tôi thấy chiếc sà lan lớn đang chở đầy cát lưu thông từ hướng cầu Đồng Nai về cầu Ghềnh, phía sau có một tàu nhỏ để đẩy sà lan.

Một lúc sau, tôi thấy chiếc tàu đẩy lưu thông song song với sà lan, thay vì phải đi phía sau trong khi sà lan chỉ còn cách vài mét nữa là tới trụ cầu Ghềnh. Tôi quá hoảng hồn la lên thì nghe tiếng “rầm” lớn, cùng với đó là tiếng nổ lớn của trụ điện phía bên kia cầu Ghềnh (phía P.Bửu Hòa).

Tôi thấy nhịp cầu đầu tiên phía bên Bửu Hòa rớt luôn xuống sông, chiếc sà lan chìm theo dưới dòng nước.

Sau đó, nhịp cầu thứ hai phía bờ gần chỗ tôi đứng cũng gục xuống, đè lên chiếc sà lan dần dần bị lật. Mấy thuyền câu gần đó vội bơi ra khỏi vị trí bị nạn để khỏi bị cuốn vào dòng nước, sau đó các thuyền câu này vớt được hai người rớt xuống sông”.

Theo ông Thắng, ông chứng kiến ngay thời điểm tai nạn còn có một sà lan khác đang trống hàng chạy ngay phía sau sà lan bị nạn.

Khi thấy chiếc sà lan đi trước tông vào cầu Ghềnh, tài công phía sau đã vội vã quay đầu, cho sà lan tấp vào lề phía bên xã Hiệp Hòa nên đã tránh không để sà lan này tiếp tục tông vào các trụ cầu còn lại của cầu Ghềnh.

Sà lan tông vào cầu Ghềnh không chỉ làm sập cầu mà còn khiến trụ điện bên đầu cầu bị kéo gãy, gây ra một tiếng nổ vang trời.

Chị Hoa, bán tạp hóa cách cầu Ghềnh hơn 500m phía xã Hiệp Hòa, nói dù ở xa nhưng vẫn nghe thấy tiếng nổ khiến chị bủn rủn chân tay. Sau đó cả xóm của chị bị mất điện tới chiều cùng ngày mới có lại.

Có lẽ nhân chứng đặc biệt của vụ tai nạn này là hai anh em Đỗ Thành Tuấn (41 tuổi) và Mai Trung Phước (35 tuổi) cùng làm công nhân và ở tại xóm câu nghèo dọc bờ sông.

Khi vụ tai nạn xảy ra, anh Tuấn và anh Phước đang neo ghe ngay dưới chân cầu Ghềnh nhưng rất may đã bơi ra được khỏi vị trí bị nạn và sau đó cứu được hai tài công.

“Lúc đó tôi cũng không biết đó là tài công hay người đi xe rớt từ trên cầu xuống. Lúc đó họ không còn bám được vào sà lan mà chỉ bám vào một số mảnh vỡ bằng gỗ đã bị trôi ra xa nhiều mét hoảng hốt kêu cứu nên chúng tôi tới vớt được hai người đàn ông, một người khoảng 30 tuổi và một người khoảng 20 tuổi.

Chúng tôi đưa hai người này cập bờ rồi tiếp tục quay lại chỗ sà lan xem còn ai kêu cứu không nhưng không thấy ai. Tới chiều các anh công an tới nhà lấy lời khai thì chúng tôi mới biết hai người được cứu là tài công của chiếc sà lan” - anh Tuấn kể.

Rớt xuống mép sông và leo lên

Theo phân luồng hiện nay, cầu Ghềnh ngoài đường sắt thì chỉ còn một làn lưu thông một chiều cho xe máy hướng từ Biên Hòa về TP.HCM.

Thời điểm sà lan tông sập cầu, một số người vẫn đang đi xe máy chạy qua cầu, trong đó có hai người thoát chết là ông Cao Văn Hai (46 tuổi, quê Thanh Hóa) và chị Hoàng Yến (27 tuổi, ngụ TP Biên Hòa).

Ông Hai kể: “Lúc đó tôi đang đi xe qua cầu được vài mét thì nghe tiếng nổ lớn. Tôi bị rớt theo nhịp cầu nhưng tới mép nước thì nhịp cầu dừng lại nên tôi vội vã leo ngược trở lại phía bờ. Tôi chỉ nhớ loáng thoáng lúc đó còn mấy người đi phía sau tôi”.

Còn chị Hoàng Yến, người chạy xe máy phía sau ông Hai, kể: “Khi cầu sập, tôi bị ngã xuống nhưng chưa bị rớt xuống nước. Rồi tôi thấy mọi người chạy vào bờ nên tôi cũng chạy theo”.

S.ĐỊNH - B.SƠN - X.AN - Đ.TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên