Cú sốc thức tỉnh người dệt lụa

HOÀNG ĐIỆP - CẦM PHAN 10/01/2018 21:01 GMT+7

TTCT - Tiếng tằm ăn lá dâu rào rào đã quay lại vùng đất Bảo Lộc, trong hi vọng của người chăn tằm, người ươm tơ, người dệt lụa, và cả những người đang tìm cho tơ lụa Việt Nam một danh phận xứng đáng hơn.

Nuôi tằm
Nuôi tằm

 Những năm 1980, rồi thập niên 1990 thịnh vượng của giá tơ trên thế giới cùng những điều kiện tự nhiên đầy may mắn đã biến Bảo Lộc (Lâm Đồng) thành một vùng “vàng trắng” của Việt Nam. 

Diện tích trồng dâu của Lâm Đồng lên hàng chục ngàn hecta, trồng dâu nuôi tằm là nghề chính của hàng vạn hộ nông dân, hàng chục nhà máy ươm tơ, dệt lụa ra đời.

Tất cả đã thay đổi trong chớp mắt. Chỉ vài năm chịu đựng giá tơ thế giới sụt giảm và những loay hoay chuyển mình không kịp, cả một vùng tơ lụa lặng im.

Tới thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, khi giá tơ lụa phục hồi, tiếng tằm ăn lá dâu rào rào mới quay lại vùng đất lặng lẽ này, trong hi vọng của người chăn tằm, người ươm tơ, người dệt lụa, và cả những người đang tìm cho tơ lụa Việt Nam một danh phận xứng đáng hơn.

Mơ ước nhỏ của những người chăn tằm

Một căn phòng chừng 9m3, cũng là phòng khách, cửa mở nửa cánh để đón gió và nắng nhẹ, trên mặt sàn gạch bông phủ kín một mảng tằm “tuổi ba” đang ngọ nguậy trên đám lá dâu.

Cơ ngơi bé nhỏ ấy là của bà Huệ (65 tuổi, ở thôn 6, xã Đại Lào, huyện Bảo Lộc), người đã có hơn 30 năm làm nghề chăn tằm. Rời Hưng Yên vào Lâm Đồng trong những năm tháng đi “kinh tế mới”, bà mang theo nghề chăn tằm, vào đội chăn tằm của nông trường. Khi nông trường biến mất trong cơn suy thoái, bà mang tằm về nhà nuôi, ở lại với nghề.

Làm một mình, mỗi lứa tằm, bà Huệ chỉ lấy nửa hộp tằm con về nuôi. Sau 22 - 25 ngày, tằm con, còn gọi là tằm tuổi 1, làm xong kén. Bán kén xong dọn nhà, làm vệ sinh sạch sẽ, bà tiếp tục lứa mới. “Mỗi lứa thu được 3 - 4 triệu đồng, chăm chỉ làm thôi, cũng không nặng nhọc gì, cứ có kinh nghiệm và tỉ mẩn là được” - bà Huệ nói.

Câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” dẫu không còn đúng lắm với thời nay, nhưng cái tỉ mẩn của người nuôi tằm vẫn là cái tỉ mẩn không ngơi nghỉ ấy.

Mọi công đoạn sau như ươm tơ hay dệt, nhuộm lụa giờ đều có máy móc hỗ trợ, riêng nuôi tằm vẫn phải làm thủ công, phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm của người nuôi tằm. Cùng lấy một lứa tằm giống, cùng tuổi, cùng cho ăn một loại lá dâu, cùng điều kiện chăm sóc nhưng có người nuôi được nhiều kén, có người nuôi được ít, lại có người thì tằm bị bệnh mà chết.

Năng suất hay không phụ thuộc vào trứng giống tằm, kinh nghiệm và kỹ thuật chăn tằm để thay lá, thay phân cho tằm đúng thời gian, sắp né cho tằm làm tổ đúng kỹ thuật và thời gian để tằm không làm kén đôi khiến năng suất thấp, canh cho tằm đừng bệnh vào lúc sắp nhả tơ để có chất lượng kén cao nhất...

Và mối lo sau cùng nhưng không kém phần quan trọng, là một nguồn lá dâu tốt. Bà Huệ chỉ có một mảnh đất nhỏ phía trước nhà, trồng dâu chỉ đủ lá cho mỗi lứa tằm 80kg kén. Ở Bảo Lộc, người ta bán lá dâu nhiều nhưng ít khi bà dám mua bởi sợ nguồn lá có thể đã bị xịt thuốc bảo vệ thực vật, thứ dễ làm cho cả lứa tằm chết.

Ở Đại Lào, số nhà chăn tằm như vậy không còn nhiều. Bà Huệ chỉ cho chúng tôi sang nhà chị Lê Thị Thu Thủy, bên thôn 7, cũng một người từ Bắc vào Lâm Đồng làm kinh tế mới từ thập niên 1980. Sau tiệm may áo dài sát mặt đường của chị là một căn phòng khách - nơi chị Thủy nuôi tằm.

Góc nhà đặt một giá tre đỡ chục nong tằm lớn, anh Nguyên, chồng chị Thủy, ngồi lựa những con tằm đang ngủ ra một nong riêng. Nhặt từng con, anh giải thích: “Trong cả một hộp tằm, có con to, con bé, có con phát triển đúng giai đoạn, con lại chậm hơn. Nhặt riêng ra thì năng suất sẽ không bị giảm”.

Với người “ngoại đạo”, nong tằm phủ một màu trắng bạc của tằm trên lá dâu, con nào cũng như con nào, chỉ người nuôi tằm mới nhìn ra những con ngủ muộn, và bằng đôi mắt tinh, bàn tay tỉ mẩn, họ ở bên nong tằm gần như cả ngày.

“Như chăm con mọn vậy, sáng thì đi cắt lá để giữ cho lá tươi, thỉnh thoảng lại rải lá cho tằm ăn, rồi thay nong cho tằm sạch - anh Nguyên nói - Tới lúc nó chuẩn bị chín mà không kịp thời đặt né cho nó bò lên làm tổ, thì con nọ lại làm tổ dính vào con kia”.

Với chỉ một sào dâu bên suối, lại là giống dâu cũ, lá nhỏ, mỏng và năng suất thấp, hi vọng lớn nhất của bà Huệ nằm ở vườn dâu cho lá to và dày đang lên lưng chừng thân người ở phía sau nhà.

“Tằm ăn lá dâu này cho nhiều tơ hơn lá dâu cũ - bà nói - Khi đủ lá dâu, tôi mới dám nuôi nguyên một hộp hoặc hai hộp trứng tằm”. Chị Thủy cũng ao ước: “Nghe nói đất phía trên Đắk Nông tốt dâu lắm.

Ở đây đất không còn nhiều. Tôi chỉ mong tìm được ai cùng đầu tư, lên đó mua chục hecta đất để trồng dâu, xây nhà nuôi tằm. Tôi có kỹ thuật nuôi tằm, ai đầu tư vốn thì tốt quá”.

.
.

 Nỗi thấp thỏm của người ươm tơ

Nếu người chăn tằm vẫn phải làm thủ công từ chăm sóc, hái lá dâu, nuôi tằm thì người ươm tơ nhàn hơn nhiều với việc ươm tơ bằng máy. Mỗi ngày, một nhà máy ươm tơ có thể ươm được 800kg kén, cho ra được 100kg tơ.

Ông Trịnh Thế Minh, giám đốc Công ty tằm tơ Minh Tuyết Bảo Lộc, thuê 40 công nhân điều hành một hệ thống máy ươm tơ tự động. Đứng trong luồng hơi nước nóng nghi ngút, chăm chú dõi theo hàng trăm hộp kén chạy chầm chậm trên băng chuyền, mỗi hộp chừng chục kén tằm trôi nổi trong nước nóng, họ là những người nối tơ.

Công việc ấy không chỉ đòi hỏi sự tinh mắt và tỉ mẩn, mà chứa đựng cả kinh nghiệm và cái tâm của người làm nghề. “Thợ có kinh nghiệm và có tâm thì sợi tơ sẽ đều, quyết định phần lớn chất lượng tơ thành phẩm” - ông Minh giải thích.

Nguồn kén tằm là một mối lo thường trực. Công ty của ông Minh luôn mua sẵn kén bất kể khi nào có người đến bán, nguồn thu mua trải từ Bảo Lộc sang Lâm Hà mà vẫn không đủ.

“Nguồn kén đang bị cạnh tranh đẩy giá lên rất cao, kén đẹp kén xấu trộn lẫn, rất khó kiểm soát. Trung Quốc có một hiệp hội thu mua tơ chung và bán giá ổn định cho các nhà máy tơ, ở Bảo Lộc vẫn chưa làm được việc đó, mạnh ai nấy mua.

Người có kén tìm đến nơi nào giá cao hơn chút đỉnh là bán, họ không cần trung thành với nhà máy tơ nào” - ông lo lắng. Từng làm việc trong Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, ông Minh thuộc nhóm những người rành rẽ chuyện dâu tằm tơ thuộc diện bậc nhất Bảo Lộc.

“Tôi biết rõ số lượng trứng tằm về Bảo Lộc, biết ai đang “làm giá” kén tằm - ông quả quyết - Mấy chục năm lăn lộn với dâu tằm tơ, giờ tôi có được một hệ thống ươm tơ tự động năng suất cao, tơ đều, không đứt, nhưng vẫn không làm chủ được nguồn kén tằm”.

Ông hiểu rõ những cơ hội đang quay lại với tơ tằm Bảo Lộc. “Thị trường tơ tằm của Việt Nam rộng, từ Nhật Bản, Ấn Độ đến Campuchia, Sri Lanka và Trung Quốc, người ta mua cả nguyên liệu thô lẫn lụa thành phẩm, nhưng giá kén đang bị đẩy lên cao và bị cạnh tranh không lành mạnh nên nguồn tơ Việt Nam không chủ động được cho xuất khẩu. Có bao nhiêu kén, chúng tôi làm bấy nhiêu tơ nên có nhiều đơn hàng lớn không dám nhận” - ông cho biết.

“Có khoảng 40 công nhân làm việc thường xuyên cho tôi. Ngay cả khi giá kén lên cao quá vẫn phải mua để duy trì dây chuyền, vì ngừng làm việc thì người lao động không có việc làm, máy móc để không vài ngày là có chuyện.

Vì thế, quan trọng nhất với tôi là Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam thống nhất chủ trì việc điều tiết giá kén phù hợp thị trường, không còn tình trạng tranh mua, đẩy giá, phá hoại, có thế mới nói đến chuyện phục hồi bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam” - ông Minh mong mỏi.

Tranh mua, tranh bán kén ở thị trường Bảo Lộc dẫn đến rất nhiều thiệt hại. “Làm ăn đàng hoàng, yên tâm chuyện giá thì người ta nuôi tằm, để tằm làm kén đến khi con tằm biến thành con nhộng mới bán.

Nhưng ở đây, người ta cân kén cho mình ngay sau khi con tằm làm xong kén, bởi nếu chờ con tằm thành nhộng, lắc cái kén thấy kêu lọc xọc thì trọng lượng kén bị giảm, người bán không có lợi. Nhưng nếu dùng kén khi con tằm còn chưa thành nhộng để mang ra ươm tơ thì sản lượng tơ lại thấp” - ông Minh nói.

Nếu 8 tạ kén của Việt Nam mới cho 1 tạ tơ thì ở Trung Quốc chỉ cần 6,5 - 7 tạ kén đã cho 1 tạ tơ.

Hiện mỗi năm Bảo Lộc sản xuất hơn 1.000 tấn tơ tằm, 2,9 triệu mét lụa, chiếm 80% sản lượng tơ lụa toàn quốc, đa số bán sang Nhật Bản, Ấn Độ, các nước châu Âu và Trung Đông

Cú sốc thức tỉnh người dệt lụa

Cũng như bà Huệ, chị Thủy và ông Minh, những người đã tận lực cho nghề tằm tơ nhiều năm, chị Hoa - chủ một doanh nghiệp dệt lụa tại Bảo Lộc - cũng đến đây lập nghiệp từ thuở trẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngay cửa vào nhà máy, những cuộn lụa trắng ngà được xếp trong từng hộp cactông lớn. Số hàng sẽ được chuyển đi Nhật - khách hàng quan trọng nhất của chị Hoa. Nhà máy dệt của chị có 40 máy dệt làm việc 3 ca/ngày và trên 90% lụa dệt từ đây được xuất khẩu.

“Làm từ tốn, quy mô vừa đủ thì không bao giờ phải lo. Ở đất Bảo Lộc này, ngành tơ tằm có những năm tháng khó khăn nhưng đang phục hồi mạnh. Hiện giờ những doanh nghiệp gia công tơ và dệt lụa đã hiện diện rất nhiều ở Bảo Lộc, nhiều doanh nghiệp đang mở rộng diện tích và cơ sở dệt” - chị Hoa tự tin.

Nhắc đến vụ việc Khaisilk, chị Hoa trầm tư: “Đó là một cú sốc khiến chúng tôi thức tỉnh, giật mình hiểu rằng chúng tôi đã không tạo ra được một thương hiệu cho mình. Ở trong nước, khách hàng hầu như không biết đến sản phẩm lụa Bảo Lộc”.

Từng đi bộ dọc đường Đồng Khởi (TP.HCM), xem từng cửa hàng bán lụa ở đây và cố gắng chào bán một số sản phẩm lụa Bảo Lộc, chị Hoa nhớ lại cảm giác buồn bã khi đó.

“Dân trong nghề chúng tôi nhìn vào sản phẩm là biết ngay đó có phải lụa hay không. Cũng có một số cửa hàng bán lụa, nhưng họ thậm chí không thèm trả lời những gì mà tôi đề xuất, về những miếng lụa mát trên tay hoàn toàn được sản xuất ở Việt Nam”.

Phía sau những cái lắc đầu từ chối ấy là một thực tế mà chị Hoa quả quyết: “Họ bán đến hơn 90% sản phẩm không phải lụa Việt Nam, hoặc sản phẩm không phải là lụa nguyên chất. Và khách hàng, vì tiếng tăm của cửa hàng, vẫn bỏ ra những món tiền thật lớn để mua những sản phẩm bắt mắt mà tôi chắc chắn rằng đó không phải là lụa”.

Khi tôi chia sẻ nỗi buồn của mình về việc từng dẫn nhiều người bạn nước ngoài tới Đồng Khởi mua lụa với niềm tin mình đang giới thiệu lụa Việt Nam cho họ, chị Hoa nhìn nhận: “Nhu cầu mua sắm, sử dụng, biếu tặng sản phẩm lụa Việt Nam là có thật, khách hàng cũng sẵn sàng trả giá cao để mua. Nhưng làm thế nào để họ biết đến sản phẩm của mình thì lại là câu chuyện khác”.

Cú sốc Khaisilk khiến những người làm nghề tơ lụa ở Lâm Đồng ngồi lại với nhau, thống nhất một kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu lụa Bảo Lộc. Tất cả chỉ mới bắt đầu, nhưng khối lượng công việc khổng lồ và đòi hỏi họ những cách tiếp cận hoàn toàn khác trong thương trường. “Nhưng gầy dựng lòng tin với nhau là việc quan trọng nhất” - chị Hoa nói.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận