TTCT - Ở châu Á, nhất là Đông Nam Á, Tập đoàn du lịch lữ hành Thomas Cook (Anh) không phải là một tên tuổi quen thuộc, ngoại trừ với dân trong nghề. Với số lượng khách ít ỏi tới Việt Nam, sự sụp đổ của họ không để lại di chứng. Nhưng câu chuyện xoay quanh Thomas Cook lại là những bài học thú vị cho ngành du lịch. “Thomas phá sản để lại 150.000 khách kẹt ở nước ngoài”, “Thomas Cook yêu cầu sự trợ giúp của chính phủ”, “Các khách sạn ở Tunisia đang yêu cầu khách trả tiền trực tiếp”. Những dòng tít trang nhất các phương tiện truyền thông danh tiếng như BBC, The Guardian làm dậy sóng thị trường du lịch châu Âu. Với danh tiếng hàng trăm năm, vụ sẩy chân này của Thomas Cook là cú sốc lớn. Nguồn: Image Source: twistedsifter.com HÀNG KHÔNG - CUỘC CHƠI CÓ QUÁ TẦM? Vài thập kỷ trước, trên thế giới có 2 trào lưu trái ngược nhau. Ở chiều thứ nhất, các hãng hàng không, trong sức ép cạnh tranh và muốn tận dụng khai thác tập khách khổng lồ của mình, đã thiết lập phân nhánh lữ hành, cung cấp thêm các dịch vụ thiết yếu như phòng ở và vận chuyển. Có thể kể tới Virgin Holidays, Qantas Holidays, Emirates Holidays. Ở chiều ngược lại, các hãng lữ hành lớn, với ước mơ làm chủ thế trận và nâng cao hiệu suất kinh doanh, tự đầu tư thành lập hãng hàng không có quy mô không hề nhỏ: TUIfly, Jet2 và không thể không nhắc tới Thomas Cook. Trong khi trào lưu trên đã hạ nhiệt thì tại Việt Nam, một thị trường mới nổi, xu hướng này bắt đầu bùng nổ. Chỉ riêng năm 2019 có tới 4 hãng ráo riết vận động giấy phép bay, một nửa trong số đó xuất thân từ công ty du lịch, chẳng hạn Vietravel Airlines và Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty cổ phần du lịch Thiên Minh. Cuộc chơi hàng không chưa bao giờ dễ dàng. Theo báo cáo tài chính năm 2018, Thomas Cook Airlines có tỉ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT margin) 3,7%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của châu Âu (6,2%) và thế giới (5,8%). Mảng kinh doanh lữ hành dù doanh số lên tới gần 7,4 tỉ bảng Anh nhưng có EBIT margin còn tệ hơn là 2,2%, dù tỉ suất lợi nhuận gộp (gross margin) đạt tới 13,5%. Có thể thấy chi phí quản lý doanh nghiệp hoặc chi phí tài chính quá lớn và có lẽ đã vượt tầm kiểm soát. Trong kế hoạch đa dạng hóa ngành nghề, Vietravel, công ty hàng đầu về cả khách outbound (du lịch nước ngoài) lẫn inbound (nội địa), đã thành lập hãng hàng không của riêng mình. Với lựa chọn bay thuê chuyến (charter) và giờ đêm, công ty đang cố gắng tránh đối đầu các “ông lớn”. Nhưng bất luận điều gì xảy ra, top 3 hãng hàng không ở Việt Nam - Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways - chắc sẽ không sẵn lòng chào đón tay chơi mới. Vietravel, trong vai trò nhà tổ chức tour, sẽ là một đối tác vàng của các hãng hàng không. Với lượng khách lớn, họ ở vị thế có thể ép giá vé máy bay tới mức rất thấp. Về phần mình, trong bài toán kinh doanh, các hãng hàng không sẵn sàng bán 1 lượng vé khá rẻ, thậm chí bằng giá thành để đạt điểm hòa vốn hoặc giảm lỗ các giờ bay thấp điểm. Nhưng câu chuyện sẽ hoàn toàn khác với Vietravel Airlines, dù muốn hay không 3 hãng trên sẽ luôn để mắt đề phòng và có thể chuyển trọng tâm ủng hộ sang hãng lữ hành khác. Chưa kể việc lựa chọn căn cứ địa là sân bay Phú Bài (Huế) trong khi thị trường khách nội địa trọng điểm nằm ở Sài Gòn và Hà Nội, và điểm đến Huế cũng không quá nổi trội cho du khách trong và ngoài nước sẽ là khó khăn tiếp theo với họ. Số liệu thống kê kinh doanh lữ hành của Vietravel còn tệ hơn Thomas Cook. Với doanh số bán hàng năm 2018 lên tới 6,667 tỉ đồng, công ty chỉ đạt 397 tỉ lợi nhuận gộp (gross margin), tương đương tỉ suất chưa đầy 6% và tiếp theo là EBIT margin chỉ đạt 0,9%. Đây là con số đáng quan ngại cho các hoạt động đầu tư tương lai, nhất là hàng không - lĩnh vực nhiều rủi ro. Dù về luật Vietravel Airlines là pháp nhân độc lập, nhưng việc công ty mẹ sử dụng các lợi thế doanh thu bảo lãnh cho công ty con là điều rất dễ xảy ra, trong đó việc đảm bảo các khoản vay bằng dòng tiền trong tương lai hoặc các hợp đồng kinh doanh là một ví dụ điển hình. Bamboo Airways trong 3 tháng đầu kinh doanh lỗ hơn 300 tỉ đồng. Kite Air có kế hoạch lỗ dự kiến hơn 350 tỉ. Vietravel Airlines huy động 700 tỉ với thời hạn trái phiếu chỉ có 24 tháng, có nghĩa 24 tháng sau toàn bộ nguồn vốn này phải hoàn trả cho trái chủ. Nếu không có một kế hoạch huy động vốn tiếp theo hợp lý hoặc có một tổ chức tài chính hùng mạnh hậu thuẫn phía sau, Vietravel Airlines sẽ phải đối mặt bài toán dòng tiền rất căng thẳng. Kite Air cũng không phải là trường hợp sáng sủa hơn. Dù không có các số liệu báo cáo tài chính công khai (do không phải công ty cổ phần đại chúng), công ty này chỉ có lịch sử nổi trội trong lĩnh vực du lịch inbound (trong nước) và không nhiều kinh nghiệm cũng như lợi thế về tệp khách hàng nội địa như Vietravel. XU THẾ DU LỊCH MỚI Internet là một phát minh vĩ đại của con người và trong ngành du lịch với sản phẩm không hữu hình, tầm ảnh hưởng của nó là bậc nhất. Nhờ Internet, con người xích lại gần nhau hơn, các mảnh đất vốn xa xôi huyền bí lại trở nên gần gũi và quen thuộc chỉ sau vài cú nhấp chuột. Điều này đã kích thích nhu cầu tiềm ẩn của khách du lịch: tự trải nghiệm và khám phá. Internet đã giúp ngành công nghiệp du lịch bùng nổ, nhưng mặt khác đã gián tiếp giết chết nhiều mô hình kinh doanh lữ hành truyền thống trước đây, mà Thomas Cook là một nạn nhân điển hình. Airbnb, trang chia sẻ phòng ở gia đình cho khách du lịch hàng đầu thế giới, sau khi chiếm lĩnh mảng thị trường chia sẻ chỗ ở, năm 2016 đưa vào khái niệm mới: chia sẻ trải nghiệm (experience sharing). Hãy thử tưởng tượng bạn là một người mê ẩm thực và trong chuyến du lịch tới Paris, bạn đặt phòng qua Airbnb và ở với chủ nhà là một đầu bếp, trải nghiệm ẩm thực phố phường với chính chủ nhà - một chuyên gia địa phương. Đó sẽ là cảm xúc tuyệt vời mà ít công ty du lịch nào có thể cung cấp được. Sau cả thập kỷ vật vã đối phó với việc mất khách hàng vào tay các gã khổng lồ bán vé máy bay và bán phòng trực tuyến như Expedia, Booking, Agoda, phần dịch vụ lữ hành, mảnh đất cuối cùng tuy nhỏ bé nhưng vẫn màu mỡ, tiếp tục bị xâm phạm. Nếu khách tự mua vé máy bay trực tiếp của hãng hàng không hoặc qua các kênh bán vé online danh tiếng, đến sân bay họ đặt taxi qua hàng tá ứng dụng trên Android và Apple, ở và đi chơi quanh thành phố với chủ nhà thì một câu hỏi lớn đặt ra: các công ty du lịch tồn tại để làm gì? Đây là một cú đánh trực diện ngang sườn các nhà tổ chức tour. Tại Việt Nam, may mắn thay sản phẩm tour du lịch trọn gói vẫn có đất dụng võ, ít nhất trong 5 - 10 năm nữa. Du khách Việt Nam, một phần hạn chế bởi khả năng sử dụng ngoại ngữ, một phần e ngại với những vùng đất xa lạ, lại có tâm lý thích tụ tập theo nhóm hẳn sẽ vẫn lựa chọn các gói tour cho chuyến đi của mình. "Tạm biệt" Thomas Cook, đế chế du lịch lữ hành một thời. Ảnh: Independent Thomas Cook, với dòng khách châu Âu có tính độc lập cao, đã không được may mắn như thế. Chịu trận dai dẳng suốt nhiều năm dưới áp lực của các mô hình kinh doanh mới, họ đã không kịp thay đổi để theo xu thế. Hệ thống trang web và bán hàng online cổ lỗ, không cập nhật xu hướng công nghệ mới, không quản trị và chia sẻ được các nguồn dữ liệu khách hàng với nhau; duy trì một chuỗi văn phòng bán lẻ ở các phố lớn sầm uất bậc nhất với chi phí vận hành đắt đỏ và lượng khách ghé thăm thưa thớt. Những điều này đã bào mòn lợi nhuận, vốn đã khá mỏng trong ngành lữ hành. Đây, đáng lo ngại thay, là con đường nhiều công ty lữ hành Việt Nam lựa chọn. Thông cáo báo chí của các công ty du lịch lớn luôn nêu tên số lượng văn phòng mới thành lập, quy mô nhân sự tuyển dụng, mà ít khi đề cập tới các thành tựu trong công nghệ. Trang web của nhiều công ty mới chỉ dừng ở mức là một kênh quảng bá sản phẩm và chia sẻ thông tin, hơn là một kênh giao tiếp trực tuyến với khách hàng đúng nghĩa. Travel.com.vn, tự giới thiệu là trang web du lịch lớn nhất Việt Nam, chỉ tập trung vào các tour trọn gói đơn thuần. Mảng bán phòng tripu.vn của họ mới ra mắt năm ngoái, hiện vẫn là đại lý và sử dụng dữ liệu của Expedia cho việc đặt phòng. Ivivu, trang web trực tuyến bán tour và dịch vụ của TMG, tập đoàn đang cùng với Vietravel xin giấy phép hàng không, có vẻ khá hơn. Họ đã có app trên Google Play Store và Apple App Store, dù chỉ hơn 10.000 lượt tải xuống. Vntrip - một công ty coi mình là OTA (online travel agency - đại lý du lịch trực tuyến), thành lập được 6 năm - vẫn đang chậm chạp với bước tiến của mình dù đã vài lần gọi vốn đầu tư mạo hiểm thành công, nâng tầm giá trị công ty lên tới 50 triệu USD. Trang web của họ vẫn duy trì chỉ mục duy nhất là phòng khách sạn và vẫn chỉ nhắm vào khách hàng Việt Nam. Ctrip, công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, khởi nghiệp năm 2009 và vẫn trung thành đi theo con đường công nghệ của mình. Mô hình của họ rất thành công với doanh thu năm 2018 lên tới 4,5 tỉ USD. Dù có nguồn vốn thặng dư hàng tỉ USD sau đợt bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), danh mục đầu tư mở rộng của Ctrip tập trung vào các công ty công nghệ như makemytrip của India, skyscanner của Ireland. Hoàn toàn vắng bóng các bất động sản du lịch như khách sạn, khu nghỉ dưỡng hay du thuyền hoặc hãng máy bay. Nền tảng của họ đã đạt tầm thế giới với việc tạo ra sàn giao dịch (marketplace) cho hàng ngàn nhà cung cấp, gồm cả đối tác bản địa Trung Quốc lẫn các công ty nước ngoài, cạnh tranh bình đẳng trên một sân chơi. Việc phá sản của công ty lữ hành hay hãng hàng không, vì sự yếu kém hay chính sách sai lầm, là điều hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường. Với lịch sử ngành non trẻ, Việt Nam chưa chứng kiến công ty du lịch tầm cỡ phá sản, và vì thế cũng chưa từng có một án lệ xử lý việc này. Luật du lịch 2017 có quy định lữ hành là loại hình kinh doanh có điều kiện, và công ty lữ hành outbound/inbound yêu cầu phải có 500 triệu/250 triệu ký quỹ tại ngân hàng. Với hơn 2.000 giấy phép lữ hành quốc tế đã được cấp, đây sẽ là một nguồn tài chính không hề nhỏ. Thực tế không có một hướng dẫn cụ thể việc sử dụng khoản tiền này cho trường hợp rủi ro. Điều may mắn là Luật du lịch có thêm quy định rất rõ về việc bắt buộc các công ty du lịch mua bảo hiểm cho khách của mình khi đi nước ngoài. Các công ty du lịch uy tín đều tính luôn phí bảo hiểm này vào trong giá chào bán cho khách hàng. Với mức đền bù tối đa 10.000 - 100.000 USD tùy điểm đến, hợp đồng bảo hiểm bắt buộc này là một công cụ rất hữu ích để bảo vệ khách du lịch. Người viết bài này luôn mong muốn và ủng hộ nhiệt thành ý tưởng dám nghĩ dám làm của các đàn anh trong nghề. Nếu ai cũng e ngại thì làm sao ra biển lớn mà thi thố. Nhưng hãy thử tưởng tượng một công ty du lịch hay một hãng hàng không cỡ vừa của Việt Nam tuyên bố phá sản trong khi còn vài chục ngàn khách du lịch kẹt ở nước ngoài? Đây không chỉ là câu chuyện về tiền bạc hay đền bù, mà sẽ là một cuộc khủng hoảng không hề nhẹ trong việc tổ chức đưa công dân về nước an toàn, nhất là việc áp dụng luật của Việt Nam còn có phần lỏng lẻo và kém đồng bộ. Hãy ghi tâm và luôn nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ lớn, và Việt Nam sẽ lọt vào top những nước gửi khách đi nước ngoài. Một kịch bản tốt sẵn sàng cho việc đối phó với rủi ro có thể xảy ra trong tương lai là điều mà các nhà quản lý nên bắt đầu tính tới.■ Có điều thú vị là hàng xóm của chúng ta, đất nước Trung Quốc với 150 triệu khách đi du lịch nước ngoài mỗi năm, lại không có hãng hàng không nào dưới quyền sở hữu của công ty lữ hành, dù quy mô phục vụ tới cả triệu khách một năm. Chonqing, CYTS, GZL, Shanghai Spring là các công ty tên tuổi đang có những chuyến bay charter hằng ngày đưa khách từ Trùng Khánh, Thành Đô, Thượng Hải tới Việt Nam. Hầu hết là máy bay đi thuê của các hãng hàng không nội địa. Xa hơn chút về phía bắc, Nhật với gần 19 triệu khách outbound mỗi năm nhưng JTB, công ty du lịch lớn nhất nước này, vẫn trung thành với kế hoạch kinh doanh lữ hành truyền thống của mình. Danh mục đầu tư mở rộng của họ chỉ tập trung vào các hãng lữ hành, hoặc công ty quản lý điểm đến tại khu vực. Ở nội khối ASEAN, Indonesia đang có bước tiến vượt bậc với việc xuất hiện các “kỳ lân” - Unicom, những công ty chưa niêm yết được định giá trên 1 tỉ USD. Traveloka là một trong số đó. Với tuổi đời non trẻ, trong 7 năm công ty đã kịp mở rộng tới các nước trong khối và đa dạng hóa tệp sản phẩm từ vé máy bay, khách sạn, tour trọn gói tới dịch vụ nhỏ lẻ như taxi sân bay, xem show trình diễn. Tại Việt Nam, Traveloka, Klook, các tên tuổi quanh khu vực, đang tấn công mạnh vào thị trường nội địa, nơi chúng ta hoàn toàn chưa có công ty xứng tầm để cạnh tranh. Tags: Cạnh tranhLữ hànhDu lịch ViệtVietravelTravelokaThomas CookKlookCông nghệ trong du lịch
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.