30/03/2019 17:33 GMT+7

'Cứ ra đường, tôi lo mình không trở về...'

HOÀNG CHINH
HOÀNG CHINH

TTO - Mức phạt và án tù cho hành vi lái xe gây tai nạn chết người ở Việt Nam chưa đủ sức răn đe. Muốn nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, không còn cách nào khác là các nhà làm luật phải xem xét sửa đổi bổ sung hình phạt.

Cứ ra đường, tôi lo mình không trở về... - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn hai xe container đấu đầu nhau trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM ngày 28-3 - Ảnh: MINH HÒA

Truyền thông vừa đưa tin: Đài Loan đã thông qua dự thảo sửa đổi luật hình sự, trong đó cân nhắc các trường hợp lái xe khi uống rượu, bia gây tai nạn chết người có thể đối mặt tội giết người.

Không kể châu Âu xa xôi, một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan… cũng đã có những động thái mạnh mẽ về hành vi nghiêm trọng này. Riêng Việt Nam thì sao?

Theo tìm hiểu của tôi, hiện nay hành vi lái xe gây tai nạn chết người ở Việt Nam, nếu xác định được tội phạm sẽ chịu hình phạt quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự với mức phạt tiền từ 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến tối đa phạt tù 5 năm.

Nếu lái xe do say xỉn gây chết người thì mức phạt từ 3 tới 15 năm tùy tính chất vụ việc. Ngoài ra, Bộ luật dân sự cũng quy định về mức bồi thường như chi phí khắc phục hậu quả, mai táng…

Mức phạt và án tù như vậy theo tôi là chưa đủ sức răn đe hành vi lái xe gây tai nạn chết người, đặc biệt khi say xỉn. Với mức phạt này, con số tai nạn giao thông vẫn mãi là nỗi ám ảnh. 

Theo một thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có 65-70% vụ tai nạn giao thông thời gian gần đây liên quan vi phạm nồng độ cồn. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 châu Á về tiêu thụ rượu bia theo thống kê của Bộ Y tế. Và mỗi ngày trung bình có 20 người chết vì tai nạn giao thông.

Thậm chí, ngày nào chúng ta đọc báo, lướt facebook cũng sẽ thấy thông tin tai nạn. Không tai nạn chết nhiều người như vụ tài xế xe container tông chết 4 người ở Long An ngày 2-1, xe tải tông chết 8 người khi đi viến nghĩa trang ở Hải Dương ngày 21-1, thì cũng là những vụ thương vong quá thương tâm khác.

Xin khoan đổ lỗi cho hệ thống đường giao thông hiện nay chưa đáp ứng kịp nhu cầu đi lại, mà hãy nhìn vào yếu tố người tham gia giao thông với ý thức còn quá kém, kém hiểu biết luật giao thông, vô ý thức khi uống rượu bia lái xe.

Đây chính là yếu tố trực tiếp gây tai nạn, tạo ra thảm cảnh trẻ nhỏ mồ côi, cha mẹ mất con, người đang chuẩn bị cho ngày vui đám cưới cũng xa lìa nhau…

Vậy nên muốn nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, không còn cách nào khác là nhà làm luật phải xem xét sửa đổi bổ sung hình phạt để có tính răn đe cao hơn. Dĩ nhiên để đến mức phải dùng hình phạt quá nặng để ngăn ngừa cũng có nghĩa luật pháp chúng ta có vẻ bất lực khi không tác động được vào ý thức công dân và thực tế xã hội.

Dù lý thuyết kiến trúc thượng tầng (tức phía quản lý), phải nhìn vào sự thay đổi của cơ sở hạ tầng từ đó mới đề ra phương cách giải quyết vấn đề. Thế nhưng, cái "sự thay đổi" của tính chất nghiêm trọng của tai nạn giao thông đã quá lâu, quá đau thương, số người chết và mức độ nghiêm trọng, mật độ tai nạn cũng đáng sợ hơn. Vậy nhưng chưa thấy phía quản lý, làm luật có những động thái đủ mạnh để giải quyết.

Tôi nghĩ chỉ khi coi tai nạn giao thông là quốc nạn, là vấn đề quốc gia cần các ban, ngành ngồi lại tìm một giải pháp đồng bộ thì mới mong kéo giảm. Đừng để người dân như tôi mỗi ngày ra đường cứ nơm nớp lo sợ sẽ không trở về được nữa. Thậm chí xe lắp hai kính chiếu hậu nhưng lúc nào cũng dòm trước ngó sau nhưng luôn sợ ai đó say xỉn tông trúng, ai đó vượt ẩu quẹt vào, ai đó đang đi thì rẽ ngang đột ngột...

Đừng tiếp diễn tình trạng: mỗi khi có tai nạn nghiêm trọng thì dư luận lại dấy lên, rồi sau đó tất cả lại chìm xuồng. 

Quá trình bổ sung một khoản, một điều luật để tăng tính răn đe có khi quá lâu và đổi bằng biết bao sinh mạng.

Thật quá đau lòng!

Đài Loan cân nhắc tử hình người say xỉn lái xe gây tai nạn

TTO - Đài Loan muốn tăng mức phạt lên những cá nhân gây ra tai nạn chết người trong lúc say xỉn lái xe, trong đó gồm cả án tử hình đối với trường hợp nghiêm trọng nhất.

HOÀNG CHINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên