25/11/2016 06:35 GMT+7

Cứ phạt con, nhưng đừng đánh con khi cha mẹ đang nóng giận

TTO
TTO

TTO - Trong hàng trăm ý kiến tranh luận về đòn roi, rất nhiều sự đồng tình nên phạt đòn khi con quá vô kỷ luật. Nhưng cũng nhiều phân tích rằng dạy con không có công thức chung, hãy chọn cách riêng. Nếu đánh con, đừng đánh chỉ để hả "cục tức".

Ảnh: psychologies.co.uk
Để dạy con, trước hết cha mẹ cần lắng nghe và thấu hiểu con trẻ - Ảnh: psychologies.co.uk

 

Dùng roi phải kèm theo dạy dỗ, giải thích

*  "Nếu bạn muốn dùng đòn roi thì nên dùng làm sao cho trẻ nể phục chứ không phải mục đích cho chúng sợ". 

Chẳng hạn con tôi, khi chúng phạm lỗi hoặc bị điểm kém đều có quy định là sẽ bị mấy roi. Sau những lần như thế, dù đau nhưng chúng lại rất vui vẻ chấp nhận và xem như là động lực phấn đấu và cũng không có tâm lý sợ hay giận cha mẹ. (Quang Vũ)

* Hiểu theo hướng tích cực thì đòn roi cũng là một hình thức kỉ luật, có người phạt con bằng cách này hay cách khác. Tôi không ủng hộ việc đánh con, nhưng một cái tát vào tay, vào mông để giáo dục thì cũng bình thường thôi. Nhưng dù bằng cách nào thì giá trị giáo dục phải đặt lên hàng đầu. Phạt để cho con thấy và sửa đổi, chứ không phải phạt để con sợ. (Tran Khuong)

* Singapore vẫn còn hình phạt roi. Roi vọt trong dạy trẻ là cách tượng hình rõ ràng nhất về hình phạt, chủ yếu là cách dạy bằng roi vọt như thế nào. Quan trọng là bạn dạy trẻ như thế nào khi bạn sử dụng đòn roi.

Hồi nhỏ mình bị ông ngoại đánh đòn, ông còn bảo giáo viên nếu có đánh mình bằng roi thì nhớ ghi sổ liên lạc tại sao mình bị đánh.

Đến giờ lại thèm được ông ngoại đánh đòn. Ông đánh đau lắm, nhưng ông thường bảo thà ông đánh 1 roi thật đau nhưng con nhớ được 10 điều ông dạy khi đánh. Sau này cuộc sống chỉ dạy con 1 điều nhưng lại đánh con 10 roi đau hơn. (Thành Nguyễn)

* Nếu sử dụng đúng tính chất và cường độ thì đòn roi sẽ báo hiệu cho trẻ biết mức độ tổn hại mà hành vi của chúng gây ra và nó đã chạm đến mức giới hạn chịu đựng của cha mẹ.

Lúc nhỏ tôi cũng bị cho ăn đòn nhưng sau này tôi mới nhận ra là cần điều chỉnh hành vi và cách ứng xử của mình cho phù hợp với các mối quan hệ, đồng thời tránh lối giao tiếp làm tổn thương người khác đến mức tới hạn. (Duy Bách)

Làm bạn với con trước đi!

* Dạy con bằng đòn roi và quát mắng làm con sợ chứ không làm con khôn hơn để nghe lời cha mẹ, thậm chí phát sinh "đối phó", "nói dối" ở trẻ và kết quả là làm hư trẻ. Hãy làm bạn với con trong những trường hợp cần dạy dỗ, khi bạn hiểu được con thì con cũng hiểu bạn và thói xấu của con mà bạn muốn con sửa sẽ mau chóng được thực hiện. (Nguyễn Mạnh Điền)

* Bản thân tôi hồi nhỏ cũng được dạy bằng đòn roi. Bây giờ tôi không hờn không trách, vì tôi biết đòn roi đó là muốn tôi nên người. Nhưng trên tất cả, tôi biết rằng nếu không dùng đòn roi thì tôi vẫn tốt. Vì vậy tôi chọn không đòn roi.

Đòn roi để lại những vết hằn tiêu cực trên não, làm ảnh hưởng đến tinh thần, tính khí, sự thông minh và tính sáng tạo của trẻ. (vitreemvietnam@...)

* Tôi có 3 con trai. Khi mới có cháu đầu, thỉnh thoảng không kiềm chế được đã đánh con rất đau. Giờ cháu thiếu tự tin hẳn so với 2 em. Tôi luôn ân hận và bị dằn vặt về những lần đánh con quá tay như vậy. (Minh Tân)

* Dạy dỗ, nuôi dạy con mỗi thời mỗi khác. Và chúng ta nên dựa vào các yếu tố khoa học và kinh nghiệm từ các nước có nền giáo dục tiên tiến như, Nhật Bản, Canada.. để nuôi dạy con.

Nuôi dạy con mà dùng đòn roi có nghĩa là bố mẹ đã bất lực. Đòn roi ở đây phụ thuộc vào tâm lý của ông bố bà mẹ nữa. Nhiều lúc chuyện chẳng đển đâu mà có sẵn chuyện gì đó bực tức trong người thế là đổ lên đầu con cái, đánh con cho hả giận...

Tâm lý phát triển trẻ em mỗi giai đoạn khác nhau: lúc thì nghịc h ngợm, nói dối, quậy phá... nếu bố mẹ không hiểu mà cứ dùng roi, đánh con... thì chỉ tác động tiêu cực đến con mình.

Nguyên tắc bất di bất dịch là hãy đặt mình vào mỗi trường hợp và xem xét nó như thế nào rồi mới phán xét.

Không thấu hiểu con cái thì sẽ làm hạn chế khả năng phát triển của con. Chỉ cần chúng ta quan tâm, dành thời gian chơi đùa, theo sát, động viên và là một người bạn thật sự thì chúng ta sẽ nuôi dạy con hiệu quả. (Hoang Lan)

Với con, mềm nắn rắn buông

* Mỗi đứa trẻ có một tính cách hoàn toàn khác nhau, thật khó để nói dạy con theo cách nào là đúng. Nhưng không nên áp dụng một cách quá nhiều. Ví dụ như cha mẹ áp dụng "không đòn roi" suốt cũng không được, mà áp dụng "đòn roi" hoài cũng không nên. 

Phải cho con cái hiểu giới hạn của mình, hiểu được cái gì đúng cái gì sai và sai ở mức độ thế nào và có nên tái phạm hay không. Và việc đánh con như thế nào để bé hiểu cái sai, không tái phạm mà cũng không hại đến con mình đó là cái hay của người làm cha mẹ. 

Theo tôi thì nên kết hợp hai phương pháp ở hai mức độ: thường xuyên (không đòn roi) + ít thường xuyên (phạt + đòn).

Chi tiết là, nếu trẻ làm sai mình nên giải thích cho bé biết đó là sai và không nên làm. Nếu bé vẫn cứ như thế mình bắt đầu phạt bé: cho bé khoanh tay đứng một chỗ, khẽ tay... nặng nhất là khẽ mông (nhưng đừng nặng tay) và tôi xin nói trường hợp này rất nên "hạn chế" thì mới có hiệu quả, chứ đánh nhiều sẽ làm bé trở nên "lì" giống như "kháng thuốc". (Nguyễn Tí)

* Theo tôi, đòn roi hay mềm mỏng không phải là vấn đề, vấn đề ở chỗ cách thức cha mẹ tạo sự kết nối với con trẻ.

Sử dụng đòn roi để dạy trẻ có nghĩa là cha mẹ đã luôn coi suy nghĩ của mình là đúng và áp đặt lên bọn trẻ, còn sử dụng phương pháp mềm mỏng thì lại vô tình làm cho trẻ nghĩ mình là đúng.

Khi thấy trẻ không nghe lời là trước hết phải lắng nghe và thấu hiểu trẻ, vì mỗi đứa trẻ sẽ có suy nghĩ khác nhau và cách phản ứng cũng khác.

Tôi chắc chắn rằng ở các bậc cha mẹ hiện tại không ít lần nghe các câu "Cha/mẹ không hiểu con gì cả!", còn bản thân cha mẹ khi nghe câu đó liền nói: "Sao lại không hiểu, bản thân cha mẹ cũng đã từng trải qua giai đoạn như con".

Đây là quan niệm sai lầm, vì cha mẹ đang quy chụp suy nghĩ của bản thân mình lên con cái. Hơn nữa, có phải bản thân cha mẹ cũng từng nói thầm trong bụng câu nói cha mẹ không hề hiểu mình vào những ngày mình còn nhỏ?

Cái chính vẫn là lắng nghe, thấu hiểu để tìm ra nguyên nhân tạo ra phản ứng của trẻ, sau đó cùng trẻ tâm sự, nếu trẻ cảm thấy bố mẹ rất quan tâm, trẻ sẽ tự động mở lòng và nghe theo lời của bố mẹ. 

Đây là một quá trình trung gian rất quan trọng, nhưng hầu hết đều bị bỏ qua, và kết quả luôn là hậu quả mà mọi người vẫn thường thấy: trẻ trở nên lì lợm và không nghe lời. (Thanh Sơn) 

* Lối sống của một gia đình rất quan trọng đối với trẻ. Nếu một gia đình không hoàn hảo và những gì xảy ra hàng ngày đối với người lớn sẽ ăn sâu vào ký ức con trẻ, dần dần trẻ sẽ suy nghĩ theo chiều hướng sai trái của người lớn.

Theo tôi nghĩ cách tốt nhất để dạy trẻ thì phải có một gia đình thật sự hoàn hảo đi cái đã. Người lớn phải làm gương thì con cháu mình sẽ noi theo. Đừng cứ có lỗi gì cũng trút hết vào đầu trẻ, trong khi người lớn đang làm sai trước mặt con cháu mình mà không hay biết... (Dư Trọng Tín)

* Không có một công thức chung nào cho bọn trẻ cả. Mỗi đứa mỗi tính, mỗi cách "tự nhận thức". Do đó, cha mẹ nên tùy trường hợp mà có biện pháp dạy bảo phù hợp với chúng.

Ví dụ Thủ tướng Lý Quang Diệu từng bị cha cho ăn roi vì mắc lỗi; Thủ tướng Lý Hiển Long chưa bao giờ nếm mùi đòn roi của bố. Nhưng hai người đều thành công trên cương vị lãnh đạo đất nước. (N.D.Khanh)

Phạt con phải có nhiều cấp độ

Với việc cha mẹ hiện nay không muốn dạy con bằng đòn roi, nhưng điều đáng bàn là nhiều cha mẹ thấy con hư, không răn đe bằng roi vọt và cũng không biết dạy bằng kiểu gì. Nên hiện nay chúng ta dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ cứng đầu, khó bảo, thậm chí hỗn láo với thầy cô, người lớn. Đó phần nhiều là do suốt những năm dạy dỗ đầu đời mà cha mẹ dành cho chúng.

Tôi đã chứng kiến những đưa trẻ đến trường mầm non tại một số trường tư thục, gia đình có điều kiện, ba mẹ có học thức cao, nhưng con cái họ lại là đứa trẻ luôn gào khóc, đánh bạn trong lớp, hỗn với cô giáo, nhân viên trong trường.

Hỏi ra mới biết, đó là những đứa trẻ được cưng chiều, chưa bao giờ biết bị phạt, bị la mắng là gì, huống chi là ăn roi. Tất nhiên những cô giữ trẻ tại các trường này thường xuyên bị phụ huynh phàn nàn là không được la mắng, trách phạt con họ dù trẻ có làm gì đi nữa.

Phụ huynh cần tỉnh táo trong việc thương con và dạy con. Chúng ta cần học cách trách phạt con khi chúng sai và khen thưởng khi con làm điều tốt. Cha mẹ cần hiểu rằng, ngoài đòn roi để răn đe con, chúng ta vẫn có nhiều biện pháp khác. Chẳng hạn như bắt trẻ dọn phòng, lau nhà, úp mặt vào tường, bắt ngồi một chỗ theo thời gian phạt, cắt phần tiền quà vặt,…

Để tăng tính kích thích, thú vị, phụ huynh có thể cho con tham gia trò chơi tích điểm để đạt được một điều mong muốn mà trẻ ao ước. Nếu trẻ làm điều tốt sẽ tặng điểm. Còn nếu trẻ làm điều sai, sẽ bị trừ điểm không khoan nhượng. Điều này sẽ khiến trẻ vô cùng tự giác trong suy nghĩ và hành động của mình.

Ở đây tôi muốn chia sẻ thêm, đôi lúc đối với những trẻ lặp lại qúa 3 lần sai phạm, phụ huynh cần cảnh báo bằng phạt roi. Nhưng là có phân tích cho trẻ hiểu đúng sai, đánh bao nhiêu roi rất cụ thể. Chứ không phải là kiểu đánh hết sức bình sinh hay động chuyện là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với con em.

Lạm dụng đòn roi sẽ khiến trẻ rơi vào hai thái cực. Một là quá sợ hãi, trở nên nhút nhát, tự tin. Hai là, sẽ khiến trẻ trở thành con ngựa bất kham, càng ngày càng khó bảo. Nói chung ba mẹ phải hiểu rằng, con bạn rất thông minh và hiểu biết, đừng nghĩ rằng con mình là một đứa trẻ ranh trong mắt ba mẹ, muốn làm gì thì làm.

Quan trọng, trong những năm tháng đầu đời, trẻ chưa diễn đạt hết điều mong muốn bằng ngôn ngữ, nên bố mẹ không đáp ứng hoặc không hiểu được điều con muốn khiến trẻ quấy khóc. Nhiều lúc khóc mãi không thôi bố mẹ tức giận đánh con trong khi điều trẻ cần là bố mẹ ôm con vào lòng nhẫn nại cho con thổ lộ.

CHUYÊN GIA TÂM LÝ TRƯƠNG THỊ BÍCH PHƯỢNG (LAM XUÂN ghi)

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên