Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận định áp lực thi cử của đợt thi vừa qua “căng thẳng hơn chơi chứng khoán” khiến đại biểu Quốc hội cười ồ - Ảnh: Việt Dũng |
Ngày 16-11, kỳ họp Quốc hội bước vào phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ. Hàng loạt vấn đề được các đại biểu đặt ra, từ những bức xúc về giáo dục cho đến chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, rồi công nghiệp hỗ trợ, vệ sinh an toàn thực phẩm, quỹ đầu tư mạo hiểm, thủy điện, hoạt động tố tụng…
Đây cũng là phiên chất vấn với hình thức mới: đại biểu hỏi, đụng đến lĩnh vực nào thì các thành viên Chính phủ phụ trách sẽ trả lời.
Bộ trưởng nhận khuyết điểm
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề thẳng vào một số tồn tại, hạn chế làm cử tri lo lắng, trong đó có cử tri nói rằng nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chúng ta “tạo ra quyết liệt, khắc phục quyết liệt và rồi báo cáo thành tích”.
Nêu câu hỏi chất vấn, ông Thuyền đề cập đến lĩnh vực quản lý thị trường, “Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lúc nào cũng nói quyết liệt nhưng tình hình vẫn như cũ”, vẫn chưa khắc phục được nạn hàng gian, hàng giả, hàng lậu “không những ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước mà còn trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân”.
Vẫn phong cách trả lời chất vấn điềm tĩnh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết việc bắt giữ, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực quản lý thị trường năm sau tăng hơn năm trước, tuy nhiên đúng là tình hình thay đổi không đáng kể.
“Chúng tôi đã cố gắng bằng nhiều biện pháp, nhưng tình hình chuyển biến chậm, xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Về nguyên nhân, ông Hoàng nói có nhiều, nhưng nguyên nhân khách quan là độ mở thị trường ngày càng lớn, lợi nhuận đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả ngày càng cao, hơn nữa nước ta có đường biên giới rất dài thuận lợi cho buôn lậu. Chế tài xử lý sai phạm chưa đủ sức răn đe.
Đề cập giải pháp, ông Hoàng nói đầu tiên là phải nâng cao trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công thương đã có đề án nâng cấp Cục Quản lý thị trường thành tổng cục để quản lý ngành dọc, nhưng Chính phủ nói vì sắp hết nhiệm kỳ nên ghi nhận để chuyển sang nhiệm kỳ sau xem xét.
“Ta chỉ thừa người kém”
Đăng đàn trả lời chất vấn về vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định bộ đã triển khai nhiều giải pháp để cân chỉnh lại tình trạng nhiều trường đại học tuyển sinh với quy mô khá nóng trước đây, việc quy hoạch lại mạng lưới các trường hiện vẫn đang tiếp tục làm. Đồng thời với đó là tiến hành thanh tra, kiểm tra chất lượng các trường.
Điều chỉnh quy mô đào tạo tại chức, đào tạo từ xa. Bộ trưởng Luận nói “không phải thừa thầy”, mà thực tế là đang khuyến khích đào tạo ra các kỹ sư, tiến sĩ giỏi, “ta chưa có hiện tượng thừa thầy tốt, chỉ thừa người kém và ta cũng thiếu thợ giỏi”.
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) nêu chất vấn về việc thay thế bài thơ Nam quốc sơn hà trong sách giáo khoa mà ông cho là vấn đề nhạy cảm. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: “Cá nhân tôi cho rằng lần làm sách giáo khoa này nếu (thay thế bài thơ) là không cần thiết, không có hiệu quả cao thì không làm”.
“Tại sao phải đổi một bản dịch đã đi vào lòng dân, đã có chỗ đứng trong lịch sử? Theo tôi là bản dịch mới không đạt yêu cầu so với bản dịch cũ” - ông Lai nói.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu chất vấn về kỳ thi THPT quốc gia và việc Bộ Giáo dục và đào tạo gửi báo cáo cho đại biểu Quốc hội mà văn bản không có số, chỉ đóng dấu treo, khiến Bộ trưởng Luận phải “xin đại biểu thông cảm” về thể thức văn bản báo cáo.
Ông cũng cho rằng hình thức thi cử vừa qua đã có bước đầu như giảm áp lực, giảm tốn kém, giảm gian lận, từng bước chuyển đổi dạy và học trong nhà trường.
Không thỏa mãn với phần trả lời trên, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng một số cơ sở mà Bộ trưởng Luận đưa ra là chưa thuyết phục.
Đơn cử như báo chí đã phản ánh rằng gia đình và bản thân nhiều thí sinh trong thời gian nộp hồ sơ vào, rút hồ sơ ra ở các trường đại học và chờ đợi kết quả thì “căng thẳng, áp lực còn hơn là chơi chứng khoán”.
Hội trường Quốc hội vang lên nhiều tiếng cười với nhận xét này.
Con đường từ dạ dày đến... nghĩa địa
Vào cuối ngày làm việc, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu lên các chất vấn nóng. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) bày tỏ bức xúc về công tác quy hoạch, với những tình trạng như nhà máy 8.100 tỉ đồng ở Thái Nguyên “đắp chiếu”.
Tương tự như vậy là nhà máy 7.000 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ký túc xá nhiều trăm tỉ chỉ có một sinh viên đăng ký ở, cầu treo vài tỉ đồng chỉ phục vụ hai hộ dân mà một trong số đó là chủ tịch UBND xã.
“Cần phải chấn chỉnh tình trạng này” - ông Hùng nói.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
“Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn như thế!” - ông Vinh bày tỏ lo lắng, đồng thời nêu câu hỏi tại sao tình hình đó không giảm mà lại tăng, nguyên nhân là gì, do chính sách hay thiếu quyết tâm? Trách nhiệm của bộ trưởng trước nhân dân như thế nào?
Sáng nay 17-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn.
Nhiều chất vấn gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phiên họp ngày 16-11 của Quốc hội đã ghi nhận nhiều câu hỏi của đại biểu gửi đến người đứng đầu Chính phủ chờ được trả lời. Dưới đây là một số câu hỏi đáng chú ý: * Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): - Kính thưa Thủ tướng, tại kỳ họp trước, tôi đã chất vấn về tình trạng chức danh “hàm”, chức danh không có trong quy định pháp luật. Xin hỏi quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này? - Nhiều ý kiến phân tích rất có khả năng Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bỏ lỡ cơ hội có một không hai về thời kỳ dân số vàng, trách nhiệm đó thuộc về thế hệ hiện nay. Thủ tướng Chính phủ có giải pháp gì cho vấn đề này? * Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): - Quốc hội với nghị quyết 50 về sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, đã yêu cầu Chính phủ “kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2006 - 2012”. Tuy nhiên, tại kỳ họp này báo cáo có ba cái chưa: một là báo cáo chưa đầy đủ, hai là chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân, ba là chưa kiểm điểm và xử lý theo quy định pháp luật. Kính đề nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng cho biết nguyên nhân ba cái chưa này? * Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): - Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết địa vị pháp lý của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có gì khác sau khi ta tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận