Người khiếm thị trong một lớp học tin học - Ảnh: T.T
Tui có các chứng cớ lịch sử để nói rằng Tuổi Trẻ là tờ báo có nhiều nét độc đáo trong việc quan tâm đến tính tiếp cận cho độc giả khuyết tật.
Hồi năm 2001, người mù chỉ có trình đọc văn bản text font mã VNI. Họ nhờ Công ty Đồng Hành của chị Trang tìm đến các tòa soạn với thông điệp: các tạp chí nổi tiếng như New York Times, Newsweek, Playboy thời đó đều có ấn bản chữ braille cho người mù. Người mù Việt Nam chỉ xin các tòa soạn chia sẻ lại ấn bản điện tử của các tin bài đã phát hành cho người mù. Họ có thể dùng máy tính để đọc các ấn bản này. Kết cuộc, chỉ mình Tuổi Trẻ lắng nghe và đáp ứng.
Công ty Đồng Hành cử Ánh Loan sang tòa soạn Tuổi Trẻ ở Lý Chính Thắng để nhận các file bài báo. Sau đó Đồng Hành email các file này đến độc giả khiếm thị. Công nghệ thời đó nó luộm thuộm vất vả vậy đó mà vẫn có người dám dấn thân cho người mù nên chúng tôi rất khâm phục và tri ân.
Năm 2003, Trung tâm khiếm thị Sao Mai nhận giải thưởng Ngày Sáng tạo Việt Nam 2003 do World Bank tổ chức để phát triển trình duyệt web dành cho người mù. Cuối tháng 11-2003, Sao Mai vinh dự là đơn vị đầu tiên sản xuất trình duyệt web dành cho người mù.
Thời này web tiếng Việt cũng chỉ có lưa thưa vài trang. Nhưng hiếm có trang web nào thông tin phong phú như trang Tuổi Trẻ Online vừa mới ra đời vài hôm gần đó. Mỗi sáng bắt đầu ngày làm việc mới tại Sao Mai, các nhân viên khiếm thị rộn rịp chia nhau tin tức SEA Games 22 đang diễn ra ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong nước.
Họ tưng bừng với các huy chương vàng bạc mà đoàn Việt Nam mới gặt hái trong ngày thi đấu hôm trước. Tất cả thông tin và niềm vui ấy đến từ trang của Tuổi Trẻ Online. Cứ như có một sự se duyên kỳ lạ của Tuổi Trẻ Online với bạn đọc hỏng mắt. Vì sao lúc người mù tập lướt web lại là lúc Tuổi Trẻ Online ra đời?
Trong sinh nhật thứ 5 của Tuổi Trẻ Online năm 2008, tui có bài kể lại mối ân tình của Tuổi Trẻ Online với bạn đọc khiếm thị. Trong đó tui cũng đề nghị nên lắng nghe các phản ảnh của bạn đọc hỏng mắt mỗi khi họ gặp trở ngại khi tiếp cận tin bài của Tuổi Trẻ Online. Từ đó đến nay, người mù luôn đồng hành với Tuổi Trẻ Online và luôn được Tuổi Trẻ Online lắng nghe và có các chỉnh sửa hợp lý.
Cho phép tui nhắc lại trục trặc năm 2018 khi Tuổi Trẻ Online bị đình bản vài tháng. Lúc đó chỉ có báo giấy Tuổi Trẻ chứ không có báo mạng. Vậy là một số anh chị em khiếm thị hùn tiền nhau mua báo giấy để ủng hộ Tuổi Trẻ Online. Họ không đọc được báo giấy nhưng vẫn mua cho người thân đọc. Mua để bày tỏ chân tình với Tuổi Trẻ. Dù Tuổi Trẻ có thế nào thì họ vẫn yêu quý… Mặc dù ai cũng hiểu sự đóng góp của họ chỉ là của rất ít nhưng lòng thì nhiều.
Nhân sinh nhật thứ 18 của Tuổi Trẻ Online, cũng là kỷ niệm 18 năm người mù Việt Nam lướt web tiếng Việt, tui xin phép được nêu vài đề nghị nhỏ. Ấy là Tuổi Trẻ Online nên lập một nhóm tư vấn về tiếp cận trang Tuổi Trẻ Online cho bạn đọc khuyết tật.
Chúng tôi sẵn sàng tham gia nhóm tư vấn này hoàn toàn tình nguyện. Chúng tôi cần Tuổi Trẻ Online lắng nghe và ghi nhận các phản ảnh của chúng tôi một cách có hệ thống.
Chúng tôi tin rằng Tuổi Trẻ Online luôn muốn làm những việc tốt nhất để bạn đọc hỏng mắt, bạn đọc khuyết tật không bị bỏ lại phía sau. Nhưng nếu không có một cơ chế chuyên nghiệp để thu thập rồi thống kê và tổng hợp các phản hồi thì e rằng ban lãnh đạo Tuổi Trẻ Online không bao quát hết tình hình, không rút được các bài học về thiết kế tiếp cận và không nhận ra Tuổi Trẻ Online đang từng ngày xóa đi các rào cản truyền thông với người hỏng mắt.
Nếu đề nghị được xem xét, tui nghĩ Tuổi Trẻ Online lần nữa sẽ là người tiên phong. Tuổi Trẻ Online sẽ là tòa soạn đầu tiên có cơ chế chuyên nghiệp quản lý tính tiếp cận cho độc giả khuyết tật.
Kính chúc Tuổi Trẻ Online luôn phát triển, luôn tăng tiến và luôn được mọi người yêu mến!
Nhân sinh nhật lần thứ 18 (1-12-2021), Tuổi Trẻ Online xin được chờ đón bài viết của bạn đọc bốn phương nói lên những tâm sự, kỷ niệm, cảm xúc của mình với tờ báo dành cho các bạn trong 18 năm qua; xin chờ đón những lời góp ý, ý tưởng, hiến kế, đặt hàng từ bạn đọc để chúng tôi phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, xứng đáng là "người bạn" của quý độc giả xa gần.
Mời bạn đọc gửi bài viết về email: [email protected], hoặc để lại bình luận dưới bài viết. Chân thành cảm ơn bạn đọc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận