Đất quy hoạch làm công viên tại khu phố 7, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân (TP.HCM) được cho thuê làm sân tennis nhiều năm nay - Ảnh: HỮU KHOA |
Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến với nhiều công ty, ở nhiều địa phương.
UBND TP.HCM vừa yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo cụ thể quá trình khắc phục, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, trường học... của các dự án khu dân cư do BCCI làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện còn rất nhiều hạng mục hạ tầng, công viên, trường học... tại các dự án do BCCI làm chủ đầu tư chưa được xây dựng, thậm chí có khu vực chưa bồi thường giải phóng mặt bằng phần đất làm hạ tầng.
Chờ công viên hơn 15 năm
Ông Hồ Hiển Vinh, 88 tuổi, đường 26, khu phố 7, P.Bình Trị Đông B, cho biết vợ chồng ông về định cư tại khu dân cư Bình Trị Đông B do BCCI làm chủ đầu tư trước năm 2000.
Sở dĩ ông Vinh chọn nơi đây làm nơi sinh sống ở tuổi xế chiều vì ông được giới thiệu là khu dân cư yên tĩnh, có công viên.
Tuy nhiên, ông Vinh chờ hoài không thấy công viên như quy hoạch mà thay vào đó là... sân bóng đá kết hợp quán cà phê, quán ăn và ba sân tennis mọc lên.
Ông Vinh đã nhiều lần phản ảnh đến cơ quan chức năng từ phường, quận yêu cầu chủ đầu tư phải đầu tư công viên cây xanh theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều đơn vị chỉ hứa ghi nhận rồi dần dần rơi vào im lặng.
Ông Nguyễn Tấn Hòa, trưởng ban điều hành khu phố 7, P.Bình Trị Đông B, cũng là một trong những người dân định cư ở đây từ những ngày đầu dự án hình thành.
Ông Hòa cho rằng chi phí ông bỏ ra mua đất, xây nhà ở đây bao gồm luôn cả không gian công cộng, xã hội khác như công viên, trường học, bệnh viện.
Thế nhưng bao nhiêu năm nay công viên, trường học chưa thấy đâu, người lớn không có chỗ tập thể dục, trẻ con phải đi học xa. Trong khi đó, đất cho công trình công cộng còn bị chủ đầu tư đem cho thuê.
Chỉ tay về khu vực bãi đậu ôtô hàng trăm chiếc gần chợ Da Sà mới, một cán bộ khu phố 9, P.Bình Trị Đông B cho biết theo quy hoạch nơi đây là một công viên với diện tích khoảng 14.000m2 thuộc khu dân cư Da Sà cũng do BCCI làm chủ đầu tư.
Thực tế thì khu đất này bị bỏ hoang nhiều năm trước khi hình thành bãi đậu xe.
Vị này nói: “Người dân ở đây ý kiến nhiều lần việc đền bù tới đâu thì làm công viên tới đó, chứ không thể lấy đất cho thuê bãi đậu xe. Với trách nhiệm khu phố, chúng tôi cũng chỉ ý kiến lên phường, quận chứ đâu còn cách nào khác”.
Nhiều dự án thiếu hạ tầng
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ năm 1997 - 2003, BCCI được các cơ quan chức năng giao hơn 20 dự án với khoảng 3.900.000m2 đất để làm khu dân cư ở H.Bình Chánh cũ (nay thuộc Q.Bình Tân và H.Bình Chánh).
Đa số các khu dân cư là những khu nhà ở liên kế, chủ đầu tư làm hạ tầng và chuyển nhượng quyền sử dụng nền đất cho khách hàng.
Theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng đầu năm 2015, tình trạng các hạng mục hạ tầng dở dang xảy ra tại nhiều dự án của BCCI.
Cụ thể có chín dự án chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong mặc dù đã được giao đất hơn 15 năm. Phần lớn diện tích đất chưa bồi thường rơi vào vị trí làm công viên cây xanh, trường học... theo quy hoạch được duyệt.
Cụ thể như dự án khu dân cư Nhất Lan (ấp 4, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) với khoảng 2.300m2 đất công viên chưa được bồi thường; dự án khu dân cư bắc kênh Lương Bèo (P.Tân Tạo A, Bình Tân) với gần 5.000m2 đất cây xanh chưa bồi thường; khu dân cư An Lạc với 1.500m2 đất cây xanh và khoảng 4.600m2 đất nhà trẻ, mẫu giáo...
Theo chủ đầu tư giải trình, phần diện tích đất chưa bồi thường được vì chưa thương lượng được với dân. Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn giậm chân tại chỗ.
Cũng báo cáo kiểm tra của Sở Xây dựng, nhiều diện tích đất làm công viên cây xanh, trường học đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng xong nhưng chủ đầu tư không xây dựng các công trình công cộng theo quy hoạch mà dùng làm sân tennis hoặc cho thuê đất làm quán cà phê, quán ăn, bãi giữ xe...
Có đến chín dự án chưa được đầu tư, năm dự án đầu tư chưa hoàn chỉnh hệ thống trường học, nhà trẻ, trạm y tế với hơn 15 công trình.
Nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật của các dự án chưa hoàn thiện hoặc đã xây dựng xong nhưng bị xuống cấp gây ngập...
Xin giãn tiến độ
Qua hơn một năm được các cơ quan chức năng đốc thúc hoàn thiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, BCCI cho biết đã thu hồi nhiều khu đất cho thuê và có văn bản cam kết với UBND Q.Bình Tân sẽ thực hiện dần các hạng mục công cộng trong thời gian tới.
Cụ thể, đến tháng 6-2016, BCCI hiện còn “nợ” khoảng 13 hạng mục công trình công cộng, 18 hạng mục công viên cây xanh (chưa bàn giao) trên địa bàn Q.Bình Tân.
Ông Lê Minh Nhựt, phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết UBND Q.Bình Tân đang đốc thúc và hỗ trợ các thủ tục để BCCI hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cho các khu dân cư.
“Đối với các hạng mục công viên cây xanh trên đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng, BCCI hứa sẽ thực hiện xong vào cuối năm 2016. Công ty này cũng xin giãn tiến độ thực hiện các dự án trường học, trạm y tế...” - ông Nhựt nói.
Ông Nhựt khẳng định chủ trương của UBND quận là không cắt giảm diện tích công trình công cộng trong các dự án của BCCI.
Nếu dự án nào quá khó khăn, không bồi thường giải phóng mặt bằng hết diện tích theo quy hoạch được duyệt thì có thể cắt giảm diện tích đất ở, nhưng diện tích cây xanh và công trình công cộng thì phải thực hiện theo đúng quy hoạch.
Theo ghi nhận ngày 1-7, tại các vị trí dự kiến xây dựng công viên đã được cắm biển thông tin: phần đất xây dựng công viên, thời gian thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12-2016.
Tuy nhiên nhiều người dân lại nghi ngờ đây là chiêu thức đối phó bởi chủ đầu tư đã bỏ bê hạ tầng hơn 15 năm qua.
Ông Nguyễn Đình Bảo (chủ tịch HĐQT BCCI): Cam kết đầu tư công trình công cộng BCCI đã có cam kết với UBND Q.Bình Tân về tiến độ hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công viên cây xanh của các dự án, và công ty sẽ thực hiện đúng cam kết đó. Hiện tại, công ty đã cho rà soát các hạng mục chưa hoàn thành của tất cả các dự án đang dang dở, mời đơn vị tư vấn thiết kế, lên kế hoạch thực hiện những hạng mục còn lại theo quy hoạch được duyệt ban đầu. Những dự án chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong, BCCI cũng có công văn nhờ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận hỗ trợ. Công ty cũng tuyển thêm nhiều nhân sự để thực hiện các công việc. |
Luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền (Đoàn luật sư TP.HCM): Không xử lý rốt ráo sẽ tạo tiền lệ xấu Những sai phạm của chủ đầu tư dự án chậm bị xử lý, xử lý không tới nơi tới chốn sẽ tạo ra những tiền lệ xấu trong quản lý đầu tư xây dựng dự án, làm giảm sút lòng tin của người dân về kỷ cương pháp luật. Trong trường hợp này cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng, UBND quận phải có các chế tài mạnh mẽ, quyết liệt với chủ đầu tư (xử phạt, không cấp phép cho dự án mới khi chưa hoàn thành các hạng mục của dự án cũ...) để kỷ cương được thực thi nghiêm túc, quyền lợi người dân được bảo đảm. Ngoài ra, cũng cần xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để vụ việc sai phạm kéo dài quá lâu mà không xử lý dứt điểm. |
Mua đất 20 năm chưa có giấy chủ quyền Một công ty khác có nhiều dự án dang dở là Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh (trước đó là Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh). Từ năm 1992, công ty này được giao đầu tư hàng chục dự án nhà ở, khu dân cư trên địa bàn Q.Bình Thạnh với 35 hạng mục công trình. Với phương thức có đất trống là xây nhà, chia nền để bán, công ty đã bán cho khách hàng khoảng 2.400 nền đất và 2.300 căn hộ chung cư mà cơ sở pháp lý của các dự án gần như... chưa có gì. Hàng ngàn hộ dân mua căn hộ, nền đất trong các dự án rơi vào tình trạng treo từ 10 đến trên 20 năm bởi tình trạng pháp lý của dự án chưa hoàn thiện nên cơ quan chức năng chưa thể cấp giấy chủ quyền. Bên cạnh đó, nhiều dự án chưa bồi thường giải phóng mặt bằng hết diện tích đất được giao. Năm 2014, sau khi Thanh tra TP.HCM có kết luận thanh tra, kiến nghị hướng tháo gỡ cho tất cả các dự án của công ty này thì việc hoàn thiện pháp lý của các dự án mới được đẩy nhanh. Với chủ trương tháo gỡ vướng mắc cho người mua nhà, đất, đến nay có khoảng 2/3 số căn hộ và 1/2 số nền đất trong các dự án của công ty này đã được cấp giấy chủ quyền. Trong khi đó, tại khu vực P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân có một dự án khác do Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dịch vụ và xuất nhập khẩu Q.1 (Fimexco) làm chủ đầu tư (khu dân cư 28ha) cũng đã có hàng loạt sai phạm tương tự như lấy đất công viên cho thuê làm sân tennis, bãi giữ xe (góc đường số 24-25). Điều đáng nói, việc này được UBND Q.Bình Tân, Sở Xây dựng kiểm tra và Thanh tra TP đã có kết luận những sai phạm như trên. Ngày 22-7-2014, văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của chủ tịch UBND TP (lúc đó là ông Lê Hoàng Quân) về kết luận thanh tra dự án trên. Theo đó, UBND TP yêu cầu Fimexco nghiêm túc chấp hành thu hồi toàn bộ phần diện tích 13.438m2 đất làm công viên cây xanh mà đơn vị này đã chuyển giao cho các đơn vị khác và chấp hành việc tháo dỡ các công trình xây dựng trên phần đất này; thu hồi số tiền hơn 4 tỉ đồng do Fimexco nhận chuyển nhượng trái phép đất công cộng nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên ngày 1-7, khi chúng tôi trở lại khu vực này, bãi giữ xe trên phần đất công viên cây xanh không còn hoạt động, bên trong cỏ mọc um tùm, trong khi cạnh đó là sáu sân tennis cũng trên phần đất công viên vẫn hoạt động bình thường. Về việc giám sát tiến độ khắc phục sai phạm tại dự án này, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết sẽ nắm lại và thông tin sau vì một phó chủ tịch “thụ lý” vấn đề này đang đi công tác nước ngoài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận