Không ngạc nhiên khi chủ đề này có sức hút vậy. Theo công bố của Tổng cục Thống kê mới đây, cứ 10 người tốt nghiệp đại học thì khoảng 1 người thất nghiệp. Nhiều bạn đọc đã chia sẻ ký ức về những ngày vất vả với những công việc mà thu nhập không đủ nuôi thân, vất vả bám lại thành phố, những ngày thất nghiệp hay thậm chí về quê nương tựa cha mẹ.
Bên cạnh đó, một số bạn đọc cũng đưa ra những ý kiến để người trẻ kết thúc câu chuyện buồn thất nghiệp, tìm kiếm được cơ hội việc làm tốt.
Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.
Phóng to |
Tốt nghiệp cử nhân báo chí gần hai năm nay nhưng Nguyễn Thị Bích Thi (25 tuổi, phải) vẫn không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Hiện tại Thi đang làm tiếp thị cho một quầy hàng tại hệ thống siêu thị Co.op Mart trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM. Theo tiêu chí khảo sát của Tổng cục Thống kê thì Thi vẫn được xếp vào diện không thất nghiệp - Ảnh: Hữu Khoa |
Có lẽ hoàn cảnh của bạn cũng rơi vào rất nhiều bạn đồng trang lứa, trong đó có tôi
Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm môn tin học, tôi trầy trật suốt 4 năm trời với gần chục lá đơn xin việc rơi vào quên lãng. Đó là những tháng ngày tôi sống trong bứt rứt, mặc cảm và hụt hẫng. Tôi đi phụ quán, rồi tìm được việc tương đối “gần gũi” với sở học hơn là quản lý tiệm Internet. Nhưng rồi có lẽ do đầu óc cứ tơ tưởng đến bục giảng nên cứ làm rồi nghỉ, cuối cùng cũng như bạn Lan, !
Với các bạn đang thất nghiệp, hãy vừa học tập thêm kinh nghiệm làm việc vừa được vốn ngoại ngữ và có số vốn trong tay. Từ đó mình có thể làm những gì mình mơ ước. |
Thông qua một vài người quen, cuối cùng tôi cũng trở thành giáo viên sau khi “chạy thuốc" chữa bệnh thất nghiệp thành công. Nhưng nó chỉ thỏa mãn ước mơ đứng lớp chứ về mặt đời sống thì vẫn trầy trật như xưa.
Chỉ với một khoản “chạy” nho nhỏ thì việc người ta “ấn” tôi vào một ngôi trường vùng sâu là điều không khó hiểu! Chỉ tiếc là lời hứa “cất nhắc theo thời gian” cũng tan theo… thời gian. 5 năm rồi tiền lương chỉ đủ “cà phê, xăng xe”. Cũng ráng thôi, cũng phải nhờ cơm nước ba mẹ, đi làm mà khác gì thất nghiệp!
Tôi có đứa em họ tốt nghiệp loại giỏi ngành tài chính - ngân hàng một trường đại học tên tuổi. Em rất tự tin vào tấm bằng của mình với mong muốn làm việc tại TP.HCM. Nhưng cả ba ngân hàng thương mại quốc doanh em nộp đơn xin việc đều từ chối vì… thiếu kinh nghiệm! Sau 2 năm thất nghiệp em đành chấp nhận làm cho một ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ với công việc không mấy dính dáng đến chuyên môn.
Tôi kể hai câu chuyện trên để bạn thấy xin việc khó khăn đến mức nào, cũng như không phải ai có việc làm cũng hài lòng với công việc hiện tại và sống được với công việc đó. Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, với mọi việc chưa phải bế tắc.
Tôi nghĩ bạn nên tiếp tục xin việc theo đúng ngành nghề, sở học. Không nhất thiết phải là cơ quan nhà nước mà có thể là các công ty tư nhân. Cái chính là bạn cần có một nơi làm việc chính quy, tích lũy thời gian kinh nghiệm (điều rất cần thiết cho việc “nhảy việc" sau này), tương đối ổn định đời sống.
Thậm chí không tìm được “việc làm chính quy” thì bạn nên tiếp tục “nói dối” để có công ăn việc làm, có thu nhập mới tính tới việc học cao học. Dù là công việc gì nếu đáp ứng được về mặt đời sống tôi nghĩ bạn cũng phải nghiêm túc với nó, phải tận dụng nó mà nuôi… chí lớn. Chúc bạn sớm hoàn thành ước nguyện.
Ra trường 2 năm, 1 năm đi giao bánh
Gửi bạn Lan, tác giả bài viết
Tôi ra trường trước bạn gần 2 năm thì có đến gần một năm tôi chạy xe máy giao bánh sinh nhật cho một cửa hàng gần nhà. Số tiền kiếm đươc phụ thuộc vào chặng đường vận chuyển và giá của mỗi chiếc bánh. Trừ tiền xăng xe, tính ra tôi không kiếm được gì nhiều.
Cả con phố nơi khu nhà tôi ở phải ngoái nhìn khi tôi làm công việc ấy. Bởi bố mẹ tôi có thu nhập khá, tôi là trai Hà Nội, dáng vẻ thư sinh yếu ớt. Nhưng được bố mẹ động viên “Lao động là vinh quang”, tôi dần cảm thấy tự tin. Mẹ tôi đã có lần tâm sự với bác hàng xóm: “Cho nó đi làm, va chạm với cuộc sống để biết quý đồng tiền làm ra”.
Đúng như lời mẹ, tôi như chú chim trong lồng, luôn được che chở, bây giờ phải vùng vẫy kiếm tiền vì sợ mang tiếng “ăn bám”. Công việc vận chuyển bánh cho tôi tiếp xúc với nhiều kiểu người, có người hiền lành, tử tế, người chanh chua, đáo để… buộc tôi bộc lộ rõ tính cách, xử lý những tình huống chưa bao giờ gặp phải.
Khi tìm được một công việc đúng chuyên môn, mức lương thử việc của tôi cũng rất thấp. Nhưng tôi không nản vì đây là môi trường làm việc đầu tiên cho tôi vận dụng những kiến thức đã học. Tôi học được cách làm việc nghiêm túc, cẩn thận… từ các đồng nghiệp. Trải qua những ngày tháng “đầu đời” như vậy, tôi thực sự trưởng thành hơn nhiều so với thời sinh viên.
Xin nhắn nhủ với bạn Lan: bán hàng, bưng bê cũng được, biết đâu từ những công việc đó bạn có thể học hỏi kinh nghiệm, phát huy khả năng kinh doanh, sáng tạo và tạo dựng cho mình một sự nghiệp vững chắc. Trong xã hội không thiếu những người khởi nghiệp từ buôn bán từ lề đường xó chợ, sau đó trở thành những doanh nhân thành đạt. Hãy lạc quan, bạn nhé!
Thất nghiệp - hãy học cao học và chờ thời
Công việc đầu tiên của tôi là làm cộng tác viên cho một nhà mạng. Hai tháng lương đầu tiên mỗi tháng tôi được gần 1 triệu đồng. Không đủ tiền ăn cơm trưa và tiền xăng, mẹ tôi bắt nghỉ làm.
Công việc tiếp theo của tôi là trực tổng đài mạng viễn thông. Thời gian làm việc không cố định, hôm làm sáng, hôm làm chiều, hôm lại làm ca đêm khiến sức khỏe tôi không đảm bảo. Thêm nữa, đó là công việc khá nhiều áp lực vì hay bị khách hàng la mắng, chửi bới, làm phiền… Rồi công ty có nguy cơ phá sản, họ chỉ giữ lại người đang nuôi con nhỏ, tôi hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Công ty tôi mới chuyển đến làm, sang tháng tới cũng bắt đầu tiến hành giảm nhân sự. Với những đồng lương cọc cạch thế này rất có thể tôi sẽ có kế hoạch chuyển về quê “định cư”.
Mảnh đất thành phố tưởng chừng rất hứa hẹn nhưng suy tính lại, nếu bám trụ mỗi người phải thực sự có khả năng, còn tôi nếu ở lại chẳng lẽ lại phải xác định thuê nhà trọ cả đời?
Những người như tôi, như bạn Lan có lẽ phải chấp nhận thực tế muốn có việc làm ổn định, thu nhập khá rất khó khăn. Giải pháp đi học cao học có lẽ là cần thiết. Xã hội vẫn rất trọng bằng cấp, chúng ta học cho mình và sẵn sàng chờ thời cơ. Rất nhiều bạn bè, người quen của tôi lựa chọn học cao học vì lý do này kia… nhưng thực ra là do không kiếm được việc làm, họ tâm sự thật với tôi như vậy.
Hãy tích cực tiếp thị bản thân
Tôi thấy có rất nhiều công việc làm thêm “hái ra tiền” dành cho cử nhân như: bán quần áo, đồ ăn qua mạng, nhận vận chuyển đến tận nhà… Nếu một người làm đơn lẻ thì hơi khó khăn nhưng có nhóm bạn, có kế hoạch bán hàng, tiếp thị thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Nhiều bạn mới ra trường, năng lực không thực sự nổi bật, nhưng muốn lương cao, còn lương thấp thì chê không đủ tiền phấn son, quần áo… Vậy lấy đâu ra kinh nghiệm làm việc? Có bạn tưởng mình bằng giỏi, học trường hoành tráng là ghê gớm lắm - thú thật doanh nghiệp phải đào tạo lại hết.
Có công việc, có thu nhập các bạn sẽ không phải ăn bám bố mẹ, giao tiếp nhiều sẽ khiến các bạn tự tin, năng động hơn. Và biết đâu trong những mối quan hệ đó, bạn sẽ có cơ hội “tiếp thị” bản thân, được mọi người quý mến mà giới thiệu việc làm ưng ý.
Bạn có giải pháp gì "chống" thất nghiệp? Bạn đọc thân mến, câu chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học trầy trật khi tìm việc làm, thật chí thất nghiệp, đang là chủ đề được nhiều người quan tâm. Bạn có đang trong hoàn cảnh thất nghiệp hay có công việc nhưng lương không đủ nuôi sống bản thân như bạn Lan trong bài viết trên? Bạn có gợi ý gì cho bạn Lan trong tâm sự vượt qua khó khăn hiện tại? Theo bạn, khi thất nghiệp có nên tranh thủ học cao học? Mời bạn đọc gửi những suy nghĩ, góc nhìn, tâm sự về email [email protected] (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt, có đầy đủ thông tin tác giả). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận