17/11/2023 11:39 GMT+7

Cử nhân lao đao tìm việc - Kỳ 4: Muốn tìm được việc 'ngon', phải đa năng?

TÂM LÊ
và 1 tác giả khác

Chưa tốt nghiệp, Lê Thu Hường - sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam - đã cộng tác cho một sàn thương mại điện tử với vị trí nhân viên digital marketing.

Môi trường làm việc trẻ trung, năng động ở công ty Thu Hường - Ảnh: NVCC

Môi trường làm việc trẻ trung, năng động ở công ty Thu Hường - Ảnh: NVCC

Tích lũy kinh nghiệm, nắm bắt xu thế

Từ kinh nghiệm tích lũy được, ra trường Hường (23 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) nhanh chóng trúng tuyển vào công ty thời trang lớn, giữa lúc nhiều bạn còn đang loay hoay rải hồ sơ ứng tuyển.

"Năm dịch COVID-19, tôi thấy các giao dịch điện tử diễn ra sôi động ở mọi mặt của đời sống. Dịch phải học online, có thời gian rảnh nhiều nên tò mò học rồi làm theo. Sau đó tôi ứng tuyển cộng tác viết bài SEO cho một sàn thương mại điện tử" - Hường cho biết về khởi đầu của mình.

Quá trình làm thời vụ này giúp Hường có được những chỉ dẫn về kỹ năng SEO, digital marketing thực tế.

Về ngành công nghệ thực phẩm ở trường cũng liên quan đến công nghệ, song Hường xác định ra trường cơ hội việc làm sẽ ít, trong khi thương mại điện tử đang nở rộ nên cô quyết định đầu tư vào xu thế mới của nghề nghiệp.

Trong lúc chờ nhận bằng tốt nghiệp, đầu năm 2023, cô gái quê Hưng Yên ứng tuyển vào một công ty thời trang lớn ở vị trí digital marketing. Qua hai vòng phỏng vấn căng thẳng, vượt qua các đối thủ "nặng ký", Hường được nhận vào thử việc.

"Khi phỏng vấn trực tiếp chỉ cần khéo léo, bình tĩnh. Quan trọng nhất vẫn phải có kỹ năng chuyên môn một chút. Nếu có kinh nghiệm thì đàm phán lương cũng dễ hơn" - Hường tiết lộ mình có kinh nghiệm viết content, thiết kế hình ảnh, lập kế hoạch mục tiêu, có khả năng giúp doanh nghiệp tăng doanh số, khớp đòi hỏi mà nhà tuyển dụng cần.

Ngoài ra Hường cũng chú ý thỏa thuận về phúc lợi và khả năng thăng tiến của bản thân. Sau thời gian thử việc, cô nàng nhanh chóng trở thành nhân viên chính thức của công ty.

Trong khi đó, "học tập chăm chỉ và khám phá bản thân" là châm ngôn Nguyễn Phương Linh trong hành trình nỗ lực cho công việc.

Cô gái 25 tuổi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đang làm việc tại một công ty kinh doanh chuỗi nhà hàng lớn tại Hà Nội, với vai trò trợ lý truyền thông cho thương hiệu ẩm thực Á, Âu.

Sau khi tốt nghiệp ngành dinh dưỡng và ẩm thực Trường ĐH Công Thương (TP.HCM), Linh chuyển ra Hà Nội lập nghiệp với mong muốn trải nghiệm vùng đất mới, con người mới và nền văn hóa lâu đời vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nhớ lại buổi phỏng vấn việc làm cách đây nửa năm, dù đã tìm hiểu kỹ thông tin trước, song cô vẫn không tránh khỏi căng thẳng khi ngồi trước ba nhà tuyển dụng: người phụ trách ẩm thực, người phụ trách truyền thông và một ông Tây.

Sau thời gian thử việc, nhờ vào kinh nghiệm tích lũy và ham học hỏi, Linh trở thành nhân sự chính thức rồi đến trợ lý truyền thông doanh nghiệp.

Cô nàng quê Hà Tĩnh tâm sự để ứng tuyển thành công vào việc mình thích, trước đó ngoài việc học chuyên ngành về dinh dưỡng, ẩm thực, cô đã làm thêm ở các nhà hàng từ năm nhất để học hỏi.

Linh cũng chú trọng học ngoại ngữ, thường giao lưu với nhóm bạn để luyện giao tiếp. Mùa dịch, cô chủ động tìm hiểu về truyền thông, quảng bá hình ảnh thương hiệu trong thời đại số.

Do đó không khó hiểu khi cô nàng luôn toát ra năng lượng trẻ trung, tích cực này nhanh chóng thăng tiến, vượt qua cả thời điểm ngành F&B lao đao vì dịch bệnh.

Thùy Linh tự học hỏi nhiều kỹ năng, kiến thức để tăng cơ hội việc làm tốt - Ảnh: NVCC

Thùy Linh tự học hỏi nhiều kỹ năng, kiến thức để tăng cơ hội việc làm tốt - Ảnh: NVCC

Sớm tự mày mò theo đuổi đam mê

Ở TP.HCM, Nguyễn Thùy Linh (23 tuổi, ngụ quận 4) vốn là sinh viên báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, nhưng hiện đang làm việc trong lĩnh vực marketing.

Thùy Linh kể hồi còn sinh viên, cô nhận ra mình có đam mê với marketing, song do không phải là chuyên ngành đang theo học nên nếu muốn theo đuổi, cô phải tự tìm hiểu, mày mò.

"Vì không chuyên ngành nên tôi hoàn toàn tự học marketing bằng cách đọc nhiều tài liệu, học thêm về các khóa marketing trên mạng rồi làm các job nhỏ, nhận việc online để thành thạo. Marketing có content, fanpage thì mình sẽ vào fanpage của các công ty và một số trang mạng tham khảo cách người ta viết, sáng tạo thế nào, đặt vấn đề ra sao để thu hút người dùng.

Sau khi có chút kiến thức nhất định, tôi bắt đầu nhận một vài job freelance nho nhỏ để thành thạo rồi làm marketing content cho một công ty tổ chức sự kiện.

Công ty cũng training (đào tạo) cho mình, tức là mình sẽ có thêm kiến thức mà họ cung cấp, mình dựa vào đó làm để tích lũy kinh nghiệm dần", Thùy Linh cho biết.

Hơn một năm từ ngày ra trường, cô hiện là nhân viên marketing một công ty mỹ phẩm. Trong thời đại công nghệ, để có thể làm tốt vị trí này đòi hỏi nhân sự phải biết càng nhiều kỹ năng càng tốt như Thùy Linh chia sẻ cô buộc phải "đa zi năng" khi vừa lên ý tưởng, viết kịch bản, vừa biết quay dựng clip, biên tập nội dung trên mạng xã hội TikTok.

"Hiện công ty tôi đang đánh mạnh vào nền tảng đang hot là TikTok, hồi học trong trường về lĩnh vực báo chí thì có học quay dựng, và kiến thức đó giúp ích cho tôi tới hiện tại.

Do công ty của tôi quy mô không lớn nên tôi sẽ phụ trách tất cả các khâu như lên kịch bản, quay dựng và hoàn thành một cái sản phẩm luôn", Linh nói.

Đa năng giúp tăng thu nhập

Chia sẻ về kinh nghiệm mình khi đi phỏng vấn xin việc và kể cả trong quá trình làm việc, Phương Linh nhận định: "Hãy cho nhà tuyển dụng thấy mình có đam mê và hiểu biết như việc lên ý tưởng dựa trên thế mạnh của sản phẩm, nắm bắt xu hướng hiện nay, hiểu được nhu cầu khách hàng và hướng đến những lợi ích sản phẩm, hay nói cách khác là thấu hiểu bên trong, gọi tắt là insight".

Gần một năm làm việc trong môi trường trẻ trung năng động, Thu Hường cũng cảm thấy mình trưởng thành hơn. Cô luôn sẵn sàng học hỏi để khám phá bản thân vì sự nghiệp còn dài và không thể dừng tiến về phía trước.

Còn với Thùy Linh, dù làm việc trái ngành học, song nhờ linh động tích lũy nhiều kỹ năng, kinh nghiệm từ sớm giúp cô có nguồn thu nhập khá đáng kể. Ngoài việc chính, cô còn nhận thêm một vài job bên ngoài cũng liên quan đến content marketing, xây dựng kênh TikTok cá nhân để bán hàng online.

Để có một công việc tốt sau khi ra trường, theo Thùy Linh, những bạn trẻ nên chịu khó tiếp thu thêm kiến thức, trao dồi kỹ năng, kể cả trước khi ra trường cũng nên đi làm những việc liên quan ngành học hoặc lĩnh vực mà mình xác định sẽ theo đuổi sau tốt nghiệp, không nên đợi đến khi cầm tấm bằng trên tay mới đi làm.

"Đi làm sớm trong thời gian còn đi học sẽ cho mình nhiều kinh nghiệm, khả năng cao sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng nhận mình vào", Thùy Linh cho hay.

10 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhập 6.477 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng với 100.222 chỉ tiêu tuyển dụng. Số người đăng ký tìm việc 62.940 lượt, trong đó trúng tuyển 16.222 người chiếm tỉ lệ 25,8% so với số đăng ký việc làm.

Xu hướng tuyển dụng trình độ đại học trở lên chiếm tỉ lệ cao nhất, với 49,2%. Theo sau là nhóm trình độ trung cấp, cao đẳng với 31,5%; còn lại không yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật. Người đi tìm việc cũng chủ yếu có trình độ đại học trở lên, chiếm 45,6%.

Theo bà Đặng Ngọc Thu Thảo - giám đốc vận hành, dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (ManpowerGroup Việt Nam), mặc dù các chỉ số về việc làm tương đối tích cực nhưng sáu tháng cuối năm 2023, thị trường lao động sẽ gặp một số thách thức, thị trường trầm lắng mà lượng cắt giảm tương đối nhiều.

"Thách thức của robot và AI đang dần rõ ràng hơn trong các công việc yêu cầu kỹ năng thấp.

Người lao động cần xác định rõ lộ trình, mục tiêu nghề nghiệp để xác định đúng những kỹ năng còn thiếu để trau dồi, tránh tình trạng dàn trải và lãng phí nguồn lực", bà Thảo cho biết.

-------------------

Quy luật cung cầu lao động đang có xu hướng thay đổi khi xuất hiện vấn đề robot, tự động hóa, công nghệ số. Điều này thúc đẩy cả người lao động và người sử dụng phải có chiến lược thích ứng.

Kỳ tới: Lao động trẻ muốn “sống sót” phải làm sao?

Cử nhân lao đao tìm việc - Kỳ 3: Khi bạn trẻ nhảy việc và... kén việc!Cử nhân lao đao tìm việc - Kỳ 3: Khi bạn trẻ nhảy việc và... kén việc!

Ngoài chuyện xin việc khó khăn, một số bạn trẻ cho biết họ thường chọn nhảy việc hoặc từ chối nếu việc làm không như mong đợi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên