Quanh cảnh hội thảo - Ảnh: B.D.
Chia sẻ ý kiến tại hội thảo Tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam tại Hội An chiều 10-6, trưởng đại diện UNESCO VN Michael Croft cho rằng COVID-19 là cơ hội để "xây dựng lại ngành du lịch bền vững và kiên cường hơn".
Hội thảo do UBND tỉnh Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, nhiều tổ chức trên cả nước và UNESCO tại Việt Nam.
"Giảm giá nhiều thế này, chúng tôi chỉ còn nước chết"
Câu chuyện kích cầu, đại hạ giá sẽ là cứu cánh vực dậy ngành du lịch hay "ý tưởng tồi" làm nóng chương trình chiều 10-6. Ông Trần Trọng Kiên - chủ tịch hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam - cho rằng đang có hơn 1 triệu người nước ngoài đang ở Việt Nam, và 20 triệu người Việt có nhu cầu đi du lịch quốc tế. Nhưng cả hai nhóm này đang bị "kẹt" lại vì bầu trời còn đóng, trở thành khách hàng tiềm năng của du lịch trong nước.
Ông Kiên cho rằng phải làm nhanh kích cầu để tận dụng thị trường nội địa. Tuy nhiên kích cầu không nên giảm giá quá sâu, bởi không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mà vô tình hạ thấp giá trị của sản phẩm.
"Tôi thấy ở Hội An có những resort 5 sao ở Hội An giảm giá chỉ còn 700.000 đồng - 800.000 đồng/ngày đêm lưu trú. Đây là mức giảm khó tin và nếu giảm như vậy thì tự gây khó cho mình. Một sản phẩm tốt thì không thể có giá quá rẻ", ông Kiên nói.
Các đại diện tham dự hội thảo - Ảnh: B.D.
Ông Nguyễn Sự - nguyên bí thư Thành ủy Hội An - cho rằng dường như đang có cuộc chạy đua về giá hơn là chiến lược kích cầu bài bản. "Chỗ nào cũng giảm giá, chỗ nào cũng đua nhau hạ giá, giảm tới đáy rồi thì đâu còn gì nữa để mà giảm? Cứ nghĩ đến kích cầu là nghĩ đến giảm giá, tôi nghĩ rằng đang rất không ổn", ông Sự nói.
Bà Phạm Thanh Hường - trưởng Ban văn hóa UNESCO tại Hà Nội - cho rằng cách cạnh tranh về giá không phải là cách làm đúng, và không thay đổi nhiều quyết tâm đi du lịch cho khách.
"Thay vì giảm giá thì khách đang cần điều kiện để họ đi du lịch, đó là giờ giấc, là thời gian, công việc. Điều này chúng tôi cũng đã đề xuất với Tổng cục Du lịch" - bà Hường nói.
Khách hàng phải luôn được coi là "thượng đế"
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng hiệp hội và cả cơ quan nhà nước không thể can thiệp vào chuyện giảm giá của các doanh nghiệp. Hiệp hội chỉ tập hợp tiếng nói, vận động cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tiếng nói để vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND TP Hội An - nói rằng rất mong muốn doanh nghiệp, người dân cùng nhau nhìn một hướng để vượt qua khó khăn. Phố cổ đang rất nhiều vấn đề và thời gian qua chính quyền cũng dành thời gian tốc lực để sửa sang đường sá, chỉnh trang mọi thứ để tươm tất hơn khi khách trở lại.
"Lâu nay nhiều doanh nghiệp Hội An có tình trạng chọn lựa khách, qua dịch này mới thấy rằng giờ khách hàng là thượng đế, cho nên chúng ta cần có cách tiếp cận đúng, khai thác chăm chút cho khách nội địa", ông Sơn nói.
Tận dụng "giai đoạn tĩnh" COVID-19 để làm du lịch xanh
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm "tránh một cuộc đại khủng hoảng kinh tế, y tế", ông Michael Croft - trưởng đại diện UNESCO Việt Nam - cho rằng người dân và doanh nghiệp Việt Nam những ngày qua đang được tận hưởng giai đoạn yên bình khi cả thế giới đang gồng mình chống dịch.
Ông Michael Croft cho rằng cần coi những ngày "tĩnh" này để xây dựng lại ngành du lịch nhưng theo một cách thức khác, bền vững và kiên cường hơn. Việc cần làm ngay là khảo sát lại chuỗi cung, nguồn năng lượng và cách thức quản lý rác thải. Cần cập nhật kế hoạch quản lý khu di sản và hiện đại hóa các chiến lược.
Đối với du lịch đại trà, cần thiết kế lại các sản phẩm du lịch hay trải nghiệm du lịch và làm cho những trải nghiệm du lịch đó hấp dẫn hơn với những vị khách luôn tìm kiếm những kỳ nghị đặc biệt, tại những địa danh đặc biệt.
Ở cấp độ quốc gia, cần chú trọng du lịch giá trị cao, coi lượng khách đến và chi tiêu nhiều là tiêu chí thay vì quá đặt nặng số lượng.
Phố cổ Hội An những ngày trong dịch COVID-19 - Ảnh: B.D.
Nhấn mạnh đặc biệt yếu tố bền vững, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nói rằng du lịch là nhân tố chính của sự biến đổi. Ngành du lịch cần phải đi trước để đảm bảo rằng những tác động từ các hoạt động du lịch đối với môi trường đang được quản lý tốt và bền vững. Cũng cần phải quan tâm hơn đến việc sử dụng tài nguyên một cách bền vững và các sáng kiến quản lý rác thải hiệu quả hơn.
"Ở Việt Nam, một chương trình nghị sự về phát triển du lịch bền vững sẽ không chỉ giúp quảng bá những trải nghiệm du lịch tốt hơn, lành mạnh hơn, giúp tăng cường tinh thần đoàn kết và thống nhất trong cộng đồng, mà còn giúp tạo ra những việc làm mới, giàu ý nghĩa hơn cho người dân", ông Croft nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận