Trước phiên tòa xét xử phúc thẩm các bị cáo vụ chuyến bay giải cứu, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan nói rất ân hận vì "đã không vượt qua được cám dỗ vật chất", nhận 25 tỉ đồng của doanh nghiệp. Đồng thời, nữ bị cáo này "xin được sám hối tất cả tội lỗi".
Phải nhìn nhận rằng không chỉ có bà cựu cục trưởng này mà rất nhiều quan chức hiện nay đã không thể vượt qua được sự cám dỗ, sức mạnh của đồng tiền để rồi ngã khuỵu.
Ngay như vụ án chuyến bay giải cứu, có rất nhiều quan chức, trong đó có cả cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhiều cựu đại sứ, cựu phó chủ tịch TP, tỉnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ, thậm chí có cả các cán bộ công an, cựu thiếu tướng, cựu phó giám đốc Công an Hà Nội, cựu điều tra viên của Bộ Công an… đã không thể vượt qua "viên đạn bọc đường" để gục ngã.
Rồi trong vụ Việt Á, ba cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cũng không vượt qua được cám dỗ để nhận nhiều tỉ đồng từ ông trùm Việt Á.
Rồi đến vụ Vạn Thịnh Phát, cả đoàn thanh tra, trong đó trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cũng không thể vượt qua cám dỗ để nhận số tiền hối lộ rất lớn lên đến 5,2 triệu USD…
Trước đó nữa rất nhiều ủy viên, cựu ủy viên trung ương, bộ trưởng, cựu bộ trưởng cũng bị ngã gục trước sự cám dỗ của vật chất.
Không ít cán bộ của chúng ta trong quá trình phấn đấu, trưởng thành, rèn luyện trong khó khăn, gian khổ, thậm chí đối mặt với kẻ thù, nguy hiểm, trước cái chết vẫn có thể chiến thắng được. Nhưng trước sự cám dỗ về vật chất, trước sức mạnh của đồng tiền lại bị bẻ gãy, gục ngã.
Lời thú nhận muộn màng của nữ cựu cục trưởng Cục Lãnh sự và các vụ việc vừa qua chính là bài học nhãn tiền cho tất cả cán bộ, nhất là những ai còn đang cố tình đi theo con đường mòn này.
Đây cũng chính là tiếng chuông mạnh mẽ, cảnh tỉnh cho các cán bộ, công chức, hãy dừng lại trước khi quá muộn.
Cũng phải khẳng định rõ với cán bộ, đảng viên không vượt qua được cám dỗ của vật chất, của đồng tiền, "tay đã nhúng chàm" thì không thể nào xứng đáng là người công bộc, đầy tớ của nhân dân, cán bộ của Nhà nước.
Để hạn chế vấn đề này, đầu tiên phải giáo dục cho từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải có liêm sỉ, lòng tự trọng, đạo đức công vụ. Như Tổng bí thư vẫn thường xuyên nhắc nhở danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất và đã là cán bộ, đảng viên, người công bộc của dân phải giữ được phẩm chất, đạo đức.
Bên cạnh đó cần rà soát lại xem các quy định pháp luật hiện hành có còn điều khoản nào sơ hở, chưa chặt chẽ để các cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất có thể bấu víu vào nhằm trục lợi thì cần bịt kín.
Kèm theo đó cần cải cách tiền lương, thu nhập cho cán bộ. Phải làm sao thực hiện thật tốt phương châm phòng hơn chống và làm cho cán bộ không những không dám mà còn không thể trục lợi, tham nhũng được.
Ngoài ra cần có cơ chế để người dân, cấp dưới, các tổ chức có thể giám sát quyền lực với các cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Không để tình trạng lạm quyền, chuyên quyền và người đứng đầu phải có trách nhiệm giải trình, chịu trách nhiệm trước tất cả các vấn đề xảy ra ở cơ quan, đơn vị mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận