21/03/2019 14:42 GMT+7

Cù lao 'điện toán đám mây'

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Sáng sớm, ba chiếc đò máy cập bến sông xã Long Đức, bờ TP Trà Vinh nhưng không đón du khách mà chở 80 cán bộ, nhân viên Công ty Rynan Technologies VN vượt sông Cổ Chiên qua cù lao Long Trị làm việc.

Cù lao điện toán đám mây - Ảnh 1.

Thiết bị đo độ ẩm trên ruộng ở Đồng Tháp - Ảnh: V.TR.

Cù lao đặc biệt này không có du lịch sinh thái ăn trái cây nghe đàn ca tài tử, mà có một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây nổi tiếng của tiến sĩ khoa học Nguyễn Thanh Mỹ. 

Ông là người duy nhất hơn 60 tuổi. Tất cả nhân viên đều còn rất trẻ, chỉ khoảng 30 và điều thú vị nữa là người gốc Trà Vinh chiếm đến 80%.

Máy đo nhiệt và khóa thông minh

Sau nhiều năm làm việc cho IBM (Mỹ), năm 2014 ông Mỹ quyết định trở về quê hương Trà Vinh mang theo kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu, ứng dụng điện toán đám mây sản xuất ra những sản phẩm thông minh phục vụ người Việt.

Ban đầu, ông đầu tư nghiên cứu sản xuất phân bón. Đến năm 2016, ông gầy dựng nhóm nghiên cứu, ứng dụng điện toán đám mây và chọn nơi làm việc là... tầng hầm nhà ông ở cù lao Long Trị.

Cù lao điện toán đám mây - Ảnh 2.

TS Mỹ hướng dẫn nông dân ứng dụng của Rynan phục vụ sản xuất - Ảnh: V.TR.

Anh Hồng Quốc Cường (33 tuổi, quê Trà Vinh), một trong bốn người đầu tiên được tuyển dụng làm việc dưới tầng hầm, kể: "Điện cù lao chập chờn. Mưa gió lớn thì mất điện, phải sử dụng bình tích điện để làm việc. Sản phẩm đầu tiên chúng tôi nghiên cứu là bộ ghi nhận nhiệt độ và độ ẩm đặt trong container hàng nông thủy sản xuất khẩu. Thiết bị chịu được nhiệt độ từ -10o đến 70oC. 

Với ứng dụng tải về điện thoại di động, chủ hàng có thể kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm container hay kho hàng bất cứ lúc nào, ở đâu".

Tiếp đó, ông Mỹ và nhóm của mình tiếp tục nghiên cứu làm ổ khóa vân tay tích hợp thông tin nhiệt độ, độ ẩm bên trong container hoặc kho hàng và ghi nhận lịch sử mở khóa. Mục đích chiếc ổ khóa này không phải chống trộm, mà để biết mở lúc nào, khóa lúc nào, ai mở. Nếu xảy ra mất mát hoặc tráo hàng sẽ biết thủ phạm. 

Ngoài ra, khóa còn tích hợp thông tin độ ẩm, nhiệt độ bên trong để chủ hàng giám sát, điều chỉnh kịp thời...

Mọi người tải ứng dụng về sẽ biết độ mặn trên sông ngay lúc này bao nhiêu, độ pH bao nhiêu. Muốn coi các thông số của giờ trước hay ngày trước, tháng trước, năm trước chỉ cần "quẹt" điện thoại một cái.

TS Nguyễn Thanh Mỹ

Đồng hồ nước gắn... sim điện thoại

Từ cầu Cổ Chiên nhìn về phía biển sẽ thấy cù lao Long Trị cách đó vài cây số. Khu đất rộng 10ha ở đầu cù lao đã được ông Mỹ chuyển nhượng đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm công nghệ 4.0. 

Trung tâm rất rộng nhưng chỉ có một phòng. Các nhóm nghiên cứu, thiết kế, viết phần mềm, sản xuất... dễ dàng giao tiếp với nhau. Bên ngoài là vườn cây ăn trái và sông nước hữu tình. 

Chị Đặng Thị Dình (26 tuổi, quê Hậu Giang) nói môi trường làm việc rất tuyệt vời. Bước vào khu nhà này, mọi người thỏa sức sáng tạo mà không bị tác động bởi bên ngoài.

Theo anh Hồng Quốc Cường, một trong những sản phẩm mà nhóm anh mất nhiều thời gian nghiên cứu và hài lòng nhất chính là đồng hồ nước thông minh. 

Đồng hồ có gắn sim điện thoại để chuyển dữ liệu tới ứng dụng di động. Chủ hộ dễ dàng kiểm tra được khối lượng nước sử dụng trong ngày, tuần, tháng, năm và các năm trước đó cùng số tiền phải trả. 

Ứng dụng cho phép cài đặt định mức sử dụng nước/ngày. Nếu vượt quá số đó thì sẽ tự động gửi cảnh báo rò rỉ, thất thoát. Chỉ cần một cái "quẹt", van thông minh tích hợp đồng hồ nước sẽ lập tức khóa.

Cù lao điện toán đám mây - Ảnh 4.

Kỹ sư của ông Mỹ kiểm tra đồng hồ nước thông minh - Ảnh: V.TR.

Anh Phạm Hoàng Lượm (27 tuổi, phụ trách sản xuất) tiết lộ: "Chúng tôi đã cung cấp cho Công ty Cấp nước TP.HCM 150 đồng hồ nước thông minh lắp tại Thủ Đức. Vài ngày tới, tiếp tục lắp thử nghiệm 10 cái tại Nhà Bè. Ngoài đồng hồ nước gia đình, chúng tôi còn nghiên cứu sản xuất đồng hồ nước cỡ lớn lắp trên đường ống chính và các nhánh rẽ". 

Tiến sĩ Mỹ tâm huyết đồng hồ nước thông minh vì nước sạch thế giới ngày càng hiếm, cần phải quản lý, sử dụng tiết kiệm. Công ty cấp nước sẽ nhanh chóng phát hiện sự cố và ra lệnh khóa nước bất kỳ khu vực nào nếu phát hiện rò rỉ, bể đường ống. Hiện họ còn đang nghiên cứu đồng hồ điện thông minh thay điện kế thông thường.

Có thể bán rẻ hoặc miễn phí cho nông dân

Trên nhánh sông Cổ Chiên cạnh cù lao Long Trị có hai phao nổi màu vàng có tấm pin năng lượng mặt trời. Tiến sĩ Mỹ nói đó là phao quan trắc thông minh mà ông và cộng sự nghiên cứu thành công năm 2018. 

Thả phao trên sông, hệ thống điện tử bên trong sẽ tự động đo đạc độ pH, độ mặn, nồng độ oxy hòa tan... và gửi về ứng dụng điện thoại. 

Hiện đã có 35 phao như vậy được thả trên các sông Trà Vinh và Bến Tre.

Mới đây, ông Mỹ đã đề nghị Bộ KH-CN lắp 150 phao ở các tỉnh ĐBSCL để giúp nông dân biết thông tin nước mặn ngay tức thời và chủ động sản xuất. Ông xung phong tài trợ 40% chi phí, tương đương 40 triệu đồng/cái.

Cù lao điện toán đám mây - Ảnh 5.

TS Nguyễn Thanh Mỹ trao đổi với các kỹ sư ở Long Trị - Ảnh: V.TR.

Hai năm qua, nhiều nông dân Trà Vinh và Đồng Tháp được sử dụng hệ thống canh tác thông minh do tiến sĩ Mỹ tài trợ gồm: máy bơm nước thông minh, máy cấy lúa kèm phân bón thông minh, thiết bị cảm ứng độ ẩm trên ruộng... 

Với các công nghệ này, nông dân chỉ cần ngồi nhà vẫn biết ruộng còn nước hay không để ra lệnh bơm (hoặc dừng bơm) ngay trên điện thoại.

"Các sản phẩm thông minh này làm sao nông dân mua nổi?" - tôi hỏi. 

Ông Mỹ cười: "Đối tượng khách hàng của chúng tôi không phải là nông dân. Họ được sử dụng sản phẩm giá rất rẻ hoặc miễn phí. Nguồn thu của chúng tôi từ các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, bán hàng online tích hợp vào kho ứng dụng của Rynan Technologies VN. Khi các sản phẩm thông minh của chúng tôi được sử dụng rộng rãi thì chuyện thu về nhiều tiền là trong tầm tay" - ông Mỹ nói.

Chống cát "tặc" bằng... điện toán đám mây

Ông Mỹ cho biết đang trong giai đoạn hoàn thiện thiết bị chống cát "tặc". Thiết bị gắn trên sà lan chở cát thì chính quyền biết rõ tàu đến mỏ lúc nào, lấy bao nhiêu tấn cát, chở đi đâu.

Thiết bị quét tại khu vực mỏ sẽ phát hiện sà lan "ngoài luồng" đến lấy cát lậu.

Một chiếc sà lan ở Trà Vinh đang được gắn thử nghiệm thiết bị này cho kết quả ngoài mong đợi.

Ông Mỹ nói nếu tất cả sà lan đều gắn thiết bị này thì cát "tặc" không còn đất sống.

Ngày 19-3-2019, Rynan Technologies VN vừa trình làng máy bán thực phẩm chín và không dùng tiền mặt.

Thức ăn chế biến chín được đóng hộp bằng sản phẩm do chính TS Nguyễn Thanh Mỹ nghiên cứu. Máy chứa được 108 suất ăn.

Anh Cường giải thích: "Khách hàng thao tác mua hàng trên máy và trả tiền qua ứng dụng VN Pay-QR, hoàn toàn không dùng tiền mặt. Thanh toán xong, máy sẽ giao hàng ngay lập tức.

Nếu ăn liền thì máy sẽ hâm nóng thức ăn trong 3 phút, còn nếu mang về thì máy sẽ giao hàng ngay".

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên