22/09/2023 06:05 GMT+7

Cứ kiểm tra đầu giờ nhưng đừng biến thành nỗi ám ảnh?

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu giáo viên không kiểm tra bất ngờ theo kiểu học thuộc lòng thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận trong suốt tuần qua.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình, TP.HCM trong một giờ học - Ảnh: DUYÊN PHAN

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình, TP.HCM trong một giờ học - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuổi Trẻ tạm kết lại tuyến bài này với hai ý kiến: một chuyên gia và một giáo viên - người trong cuộc với mong muốn nhìn câu chuyện từ nhiều chiều khác nhau và không cực đoan, tuyệt đối hóa một cách làm nào.

* TS HOÀNG NGỌC VINH:

Kiểm tra để có động lực học tập

Việc kiểm tra bài cũ theo kiểu hỏi bất chợt (gọi ngẫu nhiên học sinh nào đó) có thể gây ra tâm lý không vui với một bộ phận học sinh, làm giảm hiệu quả của tiết học mới. Đúng là đã có thực tế không ít giáo viên áp dụng cứng nhắc việc kiểm tra miệng khi bước vào tiết học mới.

Tuy nhiên, về phương pháp sư phạm, rất cần xem xét một cách toàn diện mỗi khi tiến hành những thay đổi, nhất là trong lĩnh vực kiểm tra, đánh giá học sinh.

Khi soạn bài giảng, giáo viên cần lường trước bài học mới được xây dựng dựa trên kiến thức và kỹ năng đã thu được trước đó. Do vậy, việc đánh giá kiến thức trước đây của học sinh thông qua kiểm tra miệng hoặc bài kiểm tra là hết sức cần thiết.

Và cách kiểm tra không phải để cho điểm dễ gây áp lực mà có ý nghĩa kích hoạt kiến thức đã có trước đó của học sinh cũng như kích thích sự tò mò của các em về nội dung sắp tới. Đó là nghệ thuật dẫn dắt.

Đồng thời, việc kiểm tra đầu giờ học sẽ giúp khuyến khích sự tham gia tích cực và có thể thúc đẩy môi trường lớp học nơi học sinh cảm thấy thoải mái khi nói và chia sẻ suy nghĩ của mình. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, kiểm tra miệng còn có thể giúp đáp ứng các phong cách học tập khác nhau và giúp học sinh phát triển nhiều kỹ năng, chẳng hạn như giao tiếp bằng lời nói và tư duy phản biện.

Tuy nhiên, nếu giáo viên hạn chế về kỹ năng sư phạm có thể làm cho một số học sinh có thể cảm thấy lo lắng về bài kiểm tra miệng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập và trải nghiệm học tập của các em.

Tóm lại, việc kiểm tra miệng ngay trước tiết giảng nếu không cẩn thận sẽ gây bức xúc cho một bộ phận học sinh tại tiết học.

Nhưng tuyệt đối hóa cứng nhắc như chỉ đạo không kiểm tra bất chợt trước khi vào bài mới và không chú ý đến bối cảnh lớp học và bài giảng mới có thể vi phạm nguyên tắc sư phạm linh hoạt.

Giáo viên cần giữ được sự cân bằng giữa kiểm tra và giảng dạy để tạo ra một môi trường học tập tích cực và hiệu quả. Giáo viên cũng phải linh hoạt và cởi mở để điều chỉnh chiến lược, phương pháp kiểm tra tại lớp học. Điều này đòi hỏi giáo viên phải học tập không ngừng để nâng cao kỹ năng dạy học của mình.

* THANH NGUYỄN (giáo viên ở Thừa Thiên Huế):

Không biến thành nỗi ám ảnh

Trả bài đầu giờ học đã từng là nỗi ám ảnh của học sinh nhiều thế hệ. Đến bây giờ tôi vẫn chưa quên cảm giác tim đập thình thịch mỗi lúc vào giờ học, lấm lét nhìn cây bút trong tay cô giáo lia từng cái tên trong sổ gọi tên ghi điểm.

Dẫu bài học thuộc làu làu, bài tập làm đầy đủ nhưng vẫn thon thót lo bị gọi tên lên bảng trả bài. Tim đập, chân run, giọng lí nhí trả lời từng câu hỏi của thầy cô rồi nhận điểm số về chỗ.

Đôi lúc vì sợ hãi mà quên bài hoặc ốm đau bất chợt chưa kịp hoàn thành bài tập là y như rằng điểm số thấp lè tè đó ấn định cột mốc buồn trong bảng điểm đánh giá, không có cơ hội gỡ điểm vì tần suất gọi tên lên bảng dò bài cũ đầu giờ hết sức hạn chế.

Mặt khác, nhiều học sinh đã đạt điểm cao sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan, ít khi ôn bài và hoàn thành bài vở bởi đinh ninh giáo viên sẽ chẳng gọi tên lần nữa.

Tôi đồng tình với quan điểm của Sở GD-ĐT TP.HCM khi cho rằng nhiều giáo viên hiện nay vẫn còn nặng tính lý thuyết, rập khuôn máy móc khi yêu cầu học sinh nhớ một bài học cũ, một kiến thức cũ để trả lời theo kiểu học thuộc lòng.

Điều này hoàn toàn đi ngược với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 vốn đòi hỏi những đổi thay tích cực từ cách dạy học, cách kiểm tra đánh giá học sinh nhằm hướng sâu hơn vào quá trình hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Với cá nhân tôi, từ lâu rồi tôi ít khi kiểm tra miệng đầu giờ học. Thay vì kiểm tra miệng đầu giờ, tôi lồng ghép đánh giá trò vào tiết học ở nhiều hoạt động lên lớp: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng.

Thay vì tạo áp lực cho học sinh bằng hình thức lia bút gọi trò lên bảng trả bài, chúng ta có thể lồng ghép kiểm tra kiến thức cũ, kỹ năng cũ thông qua việc tổ chức trò chơi giải ô chữ, đố vui có thưởng, chiếc hộp may mắn...

Học sinh có thể đạt điểm số thông qua việc thực hiện các bài tập nhóm: thuyết trình về một tác giả, giới thiệu một cuốn sách, phân tích một chi tiết nghệ thuật đặc sắc...

Ở những bài tập nhóm này, tôi khuyến khích các em tham gia đồng loạt bằng cách phân nhóm trưởng đánh giá hoạt động của từng thành viên và thống nhất xếp loại A, B, C, D đối với hiệu quả công việc của mỗi bạn.

Kiểm tra bài đầu giờ: Không nên tuyệt đối hóa - Ảnh 2.

Lan tỏa nguồn năng lượng tích cực

Không khí học tập sôi nổi, trò hào hứng tham gia sẽ tạo hiệu ứng và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực để thầy trò vào bài học hiệu quả hơn nhiều so với kiểu kiểm tra vấn đáp truyền thống: thầy nêu câu hỏi, trò trả lời đáp án đã học thuộc lòng.

"Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ có hướng dẫn về dò bài đầu giờ"'Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ có hướng dẫn về dò bài đầu giờ'

Theo Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM Hồ Tấn Minh, giám đốc sở yêu cầu giáo viên không kiểm tra đầu giờ đột xuất, bất chợt chứ không phải không kiểm tra đầu giờ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên