Bên cạnh ngô và khoai tây thì khoai lang là một trong những loại lương thực lâu đời và gần gũi nhất trong cuộc sống của người Việt. Mỗi khi nghĩ đến khoai lang, người ta sẽ nhớ ngay đến sự mềm mịn, ngọt bùi mà không thực phẩm nào sánh được. Hơn nữa, quá trình chăm bón khoai lang khá đơn giản nên khi tiêu thụ thực phẩm này, người Việt sẽ bớt đi nỗi lo về thực phẩm bẩn.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): "Trong Đông y, khoai lang còn được gọi là cam thử, phiên chử. Tính bình, ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt. Khoai lang có thể được sử dụng để trị bệnh vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, giảm cân..."
Theo nghiên cứu, củ khoai lang chứa các chất chống ôxy hóa khác nhau như anthocyanin nên có tác dụng chống bệnh ung thư, bao gồm cả những loại ung thư ruột kết và ung thư vú. Nhờ giàu beta-carotene, nên củ khoai lang cũng rất tốt cho mắt. Tại Nhật, khoai lang cũng được sử dụng như loại thực phẩm tốt để tăng cường tuổi thọ.
Khoai lang tốt như vậy nhưng người xưa đã đúc kết rằng ăn nhiều khoai lang có thể gây nóng trong người, từ đó tác động không tốt đến đường tiêu hóa, dạ dày, gây khó chịu. Lương y Sáng cũng khuyến cáo có một số nhóm người cần hạn chế ăn khoai lang.
1. Người đang đói
Trong lúc bụng đói bạn không nên ăn khoai lang vì loại củ này có chứa nhiều đường, ăn nhiều lúc đói sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ nóng, sinh hơi trướng bụng.
Để tránh tác dụng phụ của khoai, trước khi ăn bạn có thể uống một cốc nước ấm. Khi luộc nên đảm bảo khoai thật chín để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa.
2. Người có hệ tiêu hóa không tốt
Lương y Bùi Đắc Sáng cảnh báo người đang bị đau dạ dày, bị đầy hơi, trướng bụng thì không nên ăn khoai lang vì khi ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, trướng bụng. Người mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, viêm loét dạ dày, bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính dù thèm cũng không nên ăn khoai lang vì có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
3. Người mắc bệnh thận
Những người có thận yếu thì chức năng đào thải kali dư thừa cũng sẽ bị trục trặc. Trong khi đó, khoai lang lại chứa nhiều kali, chất xơ, vitamin A… ăn quá nhiều khoai lang có thể làm tăng gánh nặng cho thận, gián tiếp gây ra cho người bệnh thận những tác hại nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, yếu tim.
Vậy ăn khoai lang như thế nào là tốt?
Cách ăn khoai lang tốt nhất là nên nấu chín kỹ, nếu không nó sẽ không được tiêu hóa và sẽ gây khó chịu.
- Thời điểm ăn khoai lang tốt nhất là vào buổi trưa vì buổi chiều có nhiều ánh sáng, trời nắng sẽ hỗ trợ hấp thụ hết canxi trong khoai lang. Cần tránh ăn khoai lang vào buổi tối vì sẽ gây đầy bụng, khó tiêu gây mất ngủ.
- Cần ăn khoai lang ở mức vừa phải thì mới có lợi cho cơ thể, không nên ăn khoai thay cơm bởi sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa, gây tiêu chảy.
- Có thể ăn khoai lang kèm sữa chua để tạo thành món ăn bài thuốc nhuận tràng hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận