Việc viết luận xin học bổng sẽ không còn là thử thách nếu chúng ta dành đủ thời gian, sự chuẩn bị cần thiết - Ảnh: Studyguru
Vậy bạn cần làm gì, viết gì để thuyết phục thành công hội đồng xét tuyển?
Thông thường, ngoài bước xét qua hồ sơ (lý lịch, thành tích...), các ứng viên sẽ cần viết luận (một số nơi có thêm vòng phỏng vấn). Nội dung các vòng này có thể rất khác tùy thuộc vào chủ đề khóa học, hội thảo mà bạn đang ứng tuyển, nhưng thường tập trung vào điều mấu chốt nhất: Vì sao bạn xứng đáng nhận học bổng?
Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ điểm qua vài nét chính trong cách viết luận.
Theo trang Scholarship-positions, việc viết ra hết những điều bạn muốn gửi gắm trong một trang giấy hoặc số lượng chữ nhất định (chẳng hạn như đa số hội thảo ở Đức chỉ cho giới hạn là 300 từ, ở Nhật là 500 chữ...) là điều khá thử thách.
Chúng ta nên biết câu hỏi này không đơn thuần là "vì sao bạn xứng đáng nhận học bổng này?", mà nó sâu xa hơn thế "vì sao bạn xứng đáng hơn những ứng viên khác?". Việc sử dụng lưu loát ngoại ngữ đi kèm bảng thành tích hoạt động nổi trội chỉ là điều kiện cần chứ chưa là đủ, bởi hiện có khá nhiều ứng viên hội đủ hai yếu tố trên.
Chẳng hạn, một chuyên viên xét học bổng châu Âu chia sẻ: "Nếu như 10 năm trước, điểm IELTS 7.5 (trên thang điểm tối đa là 9) hay TOEFL iBT 100 (thang điểm 120) có thể là "điểm cộng" ở ứng viên Việt Nam, giờ điều đó không còn đúng. Đó không còn là "hàng hiếm" nữa".
Trong "biển" hồ sơ xuất chúng, việc bạn nỗ lực tạo nên điểm nhấn khác biệt gần như là giải pháp bắt buộc.
Hãy khởi đầu bài luận bằng một ý kiến hoặc luận điểm đủ độc đáo, thú vị (dĩ nhiên phải chân thực) khiến người chấm quan tâm và muốn đọc tiếp.
Trong đoạn mở đầu, bạn cũng cần đảm bảo tóm tắt những ý chính sẽ đề cập xuyên suốt bài viết. Điều này tạo thuận lợi để người chấm theo dõi và bạn cũng có "kim chỉ nam", tránh trường hợp sa đà kể lể, lan man ngoài mục tiêu chính.
Bên cạnh nêu ra những điểm chính trong sự nghiệp (điều mà hầu hết ứng viên đều làm), hãy chia sẻ các ví dụ điển hình về điều bạn đã làm. Các ví dụ này cần thể hiện rõ đam mê của bạn cũng như sự liên quan chặt chẽ đến học bổng, hội thảo mà bạn đang ứng tuyển.
Dĩ nhiên để làm tốt bước này, bạn cần "lục tung" Google cũng như các mối quan hệ để tìm hiểu về cách thức hoạt động, sứ mệnh của chương trình.
Có bao giờ bạn nhận ra rằng bản thân sẽ vui, dành nhiều thiện cảm hơn cho một người xa lạ khi tình cờ trò chuyện mà anh ta lại biết khá rõ "thương hiệu" của bạn?
Việc nêu rõ mục tiêu trong tương lai và nhấn mạnh hoặc chứng minh học bổng sẽ tác động đáng kể đến tham vọng của bạn cũng là điểm quan trọng.
Để có một cái kết đẹp, bạn cần điểm lại lần nữa những điểm chính và kết bài bằng giọng văn chặt chẽ. Sẽ không thừa khi bạn đọc đi đọc lại, thậm chí gửi cho một người khác (giỏi hơn) để nhờ họ xem giúp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận