02/11/2012 09:46 GMT+7

Cứ để vậy coi sao được!

 QUỐC THANH
 QUỐC THANH

TT - Nghị trường trong những ngày này đang đứng trước một lựa chọn không dễ dàng chút nào: cắt giảm đầu tư công để bù đắp vào nguồn tăng lương, hay chưa tăng lương theo lộ trình để không phải cắt giảm đầu tư công? Gốc rễ nằm ở chỗ ngân sách nhà nước quá eo hẹp. Chỉ tăng lương thêm 100.000 đồng/người/tháng, nhưng để “bấm nút” có tăng được hay không là một việc quá khó khăn.

Nhưng đáng buồn là ngân sách nhà nước vốn đã eo hẹp lại còn bị rút rỉa, lãng phí... nhan nhản khắp nơi. Ở nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã chỉ rõ một trong những “địa chỉ lãng phí”: “Tôi thấy có rất nhiều cuộc họp lãng phí mà không mang lại hiệu quả. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp cuối năm, các cơ quan ồ ạt tổ chức hội nghị tổng kết ngành, triển khai công tác mới, gây tốn kém rất nhiều và hiệu quả thì rất thấp. Hội nghị ngành với hàng trăm người dự, chi phí cho mỗi người lên đến cả chục triệu, chủ yếu là đến nghe báo cáo, nghe vài tham luận, vài ý kiến là xong mà hiệu quả không đáng kể. Hàng trăm triệu, đến cả tỉ đồng đã ra đi”.

Đây chỉ là đơn cử trong số rất nhiều minh họa khác đã được chỉ ra trước nghị trường, gây nhức nhối và nhiều bức xúc. Còn tham nhũng thì năm nào cũng được tổng kết “tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp”, mà nguồn “nuôi” tham nhũng từ đâu - chủ yếu từ ngân sách nhà nước, “địa chỉ” béo bở và màu mỡ nhất.

Khách quan thì bao giờ cũng tác động. Nhưng hãy tự trách chính mình trước tiên, hãy nhìn thẳng vào sự thật của những thất thoát, lãng phí, tham nhũng... vẫn đang báo động, luôn gây bức xúc xã hội. Rõ ràng, những thực tế bức xúc đó đang đòi hỏi phải cấp bách cải thiện việc quản trị quốc gia vốn mang trong mình những bất cập, kém hiệu quả và hiệu lực quản lý không cao.

Trong nay mai Quốc hội sẽ quyết “chiếc bánh ngân sách” của năm 2013 được chia như thế nào. Cũng có thể sẽ cắt giảm một phần đầu tư công để dành cho tăng lương và một số mục tiêu an sinh xã hội cấp bách. Cũng có thể phải duy trì ngân sách đầu tư công để đảm bảo tối thiểu một số mục tiêu phát triển.

Nhưng điều mà cử tri cả nước đang trông chờ ở Quốc hội là thái độ khắt khe đúng mực đối với hàng loạt lãng phí, thất thoát, tham nhũng... trong sử dụng ngân sách nhà nước - tiền đóng thuế của dân. Không thể tiếp tục dễ dãi nữa. Chắc chắn người dân - cử tri cả nước sẽ không thể tiếp tục chấp nhận phải gánh nhiều khoản thuế, phí... để rồi chỉ với một Vinashin thôi gần 5.000 tỉ đồng “ra đi không bao giờ trở lại” (đã xác định lỗ) và còn khoản lỗ tiềm ẩn khác hơn 8.000 tỉ đồng nữa. Chưa hết năm 2012, toàn ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi gần 8.000 tỉ đồng, nhưng mới thu hồi được hơn 2.000 tỉ đồng...

Dường như cứ mỗi lần Quốc hội chuẩn bị khai mạc kỳ họp là cử tri nung nấu nhiều hi vọng. Rồi mai đây quốc nạn tham nhũng sẽ lùi vào quá khứ, những “công bộc của dân” đã tha hóa sẽ được loại trừ... Vâng, rất nhiều hi vọng! Nhưng đừng để cử tri lại thất vọng sau mỗi kỳ họp bế mạc. Có lẽ, với quốc nạn tham nhũng, lãng phí, rút rỉa ngân sách nhà nước... đã có thể sờ nắn được, Quốc hội nên đồng thuận ra những điều luật có mức độ “sát thương” và có khả năng “gây thương vong” cực mạnh đối với những kẻ tham nhũng, gây lãng phí hay thất thoát tiền của của dân. Còn như hiện nay mới chạm đến tham nhũng vặt.

Cứ để tồn tại mãi tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng... coi sao được!

 QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên