26/09/2015 06:00 GMT+7

Cứ có nhiều trường là xây ký túc xá

ĐẶNG TƯƠI - MAI VINH - MẠNH KHANG
ĐẶNG TƯƠI - MAI VINH - MẠNH KHANG

TTO - Được đầu tư hơn 220 tỉ đồng với sức chứa 2.000 sinh viên, nhưng trong năm học 2014-2015 ký túc xá (KTX) tập trung ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ có một sinh viên vào ở.

KTX ĐHQG TP.HCM có diện tích 42,08ha, đáp ứng khoảng 50.000 chỗ ở cho sinh viên - Ảnh: Mạnh Khang

Năm 2013, trong lúc sinh viên Đà Nẵng thiếu chỗ ở thì KTX DMC-579 được mệnh danh là “5 sao” lại chỉ lèo tèo sinh viên đến ở mặc dù có hệ thống WiFi, siêu thị, phòng đọc sách, sân thể thao, phòng chiếu phim 3D, dịch vụ giặt ủi.

Cuối năm 2014, trường hợp tương tự cũng xảy ra ở KTX Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa và KTX sinh viên Nha Trang. Các công trình này được đầu tư hàng chục tỉ đồng, tổng sức chứa gần 2.000 sinh viên nhưng hầu như không có ai ở vì nằm biệt lập, xa trường, xa khu dân cư và không có phương tiện công cộng.

Cũng tại Đà Nẵng, tháng 4-2015 dự án KTX hơn 600 tỉ đồng dang dở. Theo đánh giá của Ban quản lý dự án xây dựng TP Đà Nẵng, khi công trình hoàn thành cũng khó đưa vào sử dụng bởi hạ tầng xung quanh đó như đường sá, nhà trung tâm sinh viên, nhà xe, nhà bảo vệ… vẫn chưa đâu vào đâu.

Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đức - phó trưởng ban quản lý KTX tập trung TP Đà Lạt - cho rằng: “Tất cả các trường khi được cấp giấy phép xây dựng và đào tạo đều quan tâm đến việc xây KTX. Hầu hết các trường đều có KTX của riêng mình, tuy nhiên sức chứa không thể đảm bảo hết cho tất cả sinh viên”.

Ông Đức cho biết vào thời điểm lập dự toán năm 2009, theo thống kê có khoảng 80% sinh viên ở ngoài KTX. Sự ra đời của KTX sẽ phục vụ học sinh, sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm đào tạo dạy nghề.

Vấn đề khó khăn hiện nay là đoạn đường huyết mạch dài 2km vào KTX xuống cấp trầm trọng. Trường gần nhất cũng cách KTX 3km. Chưa có phương tiện công cộng.

Ông Trần Thanh An - giám đốc Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết: “Điều quan trọng nhất của mô hình KTX tập trung là giao thông đi lại phải thuận tiện, an ninh đảm bảo, ăn uống sinh hoạt, công tác quản lý phù hợp để thu hút sinh viên”.

KTX ĐH Quốc gia TP.HCM từng có giai đoạn tương tự khi giao thông khó khăn, tình hình trật tự bất an ở địa bàn giáp ranh (TP.HCM - Bình Dương) đến mức mọi người vẫn gọi là làng đại học. Tuy nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM đã phối hợp với chính quyền TP và tỉnh Bình Dương bố trí nhiều chuyến xe buýt vào ra, tăng cường tuần tra. Các trường thành viên cũng có công tác vận động sinh viên vào ở.

“Bây giờ cứ 5 phút lại có một chuyến xe buýt. Ban quản lý KTX còn bố trí xe trung chuyển đến 11g đêm cho những em làm thêm, học thêm. Nhiều sinh viên không thuộc ĐH Quốc gia cũng đăng ký vào ở” - ông An cho hay.

Không phải cứ có nhiều trường là xây KTX

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giảng viên khoa xây dựng ĐH Bách khoa TP.HCM - đã khẳng định như vậy khi phân tích về câu chuyện quy hoạch KTX sinh viên.

Ông Hiệp cho rằng điều đầu tiên cần thực hiện trước khi quy hoạch là điều tra xã hội học để xác định mục đích, yêu cần cần thiết phải đầu tư. Đầu tư mà không nghiên cứu kỹ là lãng phí ngân sách nhà nước.

“Có khi ở Đà Lạt, sinh viên xa nhà không nhiều nên học xong là về hoặc người dân cho thuê phòng trọ giá rẻ, trong khi điều kiện KTX lại quá khắc nghiệt… nên sinh viên đã không lựa chọn ở KTX” - ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, mô hình của KTX ĐH Quốc gia thuận lợi vì có nhiều trường thành viên nằm gần nhau. Việc quy hoạch xây dựng KTX là cả một khoa học. Trước khi quy hoạch phải tính toán xem KTX sinh lời hay phúc lợi, phí mỗi tháng bao nhiêu, hỗ trợ sinh viên bao nhiêu phần trăm, khi nào thu hồi vốn, chi phí bảo trì và vệ sinh ra sao?

“Vị trí của chỗ ở không quan trọng bằng sự thuận lợi trong cách thức di chuyển đến trường” - ông Hiệp nhấn mạnh.

PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho rằng khi đáp ứng được nhu cầu thì sinh viên mới tìm đến. Xây xong mà sinh viên không cần thì chứng tỏ đã tính toán sai. Bản thân người xây trước nhất phải điều tra nhu cầu của người ở.

“Sinh viên ngày nay đòi hỏi sự thực tiễn, việc xây KTX tập trung cho nhiều trường thì dĩ nhiên sẽ có những trường ở vị trí xa. Ở xa mà không có phương tiện đi lại thì sinh viên không chọn là tất nhiên, các em sẽ tìm đến những nơi tiện nghi, phù hợp hơn” - ông Xê nói.

Sinh viên quan tâm chuyện giao thông, sinh hoạt

Ghi nhận tại nhiều KTX, sinh viên đều cho rằng mối bận tâm hàng đầu khi đăng ký ở KTX là chuyện đi lại và ăn ở.

Bạn Lê Quang Tường (KTX ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: “Vấn đề mình lo lắng nhất khi nhập học là ăn uống, đi lại và sinh hoạt. Để thuận tiện, KTX cần phải có vị trí thuận lợi về cả đường đi lẫn lượng xe buýt qua lại, có các trang thiết bị phục vụ học tập cho sinh viên”.

Bạn Đoàn Duy Trúc Ngọc (KTX ĐH Đồng Tháp) chia sẻ: “Ngoài yếu tố gần trường thì mỗi KTX nên có hệ thống đường sá an toàn, thuận tiện cho các bạn học ngoại ngữ, tin học vào ban đêm. Có biện pháp xử lý côn trùng gây hại như kiến ba khoang nếu xây dựng KTX gần khu vực đất hoang”.

Bạn Lê Thuận Hưng (KTX ĐH Cần Thơ) nêu ý kiến: “Số lượng sinh viên mỗi phòng không nên quá 8 người. Quan trọng là sinh viên không phải suốt ngày cúi mặt học mà cũng cần có nơi để vui chơi, giải trí lành mạnh, rèn luyện sức khỏe”.

KTX có máy rút tiền tự động (ATM), ra vào phải quẹt thẻ từ - Ảnh: Mạnh Khang
Khu thể dục thẩm mỹ và điện thoại di động trong KTX ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Mạnh Khang
Khu tự học rộng rãi, được trang bị bàn ghế, đảm bảo đủ ánh sáng - Ảnh: Mạnh Khang

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Bạn Lê Quang Tường

>> Bạn Đoàn Duy Trúc Ngọc

>> Bạn Lê Thuận Hưng

>> Ông Nguyễn Văn Đức

>> Ông Trần Thanh An

>> PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp

>> PGS.TS Đỗ Văn Xê

ĐẶNG TƯƠI - MAI VINH - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên