30/07/2014 10:00 GMT+7

Cụ bà sống qua ba thế kỷ

SƠN LÂM - VIỄN SỰ
SƠN LÂM - VIỄN SỰ

TT - Sống qua ba thế kỷ với trọn đời chân lấm tay bùn làm ruộng, cụ Nguyễn Thị Trù, ở ấp 5, xã Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM), năm nay 121 tuổi.

fw5Bxyq0.jpgPhóng to
Cụ Nguyễn Thị Trù cùng người con út Nguyễn Hữu Phương và con dâu út Nguyễn Thị Ba đều móm mém như nhau. Bằng chứng nhận của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và giấy mừng thọ của UBND TP.HCM tặng cụ Trù với năm sinh 1893 - Ảnh: Viễn Sự

Ngày 21-7, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đến tận nhà trao cho cụ Trù bằng xác nhận kỷ lục người cao tuổi nhất Việt Nam. Điều thú vị là cuộc đời trải qua ba thế kỷ, cụ Trù chỉ gắn mình với ruộng đồng.

Sinh ra đã gắn với ruộng đồng ở miệt quê Cần Giuộc (Long An), rồi theo cha mẹ chạy về xứ Đa Phước, cụ Trù cũng tiếp tục gắn bó với ruộng đồng cho tới ngày tay yếu, lưng còng.

Cụ Trù chính là nhân chứng còn lại trong cuộc khai phá nên những cánh đồng trù mật ven bờ sông Cần Giuộc còn sống đến ngày nay.

Sống thọ nhờ uống... nước đường

Đã gửi hồ sơ của cụ Trù lên Tổ chức Guinness thế giới

Ông Trương Huy Bá - trưởng ban biên tập sách S100 thuộc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - cho biết: “Chúng tôi phát hiện cụ Trù đã được hơn bốn năm. Theo ghi nhận của Tổ chức Guinness thế giới thì kỷ lục về cụ bà cao tuổi nhất hiện nay là cụ Misao Okawa người Nhật, nên chúng tôi đang gửi hồ sơ đến tổ chức này để xác minh cụ Trù mới là người cao tuổi nhất thế giới còn sống hiện nay. Rất tiếc là những giấy tờ xưa hơn về nhân thân của bà cụ không còn. Nhưng theo pháp lý, chỉ cần dựa vào chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, là hai loại giấy do Nhà nước Việt Nam cấp, là đủ để có thể xác minh hồ sơ. Chúng tôi đã gửi hồ sơ đến Tổ chức Guinness châu Á vào ngày 26-7 và sau đó là gửi đến Tổ chức Guinness thế giới. Việc xác minh nhanh hay chậm tùy thuộc hoàn toàn vào Tổ chức Guinness thế giới. Mấy năm trước chúng tôi cũng từng làm hồ sơ cho cụ bà Trần Thị Việt, sinh năm 1892, ở Long An, để xác lập kỷ lục Guinness thế giới nhưng họ chuẩn bị qua xác minh thì cụ Việt đã mất”.

Trái với suy nghĩ của chúng tôi về một cụ già chỉ còn nằm một chỗ, miệng nói thều thào ở tuổi bách niên, vừa vào nhà, chúng tôi đã gặp cụ Trù ngồi lọt thỏm trong võng lắc lư, mỉm cười chào khách và quay sang con dâu hỏi: “Mấy người này là ai đây?”, với chất giọng trong, khỏe.

Ông Nguyễn Hữu Phương, người con út của cụ Trù, cho hay cụ Trù giờ đã hết đi được.

Nhưng lúc ngồi võng thì cụ trông khỏe mạnh không khác gì người bình thường, đôi tay cụ vẫn linh hoạt theo từng lời nói. Chào khách rồi, cụ Trù lại muốn uống nước.

Bà Nguyễn Thị Ba, con dâu út của cụ Trù, tất tả rót một ly nước lọc cho cụ. Chưa kịp đưa, cụ đã nói luôn: “Đưa tao uống thử coi, nước gì đó?”.

Hết một phần ba ly nước, cụ quay sang chúng tôi lắc đầu nguầy nguậy, vẻ thất vọng: “Nước gì nhạt quá, đồ thứ nước lã trong lu này uống nhạt quá, chán quá!”. Rồi lại mỉm cười vỗ vai chúng tôi: “Cảm ơn mấy cậu tới thăm, vui quá, rảnh tới thăm nữa nha!”.

Nhìn vẻ hồn nhiên và nghe giọng nói của cụ Trù, quả thật khó tin cụ đã sống gấp đôi cái tuổi mà người đời vẫn cho là “thọ”.

Bà Nguyễn Thị Ba quay sang nói với chúng tôi, nhiều người đến thăm cụ Trù cứ ráng hỏi bí quyết sống trường thọ của cụ, nhưng ở nhà nói ra ai cũng tưởng nói giỡn. Đó là cụ Trù từ trẻ đến già chỉ thích uống nước đường (?).

“Má chồng tui hồi còn khỏe, quậy nước đường uống tối ngày, đồ ngọt như bánh trái cũng ăn dữ lắm. Giờ cũng vậy, đưa nước thường là vừa uống vừa chê”.

Dường như cảm thấy chúng tôi ngạc nhiên vào sự khỏe mạnh của cụ Trù, bà Ba nói như thanh minh: “Thấy vậy chớ bà già lãng tai hung rồi, nhìn cũng không còn được mấy. Vừa ăn cơm xong đã lại xin ăn tiếp và bảo mình bị bỏ đói”. Ông Nguyễn Hữu Phương cười chêm vào: “Tui giờ cũng lẫn rồi huống gì má tui”.

Sinh được 10 người con, nhưng nay bảy người con lớn của cụ Trù đã theo bước ông bà, vì người con đầu nay còn sống cũng đã tròn 100 tuổi. Ông Phương nay cũng đã rụng hết răng, móm sọm.

Vậy mà răng cụ Trù vẫn còn nguyên, chưa rụng cái nào, chỉ có điều tất cả đều mòn đến tận chân. Bà Ba cho biết đến năm 119 tuổi, cụ vẫn đều đặn mỗi bữa hai chén cơm.

“Giờ má tui ăn mỗi bữa chỉ chừng một phần ba chén cơm, và vẫn rất thích uống nước đường. Đưa nước lọc cho uống là cứ lắc đầu nguầy nguậy như mấy anh thấy đó” - bà Ba kể.

Làm ruộng gần một thế kỷ

Sinh ở Cần Giuộc, từ nhỏ cụ Trù đã làm ruộng. Sau lấy chồng, theo về miệt Đa Phước, bàn tay cụ Trù gần như đã cấy khắp các cánh đồng nơi đây.

Bà Ba nhớ lại: “Hồi tui còn nhỏ, chỗ này chỉ toàn là cỏ tranh mọc ngút ngàn. Ba má chồng tui là những người khai hoang đầu tiên ở đây để trồng lúa. Ba chồng tui mất từ năm 1963, còn má chồng tui thì đến gần 90 tuổi vẫn còn có thể đưa cơm ra thăm đồng”.

Khai khẩn một đời, gia đình đông con cháu nên cứ ai ra ở riêng lại được chia bớt một phần ruộng để tự lập. “Ngoài một số làm công nhân, còn lại đều sống nhờ vào ruộng lúa” - bà Ba nói thêm.

Ông Ngô Văn Kim - chủ tịch Hội người cao tuổi xã Đa Phước - nói những cụ già cao tuổi nhất vùng đều nói cụ Trù chính là một trong những người đầu tiên khai hoang lập ra vùng ruộng Bàu Sấu trù mật, trải dài tới bờ sông Cần Giuộc.

Đó là thời mà khi còn khỏe mạnh, cụ Trù vẫn hay kể cho con cháu nghe rằng ở vùng Đa Phước mà bây giờ đông đúc phố xá thì hồi đó lâu lâu vợ chồng cụ chống xuồng còn bị cá sấu táp hụt.

Xã Đa Phước giờ đang chuyển mình thành đô thị, đưa cụ Trù trở thành nhân chứng sống cuối cùng cho một thời khai khẩn xa lắc. Đại gia đình cụ Trù từ căn chòi cỏ tranh bên mé sông, giờ cũng đã chuyển nhà đến ba lần. Những lần chuyển nhà đã khiến những giấy tờ về cụ Trù mất hết, ngoại trừ giấy chứng minh nhân dân, được cấp có ghi rõ ngày sinh của cụ là 4-5-1893.

Chào tạm biệt cụ Trù và con cháu cụ, chúng tôi nghĩ bí quyết sống thọ đã được cụ Trù dặn lại cho con cháu từ lâu. Ông Nguyễn Hữu Phương kể: “Má tui nào giờ gặp ai cũng cười như với mấy chú vậy. Từ nhỏ tới lớn tui chưa thấy bà cự cãi với bất cứ ai. Lúc nào cũng cứ cười hiền lành với mọi người”.

SƠN LÂM - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên