Bà Phi ở tuổi cổ lai hi phụ mẹ chăm sóc em trai liệt giường |
Nhà cụ Hương được dựng từ trước năm 1975, vách trước xây bằng tường gạch với mấy cột bêtông đã nứt toạc, chực đổ và được chống đỡ bằng mấy cây gỗ yếu ớt.
Gian chính của căn nhà, nơi đặt bàn thờ chồng và kê giường ngủ của cụ Hương, là sự chắp vá của những cây gỗ, tấm tôn đã cũ, mục nát.
Gian sau trống hoác được vá víu bằng những tấm cao su, nắng mưa cứ thốc thẳng vào bên trong.
Phần kín đáo nhất là chái bếp cạnh bên với phía trước được dành kê chiếc giường gỗ trải chiếu lác, là chỗ của ông Lâm Văn Thạch (sinh năm 1957), con trai của cụ Hương.
Ông Thạch bị bệnh từ lúc mới chào đời và 59 năm nay phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có sự trợ giúp của cụ Hương và người chị gái Lâm Thị Phi cũng đã qua tuổi “cổ lai hi” (sinh năm 1942).
Thân hình gầy gò, lưng còng nhưng cụ Hương còn rất minh mẫn. Cụ kể hai vợ chồng có năm người con, bà Phi là con lớn, còn ông Thạch là áp út.
Về người con tật nguyền của mình, cụ Hương kể: “Hồi mới đẻ ra nó đã ốm yếu, cứ khóc suốt, lớn lên cũng không đi đứng được gì. Vợ chồng tui chạy vạy khắp nơi lo cho nó mà không được, mấy lần nó bị co giật chết giấc, may là trời thương nên mới sống được tới bây giờ”.
Vợ chồng cụ Hương phải cắt dần đất đai, vườn ruộng bán lấy tiền nhưng nỗ lực chạy chữa cho đứa con trai cứ vô vọng. Bà Phi là chị cả cũng quyết định không lấy chồng, phụ cha mẹ nuôi em.
Cách đây 10 năm, chồng của cụ Hương bệnh qua đời, trong ngôi nhà xiêu vẹo chỉ còn lại ba mẹ con già yếu, bệnh tật nương tựa vào nhau. Hồi trước bà Phi còn khỏe nên nuôi được vài con heo, con gà và làm bánh bán vòng trong xóm. Khoảng năm năm nay, sức khỏe của bà Phi cũng yếu dần nên chỉ còn biết quanh quẩn trong nhà với em, với mẹ.
Nguồn sống chính của ba người già yếu là từ tiền trợ cấp xã hội của nhà nước. Cụ Hương được nhận trợ cấp người cao tuổi mỗi tháng 180.000 đồng và mới được tăng lên 270.000 đồng từ đầu năm 2016.
Riêng ông Thạch được trợ cấp người khuyết tật mỗi tháng 420.000 đồng. Quỹ Vì người nghèo của xã mỗi tháng hỗ trợ cho gia đình 10kg gạo.
Ba người con khác của cụ Hương đã có gia đình, hai người ở xa và chỉ có người con gái út ở gần nhà nhưng ai cũng nghèo khó nên không đỡ đần được gì.
Gần đây do thời tiết thay đổi thất thường nên cả cụ Hương và ông Thạch cứ cảm sốt liên tục, bà Phi phải thuê xe ôm ra trạm y tế xã nhận thuốc BHYT về uống qua ngày.
Căn nhà trống trước hở sau, không nơi nào lành lặn |
Ông Danh Mực - trưởng ấp Tân Hưng - cho hay gia đình cụ Hương có hoàn cảnh khó khăn nhất trong ấp vì tất cả đều già yếu, bệnh tật và chỉ có thể sống nhờ vào nguồn trợ cấp xã hội, không có nguồn thu nhập nào khác.
“Chúng tôi đã có kiến nghị xã xem xét dựng lại cho cụ căn nhà vì nó có thể sập bất cứ lúc nào nhưng UBND xã cho hay phải chờ thêm vì chưa có kinh phí” - ông Mực nói.
Theo ông Mực, người dân trong ấp ai cũng thương cho hoàn cảnh nhà cụ Hương, ngặt nỗi hàng xóm phần đông là đồng bào Khmer kinh tế khó khăn nên đành bó tay.
Chuyên mục “” của báo Tuổi Trẻ đăng tải các địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông tin phản hồi về sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Bạn đọc có thể giới thiệu các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn bất ngờ... không còn khả năng tự giải quyết được để báo Tuổi Trẻ xác minh và đăng tải trên chuyên mục này. Thông tin giới thiệu gửi qua email: [email protected] hoặc ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. “Nhịp cầu nhân ái” mong nhận được sự chia sẻ từ quý bạn đọc. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về báo Tuổi Trẻ, “Nhịp cầu nhân ái” sẽ công khai sự giúp đỡ và cam kết trao tận tay người cần được giúp đỡ. Địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại: (08) 39973838. Số tài khoản: * VND: 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. * USD: 007.137.0195.845 * EUR: 007.114.0373.054. Vui lòng ghi rõ: Nhịp cầu nhân ái - mã số 78, giúp đỡ gia đình cụ Trần Thị Hương. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận