“Hỗn loạn” là một từ ngắn gọn và chính xác nhất để mô tả cảnh đổ nát trong ngôi nhà của bà May Abboud Melki (79 tuổi) trong đêm thứ tư 5-8, ở thủ đô Beirut. Đồ đạc ngổn ngang, tường lủng nhiều lỗ, những mảnh kiếng bể và đủ các loại mảnh vỡ khác trải khắp trên sàn nhà.
May làm sao, cả bà Melki và ông chồng đều không ở nhà khi bất ngờ xảy ra vụ nổ khủng khiếp vào chiều hôm trước, làm chết ít nhất 135 người và khiến 5.000 người bị thương (tính tới ngày bà Melki trở về nhà mình). Cả hai ông bà đều không bị thương trong vụ nổ, song cửa hàng của ông đã bị phá huỷ.
Khi hai vợ chồng nhà Melki trở về nhà vào hôm 5-8, họ đã bị sốc khi nhận ra mái ấm mà họ đã sống trong 60 năm liền vừa bị tàn phá ngoài sức tưởng tượng.
Nhưng chỉ vài phút sau, cả thế giới như tạm dừng lại, mọi thứ dường như lại bình yên, khi bà cụ 79 tuổi, tóc bạc phơ, bước tới cây đàn piano - món duy nhất dường như không bị tổn hại, và bình tĩnh ngồi xuống chơi bài “Auld Lang Syne” kinh điển.
"Auld Lang Syne" là một bài thơ bằng tiếng Scots, được sáng tác vào năm 1788, sau đó được phổ nhạc thành bài dân ca truyền thống. Tựa đề bài "Auld Lang Syne" trong tiếng Scots (for [the sake of] old times, trong tiếng Anh) có thể tạm dịch qua tiếng Việt là "Vì những kỷ niệm ngày xưa".
"Auld Lang Syne" ngày nay đã trở thành bài hát truyền thống chia tay với năm cũ trong thời khắc giao thừa ở nhiều nước, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh. Bài "Auld Lang Syne" cũng được sử dụng trong các lễ tốt nghiệp, hay trong… đám tang, như một lời chia tay hoặc kết thúc cái gì đó trong các trường hợp khác nhau.
Lúc đó, khoảng một chục tình nguyện viên đang quét các mảnh vỡ và dọn dẹp trong và ngoài nhà của hai vợ chồng. Bà Melki bắt đầu với bản “Auld Lang Syne”, sau đó chơi tiếp qua các bài tụng ca Ả Rập, khiến các tình nguyện viên tụ tập xung quanh và bày tỏ lòng tôn kính.
Cây đàn piano của bà Melki là quà tặng của cha bà nhân dịp đám cưới của vợ chồng bà. Trong khi đó, ngôi nhà của họ từng sống sót qua toàn bộ cuộc nội chiến ở Liban, tường nhà đã từng bị những viên đạn xuyên qua. “Tuy vậy, vụ phá hủy lần này không giống như những gì các cụ từng thấy trước đây, dù nhà họ cách nơi xảy ra vụ nổ tới hơn 1.6 km”, cô cháu gái May-Lee Melki của họ nói với hãng tin CNN.
Sau khi cô May-Lee Melki, hiện sống ở Virginia, Hoa Kỳ, được mẹ gởi video bà ngoại Melki chơi đàn, cô đã chia sẻ clip ấy lên tài khoản cá nhân Facebook, và nhanh chóng có được gần 20.000 lượt chia sẻ. “Video này là một biểu tượng của hy vọng và hòa bình giữa tất cả những tuyệt vọng.” – cô May-Lee Melki nói.
Đoạn video ấy thậm chí còn được chia sẻ rộng rãi hơn trên Twitter, nơi nhiều người đã bình luận rằng video bà ngoại Melki chơi piano chính là thông điệp về tinh thần kiên cường của người dân Liban giữa lúc thảm hoạ mới chồng lên thảm hoạ COVID-19.
Vụ nổ vào chiều 4-8 ở thủ đô Beirut của Liban đã xé toạc thành phố, quét sạch các đường phố và làm hư hại cả các toà nhà cách đó 6 km. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác của vụ nổ, nhưng nó có liên quan tới một nhà kho ở cảng Beirut từng chứa hàng ngàn tấn amoni nitrat (ammonium nitrate) - thường được sử dụng để sản xuất phân bón, nhưng lại là một loại vật liệu dễ gây nổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận