"Cú ám sát" Huawei bất thành của Mỹ

THANH TUẤN 13/07/2024 18:27 GMT+7

TTCT - Bất chấp những lệnh cấm vận ngặt nghèo của Mỹ, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei vẫn đang phát triển mạnh mẽ...

Ảnh: CNBC

Ảnh: CNBC

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi thường nói về cuộc chiến giữa tập đoàn này với Mỹ bằng ngôn ngữ quân sự. "Tới lúc cầm súng, lên ngựa và ra trận", ông nói trong họp nội bộ hồi năm 2018. Thông điệp cho năm sau của ông là nhân viên Huawei sẽ cột mình vào xe tăng để kéo ra chiến trường.

Theo The Economist, kiểu ví von dữ dội này dễ hiểu: Huawei liên tục bị Mỹ nhắm tới suốt hơn 10 năm qua. Năm 2012, chính quyền Mỹ bắt đầu cáo buộc Trung Quốc dùng tập đoàn này cho mục đích tình báo. 

Mỹ còn truy tố giám đốc tài chính Huawei, đồng thời là con gái ông Nhậm, bà Mạnh Vãn Chu (theo họ mẹ) năm 2018 vì vi phạm lệnh cấm vận với Iran. 

Tới 2020, cuộc chiến của Mỹ trở thành tổng lực khi hầu hết các công ty nước này bị cấm kinh doanh với Huawei, các công ty quốc tế bị Mỹ cấm bán chip và thiết bị có sử dụng công nghệ Mỹ cho tập đoàn Trung Quốc. Mỹ thậm chí vận động các nước không sử dụng thiết bị Huawei trong hạ tầng viễn thông.

Chiến tranh tổng lực

Các đòn đánh tới tấp khiến Huawei tơi tả. Tập đoàn buộc phải bán nhãn hàng điện thoại thông minh chính vì thiếu chip. 

Hơn 10 nước phát triển đã loại Huawei khỏi các hợp đồng 5G. Doanh thu tập đoàn rớt 30% năm 2021; lợi nhuận sụt 70% trong năm 2022. Trong lá thư nội bộ, ông Nhậm nói tập đoàn đang chiến đấu để sinh tồn. 

"Đầu tiên là sống sót. Tương lai còn nếu chúng ta sống sót". Mỹ vẫn chưa dừng lại. Mới tháng 5 vừa rồi, chính quyền Mỹ rút luôn giấy phép đặc biệt cho phép Intel và Qualcomm bán chip máy tính cho Huawei.

Nhưng Huawei vẫn sống, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Quý đầu năm nay, lãi tập đoàn đã tăng 564%, đạt 19,7 tỉ tệ (2,7 tỉ USD). Họ cũng đã quay lại thị trường điện thoại. 

Doanh thu từ thiết bị viễn thông tăng trở lại và Huawei đã có khả năng thay thế công nghệ nước ngoài bằng thiết bị và phần mềm nội địa - giúp giảm nguy cơ bị Mỹ trừng phạt. Không những không thể làm Huawei sụp đổ, cuộc chiến của Mỹ có vẻ đang khiến tập đoàn này mạnh hơn.

Ông Nhậm, vốn từng đi lính, thành lập Huawei năm 1987 tại căn hộ ở Thâm Quyến, lúc đó chủ yếu nhập khẩu rồi bán lại thiết bị viễn thông cho khách nội địa. Được đào tạo nghề kỹ sư, ông nhanh chóng học cách tự sản xuất thiết bị. 

Khi thị trường viễn thông mở rộng, Huawei lớn mạnh dần. Tới năm 2020, họ trở thành tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới và nhà cung cấp thiết bị hạ tầng mạng hàng đầu, chiếm khoảng 30% thị phần toàn cầu.

Ông Nhậm Chính Phi. Ảnh: GizChina.it

Ông Nhậm Chính Phi. Ảnh: GizChina.it

Tham vọng lớn của Nhậm Chính Phi

Ông Nhậm luôn có tham vọng lớn với Huawei. Tham vọng đó thể hiện ngay từ tên gọi: Huawei tức "Hoa vi", là rút gọn của "Trung Hoa hữu vi" - tuyên ngôn đối lập với quan niệm "vô vi" truyền thống vốn vẫn được ca tụng của triết học Lão - Trang. 

Hàm ý ở đây là ông Nhậm muốn thoát hẳn ra khỏi tư tưởng thụ động, "thuận theo tự nhiên", "có trên có dưới" của lý tưởng Trung Hoa truyền thống, để có thể thực sự cách tân, đổi mới và chủ động.

Tổng hành dinh khổng lồ của tập đoàn đặt ở Thâm Quyến. Phòng họp to như cung điện và cũng trang trí như Điện Versailles: cột đá lớn và sàn trang trí hoa lá cành, tranh sơn dầu cảnh đồng quê trên trần. Công ty thậm chí xây một thị trấn nhỏ kiểu châu Âu ở một trung tâm sản xuất của họ gần đó, với những lâu đài được phục dựng làm phòng họp và thư viện.

Doanh thu Huawei năm ngoái vào khoảng 100 tỉ USD, gấp đôi Tập đoàn Oracle của Mỹ, tương đương 1/2 của Samsung, nhưng vượt xa về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). 

Ngân sách R&D 23 tỉ USD năm 2023 của Huawei chỉ thua vài tập đoàn lớn nhất của Mỹ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple và Microsoft. Lợi nhuận của họ năm ngoái là 12,3 tỉ USD, tương đương với Cisco, tập đoàn viễn thông lớn của Mỹ, và vượt xa Ericsson hay Nokia, các đối thủ chính trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông. 

Trong khi Ericsson và Nokia cắt giảm nhân viên, Huawei tiếp tục tuyển thêm. Nhân sự tập đoàn hiện tăng 12.000 người so với năm 2021.

Hoạt động kinh doanh lõi của Huawei vẫn là thiết bị hạ tầng viễn thông, chiếm khoảng 50% doanh thu năm ngoái. Những năm gần đây, bộ phận này lập các nhóm kỹ sư làm dự án tư vấn, tham gia đủ ngành từ cảng biển tới hầm mỏ. 

Qua đó, Huawei đã chính thức tham gia cuộc chạy đua với các đối thủ phương Tây Cisco, Siemens hay Honeywell.

Bộ phận hàng tiêu dùng, hiện đang tạo ra 1/3 doanh thu, sản xuất đủ loại thiết bị có thể kết nối 5G, điện thoại và đồng hồ thông minh, tivi, hệ thống điều khiển xe điện... Doanh thu từ bộ phận này đã tăng khoảng 17% trong năm 2023, phần lớn nhờ điện thoại di động.

Bộ phận điện toán đám mây hiện chiếm gần 1/10 doanh thu và tăng trưởng 22% trong năm ngoái. Khi Microsoft thu hẹp hoạt động ở Trung Quốc (do lệnh cấm từ Mỹ), Huawei nhanh chóng giành các kỹ sư của họ. Một lĩnh vực phát triển nhanh khác tập trung vào năng lượng bao gồm hệ thống sạc xe điện và truyền tải điện mặt trời.

Ảnh: CNBC

Ảnh: CNBC

114.000 nhân viên trong lĩnh vực R&D

Các lệnh cấm từ Mỹ thực ra đã tác động nặng nề tới Huawei, nhưng nhờ đó họ tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. Doanh thu từ nước ngoài giờ chỉ còn chiếm 1/3 so với 50% hồi 2017. Công ty cũng buộc phải tập trung nhiều hơn vào sáng tạo. Khoảng hơn một nửa tổng số nhân viên, tương đương 114.000 người, hiện làm trong lĩnh vực R&D.

Ông Nhậm nói hãng đã thay thế được 13.000 chi tiết/thiết bị sản xuất từ nước ngoài bằng hàng nội địa. Lệnh cấm cũng thúc đẩy Huawei phát triển nhanh chóng bằng sáng chế và đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh mới.

Ngành công nghiệp chip Trung Quốc hiện vẫn thiếu rất nhiều thiết bị và công cụ để có thể phân tách hoàn toàn với phương Tây. 

Một số chip nội địa Huawei đang dùng, như chip của công ty quốc doanh SMIC, đắt gấp vài lần sản phẩm nhập khẩu và hiện vẫn thiếu hàng. Tính theo giá trị, khoảng 70% thiết bị điện thoại Mate60 Pro+, sản phẩm Huawei ra mắt hồi tháng 9-2023, được sản xuất ở Trung Quốc. 

Điều này giúp họ giữ được 15,5% thị phần điện thoại thông minh ở Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2024, tăng so với 9% của năm ngoái. Đây là thành công lớn cho sự hồi phục của Huawei.

Sau những lệnh cấm vận, họ cũng lập đơn vị đầu tư Hubble để mua lại các công ty công nghệ. Một ví dụ đầu tư trọng điểm của Hubble là công nghệ in thạch bản (in lên vỉ vi mạch) hiện là mảng Trung Quốc yếu nhất để có thể tự chủ về chip. 

Các chuyên gia không kỳ vọng Huawei có thể tạo đột phá về công nghệ in bản thạch cực tím - lĩnh vực rất sâu mà hiện chỉ có ASML làm được. 

Nhưng các khoản đầu tư của Hubble giúp Huawei giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đôi khi chỉ đơn giản là công tác bảo dưỡng hay thay thế linh kiện. Đầu năm nay, giới chức Mỹ đã kêu gọi đồng minh thậm chí dừng cả các dịch vụ này cho máy in bản thạch hiện đại nhất.

Chiến lược đầu tư của Hubble đã có tác động trên thị trường thế giới. Một ví dụ là chip silicon carbide (SiC) vốn sử dụng chủ yếu trong xe điện và công nghệ xanh nhờ hoạt động được ở nhiệt độ cao. 

Đây là lĩnh vực thống trị lâu nay của Tập đoàn Infineon (Đức), nhưng Hubble hiện đã đầu tư vào ít nhất 4 công ty sản xuất chi tiết cho chip SiC và nhanh chóng chiếm được 32% thị phần sản xuất tấm mạch SiC. Giống như nhiều mặt hàng khác, sự tham gia của Trung Quốc là lý do quan trọng giúp giảm giá mặt hàng đặc biệt này trên toàn cầu.

Ảnh: EE Times Asia

Ảnh: EE Times Asia

"Chúng ta đã phá vây được"

Lãnh đạo Huawei vẫn điều hành trong tâm thế sẽ còn nhiều lệnh cấm nữa từ Mỹ được ban bố với họ. Phần cứng chỉ là một nửa trận chiến. Kể từ năm 2019, các hãng Mỹ cũng đã bị cấm bán phần mềm cho Huawei. 

Oracle từng cung cấp chương trình quản lý hệ thống nội bộ ERP cho Huawei, nhưng với lệnh cấm, Huawei phải xây toàn bộ hệ thống mới. Khi tập đoàn công bố phần mềm này năm ngoái, một quản lý đã sung sướng: "Chúng ta đã phá vây được. Chúng ta sống rồi". Một số dự đoán Huawei thậm chí sẽ tìm cách bán hệ thống này để cạnh tranh với chính Oracle.

Rào cản còn lớn hơn nữa là hệ điều hành (OS). Huawei ban đầu sản xuất điện thoại thông minh chạy trên hệ điều hành Android của Google. Sau lệnh cấm, họ buộc phải đóng hầu hết mảng điện thoại thông minh. 

Từ năm 2012, Huawei bắt đầu phát triển hệ điều hành của riêng họ, Harmony. Thị trường Trung Quốc đủ lớn để các mẫu điện thoại mới thành công và lôi kéo được người tham gia viết app cho Harmony. Huawei nói họ hiện có 700 triệu người dùng và 2,2 triệu người lập trình.

Phiên bản tiếp của Harmony dự kiến sẽ bỏ hết các mã Android, như vậy app Android cũng sẽ không chạy được trên điện thoại Huawei nữa. Tầm nhìn của họ là Harmony về cơ bản sẽ trở thành đối thủ với Andorid và IOS - mục tiêu tham vọng hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.■

Riêng với mảng AI, giới chức Mỹ cho rằng Huawei sẽ khó sản xuất đủ chip để tự vận hành. Tuy nhiên, công ty nhận dạng giọng nói iFlyTech mới đây nói công nghệ và mô hình của họ chạy hoàn toàn trên chip AI của Huawei. Đây là lần đầu tiên hệ thống AI thuần Trung Quốc "độc lập" với phương Tây xuất hiện.

Điều này phù hợp với định hướng của giới lãnh đạo Trung Quốc để vượt qua và chuẩn bị cho các lệnh cấm vận của Mỹ bằng công nghệ nội địa.

Chính quyền Bắc Kinh, hiện là khách hàng lớn nhất của Huawei, cũng có nhiều hỗ trợ khác cho tập đoàn thông qua tài trợ và đầu tư. Yếu tố chính trị là không thể xem nhẹ, nhưng Huawei cũng có động cơ thương mại mạnh mẽ: đây là cách duy nhất để họ tồn tại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận