Đây là báo cáo đầu tiên của WHO về tình trạng tự tử trên toàn cầu, với số liệu thu thập từ 172 quốc gia trên thế giới.
Trong buổi công bố báo cáo ở Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc WHO phụ trách sức khỏe tâm thần Shekhar Saxena nhấn mạnh tự tử đang là một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động.
Mỗi năm trên thế giới có 1,5 triệu người tử vong do bạo lực, trong đó có tới 800.000 là tự kết liễu mạng sống của mình. Tỷ lệ tự tử cao nhất thuộc về các nước Trung - Đông Âu và châu Á, trong đó 25% các trường hợp xảy ra ở các nước giàu.
Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ tự tử ở nam giới cao gấp hai lần so với phụ nữ, với nhiều cách thức tìm tới cái chết như treo cổ, bắn súng, đặc biệt là sử dụng thuốc trừ sâu ở những khu vực nông thôn.
Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tự tử cao nhất là ở những người từ 70 tuổi trở lên, song ở một số quốc gia, giới trẻ lại là đối tượng. Đáng chú ý, tự tử là nguyên nhân thứ hai dẫn đến cái chết của các thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 29 trên toàn cầu.
Theo WHO, trong năm 2012, ở các quốc gia có thu nhập cao, tỷ lệ tự tử là 12,7/100.000 người, cao hơn chút ít so với tỷ lệ 11,2 ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, do dân số ở các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp rất lớn nên tổng số người tự tử ở khu vực này chiếm tới 3/4 các vụ tự tử trên thế giới.
Giới chức y tế nhận định những người cảm thấy bị cô lập, trầm cảm và vô vọng thường có xu hướng tự tìm tới cái chết. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng cách thức báo chí đưa tin về các vụ tự tử của những người nổi tiếng cũng có liên quan. Theo các chuyên gia tâm lý, việc tường thuật chi tiết các vụ tự tử của những người nổi tiếng có thể dẫn tới tâm lý bắt chước đối với những người khác, theo đó khuyến cáo giới truyền thông nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi đưa tin về các vụ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận