Cụ thể, dự luật đã dành một điều quy định việc ngăn chặn hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra kiểm soát, cản trở, chống người thi hành công vụ.
Theo đó, khi người tham gia giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ, lực lượng thi hành nhiệm vụ, trong đó có cảnh sát giao thông (CSGT), được thực hiện các biện pháp cần thiết.
Cảnh sát giao thông được truy đuổi người vi phạm trong những trường hợp nào?
Và trong trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.
Và khi dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua, nhiều người cho rằng nội dung này sẽ chính thức được luật hóa, tạo cơ sở pháp lý khi áp dụng, tránh gây tranh cãi và áp dụng không thống nhất như hiện nay.
Thuận lợi cho CSGT nhưng phải an toàn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Trịnh Xuân An (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh - cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết cá nhân ông ủng hộ với đề xuất của dự luật như trên.
Bởi theo đại biểu, thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông nhưng không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện của CSGT, bỏ chạy, gây nguy hiểm, tai nạn cho người dân. Việc này khiến người dân rất bức xúc, lo lắng.
Do vậy, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm, chống người thi hành công vụ, cố tình bỏ chạy để giữ tôn nghiêm pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông.
Tuy nhiên, theo đại biểu An, quy định trong luật là khung còn sau khi luật được Quốc hội biểu quyết thông qua thì Chính phủ cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về các trường hợp vi phạm bỏ chạy, gây nguy hiểm thế nào sẽ được truy đuổi chứ không phải tất cả các trường hợp CSGT đều truy đuổi.
Việc này để tránh tình trạng lạm dụng trong thực thi và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.
Đồng tình, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng bày tỏ với đề xuất của dự luật và cho rằng việc xem xét "luật hóa" cho phép CSGT truy đuổi để ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm là hợp lý, nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội.
Ông chỉ rõ khi xảy ra sự việc người vi phạm bỏ chạy hoặc chống đối lại CSGT sẽ gây nguy hiểm cho người khác. Do đó, cần cho phép lực lượng CSGT đang thi hành công vụ được xử lý trực tiếp.
Tuy nhiên, việc "luật hóa", theo ông Tiến, cần quy định cụ thể hơn về các điều kiện liên quan. Và Chính phủ sẽ tiếp tục có văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung này, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Trước ý kiến cho rằng có thể sử dụng các thiết bị công nghệ, camera giám sát thay cho việc CSGT truy đuổi, đại biểu Tiến nói với camera giám sát chủ yếu sử dụng cho việc phạt nguội và tình huống xảy ra ngay tại khu vực đó.
Nhưng thực tế, các đối tượng vi phạm thường có các hành vi che biển số, sử dụng biển số giả và gây nguy hiểm cho người khác. Thêm vào đó, sẽ có những trường hợp camera giám sát không ghi nhận lại được hình ảnh dẫn tới không xử lý được.
Vì vậy, việc đề xuất cho phép CSGT được truy đuổi với các trường hợp vi phạm nếu bỏ chạy là hợp lý. "Cần thận trọng khi đưa vào quy định, nhưng nếu thận trọng quá sẽ dẫn đến bế tắc không xử lý được các vi phạm" - ông Tiến nói và nhấn mạnh cần có các yêu cầu trong quá trình truy đuổi phải đảm bảo an toàn cho người dân, người vi phạm và chính CSGT.
Là một người trong ngành, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang (thiếu tướng, giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng đề xuất này là phù hợp, đảm bảo cho lực lượng thực thi công vụ, trong đó có CSGT, khi hoạt động, thực hiện nhiệm vụ có sự điều chỉnh của pháp luật.
Đồng thời đảm bảo cho việc thực thi pháp luật đều phải nghiêm minh với quan điểm tất cả các vi phạm dù là hành chính cũng phải xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, ông Quang chỉ rõ trước đây trong một số trường hợp khi CSGT thực hiện việc truy đuổi các phương tiện vi phạm đã xảy ra tai nạn, gây hậu quả đáng tiếc cho người vi phạm và cả lực lượng CSGT.
Vì vậy, quan trọng nhất sau khi luật được thông qua, đưa vào thực thi thì lực lượng CSGT khi tổ chức tuần tra, kiểm soát, chốt chặn giao thông phải chủ động phương án với các tình huống có thể xảy ra. Trong đó, yêu cầu cao nhất phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, người vi phạm và chính lực lượng CSGT.
"Trường hợp không đảm bảo an toàn không nên truy đuổi mà sử dụng phương án khác hiệu quả hơn - ông Quang nêu rõ và nhấn mạnh thêm - Vi phạm giao thông là vi phạm hành chính, do đó không phải trường hợp vi phạm nào cũng thực hiện việc truy đuổi mà CSGT sẽ phải đánh giá từng trường hợp cụ thể.
Với các trường hợp vi phạm không gây nguy hiểm nghiêm trọng, không có các dấu hiệu vi phạm pháp luật và hệ thống camera giám sát đảm bảo có thể tiến hành xử phạt nguội chứ không thực hiện truy đuổi. Không được lạm quyền trong việc này và việc xử lý phải đảm bảo nghiêm minh nhưng cần an toàn cho tất cả".
Chưa thực sự cần thiết?
Trong khi đó, cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - lại cho rằng các cơ quan chức năng nên xem xét, đánh giá kỹ đề xuất này.
Ông nói với thực tế hiện nay, đề xuất cho phép CSGT được truy đuổi nếu người vi phạm bỏ chạy chưa thực sự cần thiết. Bởi hiện nay chúng ta đã có các thiết bị, công nghệ và nhiều tuyến đường, nhất là ở các đô thị đã có gắn camera giám sát.
Do vậy, với các trường hợp vi phạm, không chấp hành hiệu lệnh, dừng xe và bỏ chạy thì thiết bị công nghệ hoàn toàn có thể ghi nhận lại, từ đó làm căn cứ để xử lý về sau.
Bên cạnh đó, trên các tuyến đường, nhất là ở đô thị, nếu CSGT dùng các phương tiện truy đuổi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. "Do đó, tôi đề xuất nên nghiên cứu, sửa lại quy định này trong dự luật theo hướng áp dụng công nghệ ghi nhận vi phạm để tiến hành các bước phạt nguội", ông Quyền nói.
Với các trường hợp vi phạm, cố tình bỏ chạy nhưng dùng thủ thuật che biển số, dùng biển số giả..., ông Quyền nêu quan điểm CSGT không nên truy đuổi mà có thể sử dụng các biện pháp khác.
Trong đó, nếu phương tiện chạy qua, có thể báo cho các trạm, chốt CSGT kiểm soát ở các đoạn đường tiếp theo để dùng các biện pháp nghiệp vụ dừng xe, xử lý. Việc thực hiện như thế này sẽ đảm bảo hiệu quả và an toàn hơn.
Nhìn ở góc độ khác, anh Lê Khắc Thế (trú ở Thanh Xuân, Hà Nội) có ý kiến và nhấn mạnh việc CSGT không nên truy đuổi trường hợp vi phạm không nghiêm trọng. Bởi theo anh Thế, anh ủng hộ việc có quy định cho phép CSGT truy đuổi những trường hợp như trên.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải quy định rất cụ thể những trường hợp nào được phép truy đuổi và những trường hợp nào không. Thêm vào đó, chỉ nên truy đuổi những trường hợp vi phạm giao thông mà có dấu hiệu tội phạm như vận chuyển ma túy bỏ chạy, gây tai nạn nghiêm trọng, chết người bỏ chạy...
Còn những trường hợp không nghiêm trọng có thể dùng camera giám sát để thực hiện phạt nguội. Bởi thực tế, không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà đường phố ở các tỉnh, thậm chí huyện, xã hiện nay cũng được trang bị camera giám sát và việc phạt nguội đã tiến hành rất nhiều, hiệu quả", anh Thế đề xuất thêm.
TS KHƯƠNG KIM TẠO (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):
Cần quy định rõ trường hợp được truy đuổi
Thực tế ở nước ta đang có câu chuyện một bộ phận người dân khi tham gia giao thông có hiện tượng nhờn luật, tức là nhiều người vi phạm bỏ chạy khiến CSGT phải rất vất vả dùng nhiều biện pháp để xử lý và cũng gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
Do vậy, việc luật hóa quy định quyền được truy đuổi người vi phạm của lực lượng thi hành công vụ, trong đó có CSGT, là cần thiết. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người thi hành công vụ như CSGT, đồng thời phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, quy định như dự thảo luật vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, cần có các quy định cụ thể về những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ nào có tính chất nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông thì lực lượng thi hành công vụ, CSGT mới thực hiện truy đuổi.
Ví dụ như hành vi chạy ngược chiều với tốc độ cao trên cao tốc, vi phạm tốc độ quá cao. Hay hành vi sử dụng rượu bia quá mức cho phép dẫn đến không kiểm soát được hành vi, điều khiển phương tiện, cố tính chống đối, bỏ chạy, gây nguy hiểm an toàn và tính mạng cho người xung quanh.
Hoặc tài xế sử dụng ma túy, có dấu hiệu buôn bán chất cấm, vi phạm pháp luật... Còn với những hành vi không nghiêm trọng như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm có thể kết hợp các biện pháp công nghệ, sử dụng camera giám sát để thực hiện phạt nguội.
Ngoài ra, cũng có thể phối hợp với các tổ kiểm soát, lực lượng thực thi công vụ ở đoạn đường tiếp theo để dừng xe, xử lý vi phạm.
Cần huấn luyện cảnh sát xử lý theo tình huống đặc thù
Theo thống kê từ Cục CSGT (Bộ Công an), trong quý 1-2024 đã có 51 vụ chống đối lực lượng CSGT, làm 21 CSGT bị thương. Cơ quan này cũng cho hay có 55 trường hợp liên quan đã bị bắt giữ.
Trước thực trạng trên, trao đổi với Tuổi Trẻ, chỉ huy một đội CSGT ở Hà Nội đồng thời từng tham gia nhiều tổ công tác đặc biệt để trấn áp tội phạm cho rằng việc cho phép CSGT truy đuổi các trường hợp vi phạm bỏ chạy là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tạo tính răn đe.
Từ thực tế làm việc, vị này cho hay tổ CSGT thường truy đuổi các trường hợp manh động, nguy hiểm ảnh hưởng tới xã hội. Trong quá trình truy đuổi, cán bộ chiến sĩ được quán triệt phải đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, vị này đề xuất cần có quy định cụ thể biện pháp truy đuổi được áp dụng đối với những đối tượng nào, tránh việc người dân hiểu lầm rằng "bất kỳ vi phạm nào CSGT cũng phải truy đuổi bằng được".
Đồng thời khi đã có quy định, ông cũng đề xuất cần có cơ chế bảo vệ cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ trước những rủi ro có thể xảy đến. Khi đã có quy định, ở những đô thị lớn với lưu lượng người tham gia giao thông cao, cần thiết có những tổ cảnh sát đặc thù, được huấn luyện để thực thi nhiệm vụ trên được an toàn.
Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng với thực trạng hiện nay, tình trạng người vi phạm giao thông có xu hướng bỏ chạy diễn ra phổ biến. Yếu tố này gây mất trật tự an toàn giao thông, cần thiết có sự ngăn chặn.
Tuy nhiên, theo ông Tạo, trường hợp CSGT truy đuổi người vi phạm trên đường có thể gây ra hệ lụy mất an toàn cho cả người tham gia giao thông và chính lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Do vậy, theo ông Tạo, luật hóa việc cho phép CSGT truy đuổi, ngăn chặn người vi phạm bỏ chạy, chống đối là cần thiết để tạo tính thống nhất và hành lang pháp lý. Tuy nhiên, ở các văn bản dưới luật như nghị định hay thông tư, cơ quan chức năng cần quy định rõ các trường hợp cụ thể được áp dụng.
Còn đối với những trường hợp vi phạm khác, TS Khương Kim Tạo cho rằng CSGT có thể thông báo tới các tổ công tác khác đang tuần tra, làm nhiệm vụ trên đường về hướng đi, đặc điểm, biển số xe để phối hợp, ngăn chặn người vi phạm.
Đồng thời, một giải pháp căn cơ hơn được ông nêu ra đó là tăng cường việc xử lý phạt nguội. Để làm được điều này, cần sớm giải quyết vấn đề chính chủ đối với xe máy.
Cảnh sát Chicago không được rượt người vi phạm khi chưa cần thiết
Đài NBC News đưa tin hôm 21-6-2022, chính quyền TP Chicago, thuộc tiểu bang Illinois, miền trung tây nước Mỹ, cấm cảnh sát không được rượt đuổi những người vi phạm lỗi nhỏ có hành vi bỏ chạy sau khi bị cảnh sát ra hiệu yêu cầu kiểm tra.
Chính sách nêu rõ thời điểm mà các sĩ quan cảnh sát có thể hoặc không thể tiến hành
truy đuổi người vi phạm nhằm tránh gây nguy hiểm cho chính các cảnh sát, những người vi phạm mà họ đang truy đuổi hoặc những người ngoài cuộc.
Theo chính sách mới, các cảnh sát có thể tiến hành truy đuổi nếu họ nghi ngờ một người đang hoặc sắp thực hiện hành vi phạm tội với những tội danh xếp loại nặng, tội danh xếp loại nhẹ nhóm A như bạo lực gia đình hoặc vi phạm giao thông nghiêm trọng như lái xe khi say rượu và đua xe trên đường phố gây nguy hiểm đến những người tham gia giao thông khác.
Tuy nhiên, các cảnh sát không được phép truy bắt bằng cách rượt đuổi người bị tình nghi vi phạm các tội danh nhỏ như đỗ xe không đúng quy định, sử dụng bằng lái xe đang bị treo hoặc uống rượu bia nơi công cộng.
Trước TP Chicago, một số khu vực khác tại Mỹ như TP Baltimore (thuộc tiểu bang Maryland), TP Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania), Portland (tiểu bang Oregon) và toàn tiểu bang Oregon cũng đưa ra các quy định tương tự.
Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn chưa có quy định hoặc chính sách chính thức, cụ thể về việc cấm cảnh sát rượt đuổi hoặc nổ súng đối với người vi phạm hoặc người bị tình nghi phạm tội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận