Bị CSGT dừng xe xử lý vi phạm, nhiều tài xế gọi điện, sau đó các sếp ở đội CSGT số 1, số 2 gọi điện đề nghị cho xe vi phạm đi mà không bị xử lý - Ảnh cắt từ clip
Xác nhận với PV Tuổi Trẻ, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho hay đã nhận được đơn tố giác của 2 sĩ quan công an đang công tác ở Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh tố giác cấp lãnh đạo ở đội và phòng "bảo kê", can thiệp, không cho xử lý xe quá tải trên quốc lộ.
"Xe của sếp lớn... cho đi đi"
Theo tìm hiểu, người đứng đơn tố giác đã gửi đơn gần một tháng qua, yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật từ trung ương đến địa phương vào cuộc làm rõ lãnh đạo cấp đội, cấp phòng "đã nhiều lần bảo kê xe quá tải, can thiệp với cấp dưới để thả xe quá tải" trên địa bàn Đồng Nai.
Hình ảnh trong các clip gửi đến Tuổi Trẻ được CSGT đứng đơn khẳng định là sai quy trình và bị can thiệp từ cấp lãnh đạo nên không xử lý được xe vi phạm lỗi quá tải trọng. Cụ thể, một tổ tuần tra đang xử lý chiếc xe 49B-008... trên quốc lộ đã nhận được lệnh của đội trưởng đội tuần tra số 2 là trung tá Phạm Hải Cảng gọi đến. Tổ tuần tra báo xe quá tải nhưng vẫn được đề nghị cho đi vì "gửi đội một tháng mấy triệu đó mà!".
Trong một lần khác, tổ tuần tra đội 2 chặn một đoàn xe 49C... nhưng sau đó cũng nhận được lệnh từ lãnh đạo đội và cho đi, dù tổ công tác xác nhận "chở đất nặng lắm nhen đội trưởng".
Tiếp đó, tổ tuần tra của đội 2 chặn xe 49C-105..., tài xế Nguyễn Thành Long (Lâm Đồng) trình báo: "Dạ, xe gửi người nhà sếp rồi?". "Bằng lái đâu?". "Dạ, bằng lái hết hạn rồi". Và chỉ trong vòng một phút sau, tổ tuần tra nhận được lệnh cho xe đi. Một chiến sĩ trong tổ tuần tra hỏi: "Xe này gửi một tháng bao nhiêu?". Tài xế Long trả lời: "Dạ chủ xe "chung" rồi nên cứ bảo đi. Có gì gọi điện về báo thôi".
Tương tự, hình ảnh, âm thanh qua hàng chục clip tố giác cho thấy có sự can thiệp bằng điện thoại của một số lãnh đạo đội CSGT để các xe vi phạm tiếp tục lưu thông mà không bị xử lý.
Trong một lần tổ công tác tuần tra ban đêm đã chặn xe 49C-145..., tài xế Phạm Quang Nam (Bảo Lộc) bước xuống: "Dạ, xe của sếp T. ở phòng". Nam cũng cho hay "đoàn xe có mười mấy chiếc đi bao nhiêu năm được "gửi" qua một người ở cây xăng T.S". Khi bị tổ công tác gạ hỏi và yêu cầu phải có lãnh đạo gọi mới tin thì chỉ vài phút sau, một đội phó đội 1 của phòng gọi đến can thiệp: "Cho đi đi anh. Nói thiệt anh em không có chiếc xe nào đâu. Em gọi cho anh theo danh sách thôi!"...
Qua hàng chục clip cho thấy có rất nhiều cuộc điện thoại cả ngày lẫn đêm đến tổ tuần tra giao thông trên quốc lộ 20 để yêu cầu thả xe quá tải mà không xử lý. Hầu hết các cuộc điện thoại thường có nội dung can thiệp vào tổ công tác.
Những người liên quan nói gì?
Theo những người tố giác, khi họ có ý kiến về việc "bảo kê" xe quá tải, ảnh hưởng đến việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông với lãnh đạo Phòng CSGT thì một ngày sau đã bị điều chuyển công tác khỏi đội. "Khi thấy việc bảo kê xe xảy ra nhiều lần, cá nhân tôi và một số cán bộ, chiến sĩ lên tiếng thì bị trù dập" - một CSGT đứng ra tố giác (đề nghị chưa nêu tên lúc này) cho biết.
Trả lời về quy trình xử lý xe quá tải ra sao, thượng tá Đặng Thế Trung - trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai - khẳng định: "Khi phát hiện xe vi phạm có dấu hiệu quá tải, CSGT đưa vào cân xe phát hiện quá tải thì phải lập biên bản xử lý và yêu cầu hạ tải mới cho lưu thông".
Tuy nhiên, khi được hỏi về nội dung cán bộ, chiến sĩ tố giác đích danh một số lãnh đạo "bảo kê" xe quá tải, thượng tá Trung cho hay "chưa nghe, chưa nhận thông tin gì".
Trung tá Phạm Hải Cảng - đội trưởng Đội CSGT số 2, người được xác định có gọi điện đến cấp dưới để xin cho xe vi phạm - nói: "Khi tôi gọi điện thoại, tôi nói nếu giải quyết được thì cho đi, còn không xử lý bình thường chứ em không muốn dính đến cái này". Còn có nhiều clip tố giác thể hiện giọng nói của ông? Ông Cảng nói: "Tôi gọi cho anh em nhờ giải quyết nhưng không ngờ ghi âm lại. Tôi nghĩ tôi là nạn nhân và tôi chịu trách nhiệm mọi cái...".
Qua xác minh âm giọng nói can thiệp để thả xe "sếp lớn" trên quốc lộ 20, PV Tuổi Trẻ đã liên lạc với trung tá Phan Cẩm Tú - đội phó Đội CSGT số 1 - để làm rõ thông tin này. Ông Tú nói: "Tôi chẳng có sếp lớn nào cả. Trong cuộc sống, tôi cũng có những mối quan hệ, cũng có điện thoại xin nhưng chẳng nhớ ngày nào, tháng nào, xe nào. Anh em nhờ giúp mình giúp được thì giúp, không được thì thôi. Tôi cũng xin giùm thôi. Không giải quyết được thì thôi chứ...".
Chiều 23-11, đại tá Văn Quyết Thắng - phụ trách Công an tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Báo chí nêu vậy thì đầu tuần chúng tôi cho tiến hành kiểm tra, thanh tra. Nếu có bằng chứng cụ thể về cán bộ, chiến sĩ sai phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của ngành".
"Bị tố giác, họ mời tôi lên để trả tiền"
Ngoài việc tố giác "bảo kê xe quá tải", một thiếu tá thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ các khoản tiền làm ca đêm, tiền ăn, tiền trực lễ tết... mà nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ CSGT chỉ ký khống trên danh sách nhưng không được nhận tiền.
Cụ thể, theo vị thiếu tá này, trước đây mỗi tháng mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT tuần tra được nhận các khoản tiền trên nhưng từ ba năm qua bản thân ông và nhiều người khác chỉ ký khống trên danh sách ở đội mà không được thực nhận.
"Cả phòng có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thì tiền chi trả gần 5 tỉ/năm. Tuy nhiên rất nhiều CSGT tuần tra ở các quốc lộ cho hay chỉ ký khống mà không được nhận tiền. Sau khi tôi tố giác thì họ mời tôi lên đề nghị chi trả tiền" - vị thiếu tá này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận