Giấy chứng nhận đăng ký xe mới của bà N. được PC67 Đắk Lắk cấp đổi, bàn giao từ bộ hồ sơ không hợp lệ - Ảnh: B.D. |
Chiếc xe này đã đăng ký phương tiện rồi cầm cố trót lọt, từ đây xe tiếp tục được bán cho một người mua thứ ba và được CSGT hoàn tất thủ tục đăng ký chứng nhận đăng ký phương tiện, cấp biển số mới.
Theo thông tin ban đầu, ngày 13-4 Phòng CSGT Công an Đắk Lắk tiếp nhận bộ hồ sơ đăng ký sang tên một ôtô loại bốn chỗ ngồi, hiệu KIA. Chiếc xe này được chủ một tiệm cầm đồ tại TP Buôn Ma Thuột bán lại cho bà H.T.N.N. (trú tại TP Buôn Ma Thuột) với giá trên 300 triệu đồng.
Qua đối chiếu, kiểm tra các hồ sơ liên quan Phòng CSGT đã tiến hành làm giấy cấp đổi biển số xe, sang tên và giao giấy tờ chứng nhận đăng ký xe ôtô cho bà H.T.N.N..
Nhận được giấy đăng ký xe và biển số mới từ PC67, bà N. đưa xe đi tân trang để sử dụng thì bất ngờ Phòng CSGT Công an Đắk Lắk thông báo xe của bà N. có dấu hiệu bị cầm cố trái phép.
Chiều 20-4, một số cán bộ công an tới và yêu cầu bà N. giao xe để đưa về trụ sở công an tạm giữ. Chủ xe không đồng ý, đồng thời làm đơn khiếu nại vì cho rằng công an không trưng ra được quyết định thu hồi xe, chỉ viết giấy tay, không đủ cơ sở pháp lý.
Ông Thái Thanh - chủ một tiệm cầm đồ, người đã bán chiếc ôtô cho bà N. - cho biết khi nhận xe của một người đàn ông đem đến cầm cố ông đã xem kỹ hồ sơ kèm theo xe nhưng các giấy tờ đều trùng khớp, không có dấu hiệu nào chứng tỏ hồ sơ giả.
Tới ngày hết thời hạn cầm cố, khi người cầm không lên nhận xe thì ông hoàn tất thủ tục để bán xe cho bà N.. Hồ sơ được đưa lên Phòng CSGT và tại đây cán bộ tiếp nhận đã kiểm tra rồi sau đó ra quyết định cấp đổi, sang tên xe và trao giấy chứng nhận đăng ký xe cho bà N..
“Nếu hồ sơ tôi đưa lên có dấu hiệu giả mạo thì Phòng CSGT phải phát hiện ra và ngăn chặn, nhưng phòng vẫn ra quyết định đồng ý sang tên, ra biển số, đổi chủ cho tôi và bà N.. Như vậy có nghĩa là hồ sơ hợp lệ.
Hồ sơ xe bà N. được nhận là hồ sơ thật của công an phát hành, bây giờ phía công an thông báo xe bị làm giả hồ sơ rồi thu hồi lại giấy chứng nhận đăng ký, thiệt hại này ai chịu trách nhiệm? Đến công an có nghiệp vụ, máy móc mà không phát hiện ra hồ sơ giả thì một người dân bình thường như tôi làm sao phát hiện được?” - ông Thanh nói.
Ông Thanh cho hay tới chiều 21-4 Công an TP Buôn Ma Thuột đã đến và đưa chiếc xe mà ông bán cho bà N. về tạm giữ để điều tra.
Trung tá Thái Văn Thìn - đội trưởng đội đăng ký, Phòng CSGT Công an Đắk Lắk - cho hay ôtô nói trên trước đây thuộc sở hữu của một người đàn ông tên Q.. Người này sau đó đem xe đi bán cho một chủ khác. Trước khi bán xe, ông Q. đã scan giấy đăng ký, con dấu, chữ ký có trong hồ sơ xe. Khi việc bán xe thành công, ông Q. đã đến “mượn” lại chiếc xe này rồi tạo giấy chứng nhận đăng ký giả, hồ sơ giả rồi tiếp tục đi cầm cố với giá 330 triệu đồng. Chủ tiệm cầm đồ đã cho cầm cố, tới lúc hết hạn thì đưa hồ sơ giả này lên Phòng CSGT để làm thủ tục sang đổi cho bà N.. Về lý do tại sao hồ sơ thủ tục giả nhưng Phòng CSGT không phát hiện và thông báo kịp thời cho người dân, ông Thìn cho biết đây là lỗi của bộ phận chuyên môn, hiện Phòng CSGT Đắk Lắk đã yêu cầu giải trình, làm rõ trách nhiệm. Về hướng xử lý chiếc xe “gian” nói trên, ông Thìn cho biết sẽ được cơ quan điều tra thụ lý, làm rõ. “Người dân khi đưa phương tiện lên đăng ký, cấp đổi thì phải chịu trách nhiệm trước tiên về tính pháp lý của chiếc xe này” - ông Thìn nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận