Chiều 11-7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội CropLife châu Á ký kết bản ghi nhớ hợp tác triển khai chương trình khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững giai đoạn 2023 - 2028 (SPMF).
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, việc tăng cường hợp tác, chia sẻ tới những người dân Việt Nam việc sử dụng hiệu quả các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng của Hiệp hội CropLife phù hợp với các mục tiêu, định hướng của bộ nhằm hướng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý vì một hệ thống thực phẩm an toàn, minh bạch và bền vững ở Việt Nam.
Về phía CropLife châu Á, Giám đốc điều hành Tan Siang Hee cam kết tiếp tục giúp nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường toàn cầu, đảm bảo sản xuất bền vững theo chuẩn quốc tế.
"Hợp tác công tư đã giúp cả hai bên trưởng thành hơn rất nhiều. Chúng ta cần tiếp tục cộng tác để giúp người nông dân cạnh tranh với thế giới, không chỉ phát triển kinh tế mà còn củng cố niềm tin từ cộng đồng trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững" - ông Tan Siang Hee chia sẻ.
Ông Alexander Berkovskiy, chủ tịch Hiệp hội CropLife châu Á, nhấn mạnh hiệp hội luôn chú trọng đến vai trò của người nông dân - những "anh hùng nông nghiệp", là động lực chính giúp các mục tiêu về đảm bảo an ninh lương thực và bền vững trở thành hiện thực.
"Trách nhiệm của chúng ta là trang bị cho nông dân đủ công cụ cần thiết với những giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến nhất để họ thực hiện vai trò của mình" - ông Alexander Berkovskiy nói.
Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 10-7, bà Delisa Jiang, giám đốc Chương trình SPMF, cho biết chương trình sẽ triển khai trong nhiều năm nhằm giảm thiểu rủi ro của thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, mục tiêu của SPMF là bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa các giải pháp bảo vệ thực vật. Khung chương trình dựa trên ba trụ cột cơ bản.
Một là giảm phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao theo Bộ quy tắc ứng xử của FAO (HHP) và chuyển đổi bền vững.
Hai là tăng cường đổi mới xây dựng môi trường pháp lý phù hợp để tăng khả năng tiếp cận của nông dân với các công cụ, phương pháp và công nghệ hiện đại trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chẳng hạn như máy bay không người lái.
Thứ ba là sử dụng có trách nhiệm với mục tiêu tăng cường tập huấn, cập nhật phương pháp thực hành tốt nhất trong quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân, khuyến khích chuỗi cung ứng sử dụng và quản lý thuốc bảo vệ thực vật theo vòng đời một cách có trách nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận