15/07/2018 09:22 GMT+7

Croatia: Nơi bóng đá là định chế thiêng liêng nhất

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Đội đã đánh bại Anh ở bán kết World Cup 2018 đại diện cho một Croatia rất khác với khi họ vào bán kết giải này 20 năm về trước, nhưng có những điều không thay đổi ở Croatia: bóng đá là cả một lẽ sống!

Croatia: Nơi bóng đá là định chế thiêng liêng nhất - Ảnh 1.

Các cổ động viên Croatia - Ảnh: DAILY NEWS

Ở Pháp - cũng chính là đối thủ của họ ở trận chung kết lần này - hai thập kỷ trước, Croatia vẫn còn là một quốc gia với những ký ức hằn sâu của chiến tranh và một giấc mơ chung trở thành một phần của Liên minh châu Âu EU, với những hứa hẹn phồn vinh và ổn định. 

Đó là thời kỳ xây dựng đất nước, một đất nước mới tuyên bố độc lập chính thức được 7 năm. Vài năm sau đó, hai cái tên Croatia nổi tiếng nhất ở bên ngoài đất nước đó là Tito - cha người Croatia, mẹ người Sloveina - cựu lãnh đạo Liên bang Nam Tư gần nửa thế kỷ, và Davor Suker, Vua phá lưới của World Cup 1998.

Bản sắc dân tộc

20 năm sau, Croatia giờ nổi tiếng với Dubrovnik, thị trấn đẹp như tranh vẽ bên bờ Adriatic, một trong những nơi được chọn để quay loạt phim đình đám Game of Thrones; Vis, bối cảnh của hòn đảo Hy Lạp hư cấu trong cuốn phim điện ảnh - ca nhạc Mamma Mia 2; và Luka Modric, tượng đài mới của bóng đá Croatia. 

Điều đó tổng kết hoàn hảo hướng đi của đất nước này qua lịch sử: Một thời Croatia là một phần của Nam Tư Xã hội chủ nghĩa, của phong trào Không liên kết, giờ thì họ nổi tiếng vì du lịch và bóng đá.

Những người đã lấy làm thất vọng vì kỳ vọng Croatia phải chơi hoa mỹ hơn, đậm chất nghệ sĩ hơn có lẽ đã quá khắt khe. 

Họ vẫn là một trong những đội đáng xem nhất ở World Cup lần này, nếu nói về bóng đá đẹp, và trong những đội đáng xem nhất, thì họ cũng là một trong những đội hiệu quả nhất nữa. 

Bằng chứng rõ ràng là tấm vé vào chung kết, bằng chứng còn rõ ràng hơn là trong cả 3 trận loại trực tiếp, Croatia đều đã lội ngược dòng và đứng vững qua 2 hiệp phụ. Tinh thần và ý chí đó xuất phát từ một thực tế giản dị: Bóng đá chưa bao giờ chỉ là bóng đá ở Croatia.

Thể thao thực ra đã được chính trị hóa cao độ, như một hình thức bộc lộ dân tộc tính ở Croatia hiện đại, với các cầu thủ bóng đá thường xuyên được mô tả là những "người anh hùng" hay "chiến binh". 

Tổng thống Croatia đầu tiên, Franjo Tudjman, thậm chí tuyên bố: "Chiến thắng bóng đá định hình bản sắc dân tộc ngang với các cuộc chiến tranh", nhắc lại những lời của văn hào George Orwell, rằng bóng đá không là gì khác ngoài "chiến tranh không tiếng súng".

Điều đó chưa bao giờ cũ. Tổng thống đương nhiệm, Kolinda Grabar-Kitarovic, đã gây sốt trên mạng khi xuất hiện trong nhiều đoạn video cho thấy bà nhẩy cẫng lên ăn mừng mỗi khi đội nhà chiến thắng. 

Grabar-Kitarovic, khi nhún nhẩy liên tục, là một cảnh tượng ngoạn mục không kém những màn trình diễn của các cầu thủ áo sọc ca-rô trên sân. 

Năm tới là năm sẽ diễn ra bầu cử tổng thống ở Croatia, và cuộc vận động của bà Grabar-Kitarovic đặt cược rất lớn vào mỗi trận đấu của đội nhà ở Nga, trong bối cảnh nền kinh tế Croatia đang rất chật vật và tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ là 43%.

Lần gần nhất mà tuyển Anh, bại tướng của Croatia vừa rồi, vào bán kết một kỳ World Cup, năm 1990, Croatia còn chưa là một quốc gia. Họ mới chỉ gia nhập EU vào năm 2013 và với dân số chỉ hơn 4 triệu người, họ cũng đã cho thấy người ta có thể làm được gì qua bóng đá. 

Nhưng quá khứ bóng đá ở đất nước này lâu đời hơn ngày lập quốc của họ nhiều. Ngay cả hiện giờ, nhiều người vẫn kể lại ở các nước Nam Tư cũ rằng một trận bóng đá là khởi đầu cho sự chia tách đẫm máu liên bang này. 

Ngày cuộc chiến bắt đầu được cho là vào đầu mùa hè 1990, trong một thời kỳ hỗn loạn về chính trị và an ninh, bạo lực trong bóng đá tràn lan, lên đến đỉnh điểm vào ngày 13-5 trong trận đấu giữa những kẻ thù không đội trời chung ở giải vô địch quốc gia Nam Tư: Dinamo Zagreb và Sao Đỏ Belgrade, trên sân Maksimir ở Zagreb, nay là thủ đô Croatia.

Trận đấu đó, được CNN gọi là một trong 5 trận bóng đá "đã thay đổi thế giới", bị hủy bỏ vì những đụng độ dữ dội giữa hai phe cổ động viên, ngày nay vẫn được sách giáo khoa lịch sử gọi là "cuộc bạo động Maksimir". 

Hai tuần trước đó, Tudjman đắc cử tổng thống Croatia. Giống như mọi nhà nước - dân tộc mới hình thành, Croatia cần những biểu tượng bản sắc. Bóng đá trở thành lựa chọn đương nhiên khi chính Tudjman từng là một quan chức cấp cao trong ngành thể thao thời Nam Tư cũ.

Những vận động viên Croatia, theo lời ông, "là đại sứ tốt nhất của chúng ta với thế giới". Họ sẽ là những người tạo ra cảm nhận toàn cầu về hình ảnh quốc gia, để Croatia thoát hẳn khỏi những định kiến quá khứ. 

Với Suker, Zvonimir Boban, Robert Jarni… Croatia 1998 đã được thế giới biết đến bởi sự trẻ trung, tinh thần nghệ sĩ và sự tinh quái. 20 năm sau, đó là ý chí, khả năng quật ngã những ông lớn, và tuyên ngôn vững chắc rằng Croatia thực sự là một thế lực lớn của bóng đá thế giới. Tầm nhìn của Tudjman, như thế, đã trở thành sự thật.

Nhà xã hội học người Croatia, Srdjan Vrcan, ghi nhận rằng tuyển quốc gia đã trở thành hiện thân của gần như mọi đặc điểm tích cực và đáng ham muốn để thể hiện "chất Croatia nguyên bản và đích thực". 

Những Suker và Modric đã trở thành "một phần của chuyện kể dân gian" và màu áo ca-rô đỏ-trắng trở thành "vật thiêng liêng nhất". 

Những đại sứ quốc gia

Đội hình của Dalic hiện giờ là các hảo thủ chơi ở những đội bóng lớn nhất của châu Âu: Barcelona, Real Madrid, Atletico Madrid, Liverpool, Inter, Juventus, AC Milan…, họ đã thực sự là những đại sứ xứng đáng cho đất nước khiêm nhường nằm ven bờ biển Adriatic này. Họ càng đáng khen ngợi bởi những hành trình gian khổ đã đi qua, không ai giống ai.

Dọc theo khúc quanh của một con đường hẹp đầy gió ngoằn ngoèo trên rặng núi Velebit, một trong hai con đường mòn nối miền bắc và nam Croatia trước khi có một đường cao tốc được làm mấy năm trước, có một căn nhà đơn độc mà Modric đã sống tới năm anh 6 tuổi. 

Một ngày năm 1991, khi ông nội anh, cũng tên là Luka, đưa bầy gia súc của ông lên đồi, những phiến quân Serbia trong vùng đã bắn chết ông. Cuộc nội chiến Nam Tư bùng nổ, gia đình Modric chuyển tới một trại tị nạn nơi Luka lần đầu chơi bóng cùng một trái banh giấy. 

Cũng khoảng thời gian đó, gia đình Ivan Rakitic sang Thụy Sĩ tị nạn. 

Đó là những thân phận điển hình của tuyển Croatia hiện giờ, với những cầu thủ lớn lên trong cái bóng của cuộc xung đột dai dẳng đã chia cắt Liên bang Nam Tư thành 7 quốc gia độc lập những năm 1990: Serbia, Croatia, Macedonia, Montenegro, Slovenia, Bosnia & Herzegovina, và Kosovo.

Modric đầu tiên tới chơi ở Dinamo Zagreb, rồi được cho mượn ở Inter Zapresic, một đội bóng Bosnia, nơi sự nghiệp của anh cất cánh. Rakitic, dù sinh ra và sống ở Thụy Sĩ phần lớn cuộc đời mình, đã lựa chọn khoác áo Croatia. Đó là một quyết định gây ra nhiều phẫn nộ ở Thụy Sĩ, nhưng với Rakitic, là điều thật tự nhiên. 

Tinh thần đó giải thích cho những khoảnh khắc như vào năm 2013, khi tuyển thủ quốc gia Josip Šimunic chụp lấy micro trước 25.000 CĐV ở SVĐ Maksimir lịch sử và hét vang: "Za dom" - Vì quê hương. Các khán đài lập tức vang dội: "Spremni" - Sẵn sàng. Đó là một màn gây nhiều tranh cãi, bởi "Spremni" được cho là một lời chào phát-xít gợi lại thời Thế chiến II đầy phức tạp.

Dario Brentin, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Âu ở Đại học Graz, Áo, giải thích về hành động đó: "Chủ nghĩa dân tộc Croatia có tính tự ý thức cao độ. Suốt những năm 2000, việc hô to "Za dom, Spremni" sau mỗi trận đấu của đội tuyển quốc gia đã là một nghi thức. 

Về phần Josip, anh ấy thuộc cộng đồng sống ở Úc - Simunic sinh ở Úc, cũng là thế hệ thứ hai người Croatia tị nạn chiến tranh - và cộng đồng Croatia ở nước ngoài khá bảo thủ'.

Cuộc nội chiến đã khiến 20.000 người Croatia thiệt mạng, và khi nó kết thúc, những người như Simunic góp sức vào quá trình định hình bản sắc. 

"Không có nhiều thứ chúng tôi sánh được với các quốc gia khác vốn giàu có và hùng mạnh hơn - Miroslav Ciro Blazevic, cựu HLV tuyển quốc gia và là một người từng thân cận với Tudjman, nói - Vì vậy chúng tôi tìm thấy chính mình trong bóng đá". 

Điều đó càng quan trọng khi bóng đá mang tới những giải tỏa khỏi đời sống khó khăn thường nhật. 

Robert Prosinecki, một ngôi sao của đội bóng vào bán kết năm 1998, nói người Croatia cần "thấy hạnh phúc để lại đoàn kết với nhau, để ăn mừng, để được cảm nhận vinh quang và tinh thần tập thể… Bóng đá tạo điều kiện cho điều này". 

Croatia là một quốc gia non trẻ, với một quá khứ đầy bạo lực, bóng đá đang giúp họ thoát ra khỏi nỗi ám ảnh cuộc chiến, bằng cách đối mặt với nó, để chấp nhận những nguyên lý của EU về hòa bình và hòa nhập. Nếu có ai đó cần một dấu hiệu về việc Croatia có nghĩa là gì, thì hãy nhìn vào đội bóng và các cổ động viên của họ. 

Đơn giản là như thế!

Lịch sử kinh ngạc hay món nợ châu Phi của người Pháp?

TTO - 'Pháp nợ châu Phi chính linh hồn của nó', tác giả Gregory Pierrot đã viết trên trang Africa Is A Country, với hình ảnh Kylian Mbappe rạng rỡ trong sắc áo xanh.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên