TTCT - Tuần qua, dù muốn hay không, chuyện nước Nga đã là đề tài bàn tán trên các diễn đàn quốc tế. Việc tổng thống Nga “biến mất” suốt tuần gây nhiều đồn đoán. Trong thời gian đó, kỷ niệm một năm Crimea trở lại Nga, kênh 1 truyền hình Nga đã công chiếu bộ phim tài liệu Crimea. Đường về Tổ quốc (Крым. Путь на Родину), kể về các diễn biến dẫn tới sự sáp nhập trở lại Nga của Crimea hôm 16-3-2014. Một cửa hàng thực phẩm ở Crimea. Trên biển báo: Từ 1-6-2014, nhận thanh toán bằng tiền rúp Nga - Ảnh: UNIANSự trở lại sau hơn một tuần vắng mặt của tổng thống Nga đã được giới thiệu bằng việc ông V. Putin tiếp công khai Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev ở St. Petersburg. Theo biên bản cuộc họp từ trang web chính phủ Kremlin.ru, ông Atambayev đã chủ động khơi mào chuyện dư luận quanh sự vắng mặt của tổng thống Nga suốt tuần bằng xác nhận ông V. Putin vẫn khỏe mạnh, bằng chứng là “ông ấy còn cầm vôlăng chở tôi đi tham quan vòng quanh điện Konstantinov”. Tổng thống Kyrgyzstan còn đùa: “Nên như ngạn ngữ Nga hay nói, mọi người “đừng có mà mong”. Ông Putin góp chuyện bằng câu: “Không có chuyện đơm đặt, cuộc sống sẽ buồn mà!” (1).Trên diễn đàn mạng của RIA Novosti, dưới tin ông Putin xuất hiện trở lại và tiếp tổng thống Kyrgyzstan, có thể đọc thấy khá nhiều bàn tán của cư dân mạng, đa số trêu chọc dư luận về những đồn đoán ông Putin vắng mặt là do “cúm, do đau lưng, do đi thăm người yêu sinh con, do đảo chính...”. Nhiều người đã chúc mừng ông Putin trở lại mạnh khỏe, trong đó có một ý kiến đáng lưu ý: “Tất cả đang bàn tán về (cái chết của) Nemtsov. Nhưng chỉ cần Putin vắng mặt năm ngày thì mọi người quên hết (về Nemtsov) để chỉ bàn về Putin”!Nhưng hấp dẫn hơn vẫn là câu chuyện bán đảo Crimea được đưa trở lại Nga ra sao, qua bộ phim Crimea. Đường về Tổ quốc.Trên nền cuộc phỏng vấn Tổng thống V. Putin và qua hơn 100 nhân chứng, bộ phim kể lại những ngày tháng 2 nóng bỏng ở Ukraine, khi cuộc tấn công của những người theo chủ trương dân tộc từ Maidan lan rộng tới Simferopol (Crimea); nơi những người nói tiếng Nga bị tấn công, truy đuổi, bắn giết.Trong khi những người Nga ở Crimea hiểu họ “không thể tiếp tục ở lại với Ukraine” thì ông V. Putin cũng nhận thấy không thể “bỏ mặc Crimea cho số phận” .Cùng với phim tài liệu, nhiều hãng tin và truyền thông Nga cũng góp phần “giải mật” sự kiện mà người Nga gọi là “mùa xuân Crimea”.TRUYỀN THÔNG NGA "GIẢI MẬT"RT tường thuật: “Sau cuộc đảo chính tháng 2-2014 ở Kiev, người Crimea không muốn công nhận chính phủ mới. Tại cuộc trưng cầu ngày 16-3, người Crimea được đặt khả năng lựa chọn: 1/ vẫn ở lại trong thành phần Ukraine nhưng được quyền tự trị rộng rãi, 2/ sáp nhập vào Nga.Và 96% người Crimea đã chọn phương án 2. Tại sao?Thứ nhất, việc Kiev hủy bỏ quy chế các ngôn ngữ dân tộc ít người và lời kêu gọi của lãnh đạo các đảng có đường lối dân tộc cấm sử dụng tiếng Nga trên lãnh thổ Ukraine đã gây nên làn sóng phản kháng ở Crimea, nơi có đa số dân nói tiếng Nga.Thứ hai, người Crimea lo sợ trên đất Ukraine, ảnh hưởng của các phong trào mà thành viên của chúng tôn sùng là anh hùng, những thủ lĩnh dân tộc Ukraine, những đồng lõa của chủ nghĩa phát xít như Stepan Bandera hay Roma Shukhevic sẽ ngày càng lớn.Ngoài ra, việc sáp nhập vào Nga sẽ giúp tăng lương, tiền hưu trí và các trợ cấp xã hội, cũng như được nhận các khoản trợ cấp khác bổ sung vào việc thiếu hụt ngân sách của Crimea và để phát triển hạ tầng bán đảo.Tổng thống Nga V. Putin trong bộ phim tài liệu cho biết: “Nga đã hành động khá cứng rắn ở Crimea một năm trước, xuất phát từ khả năng phát triển tình hình ở đó giống như ở Donbass (hiện nay) để giành thế chủ động”.Theo ông, mục tiêu của Matxcơva không phải là thôn tính bán đảo, mà để tạo cho người dân ở đây cơ hội “bày tỏ ý kiến” về tương lai số phận của mình trong cuộc trưng cầu ý dân.Theo bộ phim, việc đưa Crimea trở lại Nga đã được quyết định từ tháng 2-2014. Còn trang web stockinfocus.ru thì dẫn lời cựu chỉ huy hạm đội Biển Đen Nga, đô đốc Igor Kasatonov cho biết một trong những thành công của chiến dịch là quyết định vô hiệu các hoạt động tình báo của NATO, khiến họ bỏ lỡ tất cả những gì “có thể và không thể”.“Hoạt động vô tuyến trong giai đoạn tập kết và chuyển quân đã bị phong tỏa, đồng thời việc sử dụng khéo léo các cơ sở quân sự ở Sevastopol, các phương tiện vận tải quân sự giúp đưa quân đội Nga vào Crimea đã được tận dụng”, ông nhận định.Chuyên gia phân tích quân sự Viktor Baranets cho rằng chiến dịch tiến hành thành công do ông Putin đã nắm bắt đúng thời điểm, mà như đã nói, khi người Crimea cảm nhận mối đe dọa cuộc sống tương lai của họ. Khi đó, tức tháng 3-2014, ông Baranets nhắc lại: “Quân đội Nga đang có cuộc tập trận lớn ở Bắc Cực. Thậm chí có tin một đơn vị không quân sẽ được đưa tới Bắc Cực. Song song đó, ở Ural, có tin một cơ số lớn các đơn vị binh sĩ sẽ được gửi tới tham gia tập trận. Chỉ khi các phương tiện này đến nơi, (tình báo) nước ngoài mới phát hiện chúng trống không. Hai hoạt động này nhằm che giấu mục tiêu chiến lược về các điểm chuyển quân và tập kết thật sự của quân đội Nga” (2).Trong khi đó, hãng tin độc lập Meduza đã tổ chức phỏng vấn những binh sĩ tham gia chiến dịch lấy lại Crimea, được gọi là “những người lịch sự”. Trung sĩ biệt đội tấn công 31 ở Ulianovsk Oleg Teryushin kể: “Chúng tôi nằm trong nhóm những binh sĩ đầu tiên tới Crimea, ngày 21-2-2014. Trước đó hai ngày đã có báo động trong doanh trại, những nhóm chiến thuật được thành lập và đưa đến Anapa (một thị trấn ở miền nam nước Nga, cạnh biển Đen) bằng máy bay. Từ Anapa, chúng tôi được chuyển đến Novorosiysk (một thành phố cảng của Nga bên bờ biển Đen) bằng xe Kamaz, rồi từ đó được đưa đến Sevastopol (thủ phủ Crimea) bằng tàu. Không ai trong tất cả chúng tôi, ngoại trừ ban chỉ huy, biết về chiến dịch lấy lại Crimea cả. Chúng tôi được bố trí trong các khoang hầm tàu. Chỉ đến sáng, khi lên được boong chúng tôi mới biết đang ở đâu đó trong Sevastopol.Ngay khi rời tàu lên mặt đất, chúng tôi được lệnh tháo cất tất cả biểu tượng, phiên hiệu quân đội Nga. Vào ngày trưng cầu 16-3, chúng tôi được lệnh tăng cường trực. Từ sáng sớm, chúng tôi được tung ra các trạm kiểm soát, trên tay áo chúng tôi gắn ruy băng trắng hàm nghĩa chúng tôi chỉ là lực lượng gìn giữ hòa bình và ở đây không nhằm mục đích tấn công quân sự”. “Thống kê cho thấy một năm sau, các mặt hàng thực phẩm ở Crimea đều tăng, từ hơn 50% đến 130%”. (Unian) Meduza đã gặp sĩ quan liên lạc của Bộ chỉ huy hải quân Ukraine ở Sevastopol Sergei Pidkopailo, hiện là chỉ huy liên lạc hải quân Ukraine ở một đơn vị khác trên đất liền Ukraine, và hỏi ông: “Những người lịch sự ấy lịch sự đến mức nào?”. Viên sĩ quan này cho biết: “Khoảng đầu tháng 3, một số “người nhỏ xanh” mang mặt nạ đến đơn vị chúng tôi trình giấy tờ chứng minh họ thuộc quân đội Nga và đàm phán với các chỉ huy chúng tôi về việc giao nộp vũ khí và chuyển giao một phần sang sự bảo vệ của họ. Có lần tôi cố tiếp cận những con tàu (Ukraine) bị nhốt trong vịnh thì xuất hiện những người mặc thường phục với giọng nói không phải dân Ukraine. Họ giải thích là trong vịnh đang có diễn tập. Nhưng chúng tôi biết có chuyện bất thường: họ đặt các súng tấn công để không ai dám tới gần các tàu và bố trí các sà lan gần đó để không ai có thể làm gì. Thậm chí có ai đó còn ném lựu đạn xuống nước để dọa các thủy thủ trên tàu (Ukraine). Nói chung họ chỉ lịch sự với những câu “làm ơn” và “xin lỗi”, chứ khi chúng tôi hỏi họ vì sao họ thâm nhập đơn vị hoặc tàu của chúng tôi thì họ bắt đầu dọa sử dụng vũ khí” (3). Viktor Baranets nhắc rằng không phải quân đổ bộ Nga “lấy thành phố”, mà là dân quân, những người địa phương và người Cô-dăc. Những dân quân này lên tới 5.000 người, tuổi đời “từ 16 đến 55”. Họ xây hàng rào đối mặt trực tiếp với quân Ukraine quanh các doanh trại quân đội Ukraine, trong khi lính dù và đặc nhiệm Nga nằm ở vòng hai, “mang đến cho dân quân sự tự tin”, theo Baranets. Hoạt động tình báo cũng góp phần không nhỏ.Theo Baranets, khi từ Kiev có lệnh cho phép nổ súng để giải vây tình hình thì tình báo Nga đã được cài vào Bộ Quốc phòng Ukraine. Những đặc tình này đã chuẩn bị sẵn các mệnh lệnh trái ngược nhau, tấn công và không tấn công, cùng lúc chuyển đến các đơn vị Ukraine ở Crimea. Trong khi các chỉ huy Ukraine phải hỏi lại “đánh hay không đánh” thì vấn đề vô hiệu hóa các đơn vị Ukraine đã được quân Nga giải quyết xong.HỌ ĐANG SỐNG RA SAO?Trong lúc này, báo chí Ukraine phản ánh về những mặt khó khăn của cuộc sống dân Crimea. Theo cổng thông tin điện tử Ukraine kianews.com.ua, hàng nghìn người từ Ukraine quyết định trở về Crimea đã gặp rắc rối trong việc đăng ký nhân thân, và hiện chỉ có 1,3 triệu người Crimea (trên tổng số 2,4 triệu) có hộ chiếu Nga. Những ai không được nhận hộ chiếu Nga vì chưa có đăng ký hộ khẩu tại Crimea phải nhờ tòa án giải quyết, một quá trình khá nhiêu khê, mất nhiều tháng. Và vì không có hộ chiếu Nga, họ khó làm ăn, đi bệnh viện hoặc học hành, khó trở về Ukraine thăm người thân...Theo Hãng tin Ukraine Unian.net, một trong những vấn đề người Crimea quan tâm lớn nhất là giá cả. Thống kê cho thấy một năm sau, các mặt hàng thực phẩm ở Crimea đều tăng, từ hơn 50% đến 130%. Từ 1-6-2014, ở Crimea đã lưu hành đồng rúp và tình hình kinh tế Nga khó khăn cũng ảnh hưởng không ít tới vật giá Crimea.Một trang tin khác của Ukraine (elise.com.ua) cho biết ở Crimea không khan hiếm hàng hóa, mặc dù chủng loại hàng hóa bị thu hẹp. Hàng thực phẩm Ukraine đắt hơn trước 20-30%, còn hàng hóa từ Nga thì đắt hơn hàng Ukraine cùng loại 2-3 lần. Vì vậy đa số dân Crimea cũng chỉ ăn thực phẩm Ukraine.Trong khi giá xăng rẻ hơn (từ 0,6 USD/lít xuống còn 0,5 USD, một phần do giá dầu thấp trên toàn thế giới) thì ở Sevastopol, giá nhà tăng cao ngang giá nhà ở Kiev.Nếu trước khi trở về Nga, giá thuê căn hộ ở trung tâm khoảng 1.500 grivna (gần 70 USD) thì nay lên tới 3.500 grivna (khoảng 160 USD)/tháng. Nhu cầu nhà ở tăng vọt do những người đến công tác, người ở các vùng Donetsk và Lugansk kéo về, kể cả người Nga muốn đến Crimea tìm cuộc sống mới.Về tiền lương và tiền hưu, 1/3 dân Crimea là người về hưu. Sau khi tăng lương hưu hai lần năm ngoái, từ tháng 1-2015 Nga hứa sẽ trả tiền hưu cho người Crimea giống như cho người về hưu Nga. Năm ngoái, người về hưu Crimea nhận lương hưu thấp nhất là 2.260 grivna. Tương tự là tình hình bác sĩ, giáo viên, viên chức nhà nước, trong khi những người làm thuê khu vực tư thì lương không tăng!Về khí đốt, người Crimea có khí đốt của mình, nhưng nước thì chỉ đủ uống chứ không đủ tưới tiêu. Về điện, người Crimea đã hai lần bị cúp điện toàn diện trong cuộc tranh cãi giữa Ukraine và Nga về cung cấp điện. Sau khi Nga đồng ý trả cho Ukraine tiền “quá cảnh” điện tới Crimea, điện mới được phục hồi. Bây giờ Crimea không bị cắt điện nhiều hơn bất cứ vùng nào ở Ukraine (trừ Kiev, nơi cắt điện là chuyện hiếm) (4). Nguồn:(1): www.kremlin.ru/news/47861(2): stockinfocus.ru(3): meduza.io/special/polite/politeornot(4): elise.com.ua/?p=72176 Tags: NgaCrimeaGiải mậtĐường về tổ quốcMùa xuân Crimea
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chính thức: Trả gộp lương hưu 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết HÀ QUÂN 23/12/2024 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết Nguyên đán.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện tỉ phú Gerard Williams vì sợ công khai hồ sơ thuế? HOÀI PHƯƠNG 23/12/2024 Trong đơn kiện ngược, luật sư của ông Gerard Williams đưa ra bằng chứng Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhảy múa vui vẻ sau tai nạn, chứ "không tàn phế".