Phóng to |
Bà Trần Thị Hằng - Ảnh: C.V.K. |
Bà cho biết:
- Hiện nay, việc thu thập số liệu CPI được tổ chức theo một mạng lưới điều tra giá tại 63 tỉnh thành trực thuộc trung ương. Hằng tháng các địa phương thu thập giá và tính CPI của cấp tỉnh, TP. TCTK căn cứ vào số liệu CPI của các tỉnh để tính ra CPI của các vùng kinh tế và chung cho cả nước. Phương pháp TCTK tính CPI là theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Hầu hết các nước trên thế giới đang áp dụng phương pháp này.
* CPI mấy tháng gần đây tăng rất thấp, trong khi nhiều mặt hàng tăng giá khiến nhiều người nghi ngờ. Người dân cũng nói giá rau từ tết đến giờ tăng gấp đôi, trong khi theo TCTK tính thì chỉ tăng 10-20%?
- Để tính CPI, có hai thành phần quan trọng, đó là: mức giá tiêu dùng và quyền số. Quyền số tính chỉ số giá tiêu dùng là tỉ trọng chi tiêu các nhóm hàng hóa và dịch vụ trong tổng chi tiêu của dân cư. Mà trong chi tiêu hộ gia đình, nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỉ trọng khá lớn. CPI tháng 3 và tháng 4 tăng thấp là do hiện nay giá lương thực, thực phẩm giảm khá mạnh.
Chẳng hạn, thịt heo, gạo... giảm giá mạnh sẽ ảnh hưởng đến chỉ số chung. Giá xăng dầu tăng và tháng 4 được ghi nhận tăng đến 2,7%. Tỉ trọng xăng dầu trong tiêu dùng dân cư (quyền số tính CPI của nhóm xăng dầu) cũng ở mức độ nhất định nên có tác động đến CPI nhưng cũng chỉ vừa phải. Người dân có thể cảm nhận và cho rằng giá một số mặt hàng đơn lẻ tăng gấp đôi, nhưng khi tính CPI chúng tôi phải tính sự biến động giá của cả “rổ hàng” gồm 572 mặt hàng và dịch vụ trên phạm vi cả nước. Vì vậy, một số mặt hàng đơn lẻ có thể tăng cao nhưng mức biến động của CPI chung như TCTK vừa công bố là phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.
* TCTK hằng tháng thống kê giá bao nhiêu mặt hàng và tổ chức hệ thống lấy mẫu giá thế nào?
- Hiện nay, mỗi tháng TCTK thu thập giá của 572 mặt hàng để tính toán CPI. Cả nước hiện có 1.794 điều tra viên. Để đảm bảo chất lượng, TCTK đã quy định cụ thể cho từng tỉnh thành về số lượng điều tra viên, số điểm điều tra giá. Ví dụ Hà Nội và TP.HCM hiện có 8 khu vực điều tra với 64 điều tra viên, mỗi quận 8 người. Hải Phòng có 6 khu vực điều tra với 42 điều tra viên... Các khu vực điều tra được chọn với khoảng cách nhất định và mang tính đại diện cao. Mỗi khu vực điều tra lại có nhiều điểm điều tra. Mỗi tháng riêng ở Hà Nội và TP.HCM, các điều tra viên phải đi đến cả ngàn điểm điều tra để thu thập giá.
* Các điều tra viên hiện được thuê thế nào? Làm sao để đảm bảo giá họ thu được là chính xác?
- Hiện nay đội ngũ điều tra viên được các cục thống kê địa phương thuê ngoài, có thể là những người làm ở ban quản lý chợ, cán bộ về hưu. Các cục thống kê thường chọn những người đang sinh sống, hoạt động ngay tại địa bàn điều tra để việc thu thập giá sẽ thuận lợi hơn. Các điều tra viên điều tra giá vào các ngày 5, 15 và 25 hằng tháng.
Hằng năm, cục thống kê tỉnh thành thường tập huấn, kiểm tra, rà soát lại hệ thống điều tra viên. Cục thống kê tỉnh thành hay TCTK sau khi nhận được số liệu vẫn thường xuyên phải kiểm tra lại. Thậm chí trong một số trường hợp nghi ngờ, phải gọi điện trực tiếp đến các cửa hàng mà điều tra viên lấy giá để khảo sát lại. Ví dụ một số cửa hàng gas khi giá gas tăng nhưng điều tra viên lại đưa con số về nói chưa tăng, chúng tôi kiểm tra thì cửa hàng đó có hàng tồn, vẫn bán với giá cũ... Nói chung, quy trình là rất chặt chẽ để đảm bảo số liệu CPI công bố sát nhất với mức tăng giảm giá tiêu dùng của thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận