Mặc dù theo thống kê nhóm hàng lương thực thực phẩm đều giảm nhưng nhiều người tiêu dùng cho rằng giá tại các chợ lẻ vẫn như thời điểm tết. Còn theo các chuyên gia, CPI giảm tạo điều kiện giảm lãi suất nhưng cũng phát đi tín hiệu không vui là sức mua còn yếu.
Phóng to |
Nguồn: Cục thống kê TP.HCM và Hà Nội - Đồ họa: V.CƯỜNG - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội và TP.HCM tháng 3-2013 giảm so với tháng 2-2013. Tuy nhiên tại các chợ lẻ, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm gần như đứng yên.
Theo Cục Thống kê TP.HCM (PSO), tháng 3-2013 CPI của TP.HCM giảm 0,29% so với tháng 2-2013. Trong đó giảm nhiều ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhưng tiểu thương một số chợ bán lẻ lại khẳng định giá chưa giảm và sức mua rất yếu.
6 nhóm hàng giảm giá
Theo PSO, CPI của thành phố đã trở về quy luật chung của các năm là tháng liền kề sau tết có mức giảm so với tháng tết. Trong 11 nhóm hàng tính CPI, sáu nhóm hàng có mức giảm gồm: lương thực, thực phẩm giảm 0,6%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,35%; giao thông giảm 0,34%; văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,47% và các mặt hàng, dịch vụ khác giảm 0,62%.
CPI Hà Nội tháng 3-2013: âm 0,21% Cục Thống kê Hà Nội ngày 20-3 đã công bố CPI tháng 3 đã giảm 0,21% so với tháng 2-2013. Như vậy, tính chung CPI trong ba tháng so với tháng 12-2012 tăng 2,04%. Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng qua các mặt hàng như lương thực vẫn tăng 0,05% nhưng do nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống ở thủ đô đã giảm thêm 0,7%, nhóm hàng thực phẩm cũng giảm mạnh tới 1,36% đã kéo chỉ số CPI giảm. C.V.KÌNH |
Theo PSO, giá hàng lương thực giảm là do lượng cung hàng cho xuất khẩu bị hạn chế, lúa hàng hóa còn tồn đọng trong dân lớn, mức tiêu thụ thực phẩm trên thị trường đã trở về mức trung bình trong năm. So với tháng 12-2012, giá thịt heo trong ba tháng đầu năm nay giảm 2,98%, thịt gia cầm giảm 0,71%, dầu mỡ ăn giảm 3,26%, thịt chế biến giảm 1,01%, rau các loại giảm 1,57%... Tuy vậy, nhóm các mặt hàng sữa, bơ, trà, cà phê, vật liệu xây dựng, nước mắm, nước chấm, thịt bò... vẫn tăng giá.
PSO cho biết CPI của TP.HCM ba tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 2,85% và là tháng có mức tăng so với cùng kỳ thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Tuy nhiên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vẫn có mức tăng khá cao như giáo dục, giao thông, đồ uống, thuốc lá...
Ghi nhận tại một số siêu thị ở TP.HCM cho thấy nhờ các chương trình khuyến mãi nên giá thực phẩm trong tháng 3 giảm so với tháng trước đó. Tại hệ thống Co.op Mart, mặc dù giá đầu vào không giảm nhưng do thực hiện một số chương trình khuyến mãi nên giá thịt heo trong tháng 3-2013 đã giảm 10-12% so với khoảng giữa tháng 2. Mặt hàng rau củ quả tiếp tục giảm mạnh ở mức 10-15% chủ yếu do nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ không mạnh.
Giá chợ lẻ không giảm?
Trong khi đó chị Bùi Thu Trang, ngụ Q.Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết chưa thấy giá các mặt hàng thực phẩm giảm. “Nếu giá cả thật sự giảm thì chi tiêu sinh hoạt gia đình phải giảm. Nhưng thực tế hằng ngày tôi vẫn đi chợ như vậy, không thấy tiết kiệm hơn được đồng nào. Nhà ba miệng ăn, để đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe, tháng trước trung bình mỗi ngày tiền mua rau, thịt, cá khoảng 250.000-300.000 đồng. Tháng này vẫn vậy, nếu muốn ăn ngon còn tốn kém hơn” - chị Trang nói.
Tương tự, bà Thanh Xuân (Q.Bình Thạnh) cho biết chưa thấy giá thịt heo giảm. Trong tháng 3-2013, giá một số mặt hàng vẫn còn giữ như trong tết. Chẳng hạn tại chợ Tân Định (Q.1), giá thịt heo suốt tháng 3 vẫn như tháng 2. Thịt ba rọi, nạc heo bán 100.000 đồng/kg, thịt đùi heo, heo xay giá 90.000 đồng, sườn heo 130.000 đồng/kg... Thịt bò không những giữ giá mà còn tăng nhẹ. Bà Xuân cho biết: “Các loại rau củ quả thường xuyên dùng trong bữa ăn gia đình như khoai tây, cà rốt, dưa leo, rau muống, cà chua... mặc dù có giảm nhưng không đáng kể nên tính ra chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày vẫn rất tốn kém”.
Mặt hàng gạo được các đầu mối kinh doanh ở TP.HCM khẳng định có giảm từ giá bán buôn đến bán lẻ, mức giảm 400-500 đồng/kg. Một số tiểu thương kinh doanh thịt bò, thịt heo, rau củ... ở chợ Tân Định, chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận) cho biết giá các mặt hàng trên hầu như không giảm mà chỉ có sức mua giảm.
Liên quan đến hiện tượng “vênh” giữa CPI công bố và thực tế giá cả trên thị trường, nhiều người đặt vấn đề cách lấy giá để tính CPI chưa sát với thực tế. Bà Nguyễn Hương Giang, đại diện PSO, giải thích với một mặt hàng, các điểm lấy giá trải đều khắp thành phố, gồm cả chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Bà Hương cho biết hiện thành phố có vài trăm điểm lấy giá cho mỗi lần khảo sát. Bà Hương khẳng định có thể yên tâm về độ chính xác và khách quan của CPI.
Không phải tín hiệu vui Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, với mức âm của CPI Hà Nội và TP.HCM trong tháng 3-2013, nhiều khả năng CPI cả nước sẽ rất thấp. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế. Bởi nó có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế còn ảm đạm, thu nhập của người lao động không được cải thiện, sức mua yếu và sản xuất của doanh nghiệp sẽ còn nhiều khó khăn. Ông Long cũng lưu ý chỉ số giá có sát với thực tế hay không phụ thuộc lớn vào các điểm lấy giá và hoạt động thu thập dữ liệu giá có chính xác hay không. Nếu người dân vẫn không nhận thấy có sự khác biệt, chứng tỏ CPI giảm chưa mang lại niềm vui cho người dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận