14/06/2017 13:27 GMT+7

Co-working - Nơi khởi đầu của những sáng tạo

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Những Google, Apple hay HP... đã viết nên câu chuyện thần kỳ từ các gara ôtô, nhà kho, và giờ đây các không gian làm việc chung và vườn ươm sẽ cho ra đời nhiều kỳ tích khởi nghiệp mới.

Các nhà sáng lập, doanh nghiệp nhỏ trao đổi với nhau tại một buổi sinh hoạt dành cho cộng đồng khởi nghiệp ở American Underground, thành phố Durham, bang North Carolina - Ảnh: Như Bình
Các nhà sáng lập, doanh nghiệp nhỏ trao đổi với nhau tại một buổi sinh hoạt dành cho cộng đồng khởi nghiệp ở American Underground, thành phố Durham, bang North Carolina - Ảnh: Như Bình

Để trở thành một thành phố khởi nghiệp, điều đầu tiên không gì ngoài những không gian làm việc chung (co-working space), nhưng những trung tâm này còn đóng vai trò hơn một không gian văn phòng.

Văn phòng 200 USD/tháng

Mỗi ngày Carlo Diy, nhà khởi nghiệp trẻ người Mỹ gốc Philippines, lại đến văn phòng của mình nằm trong American Underground, một không gian làm việc chung ở tòa nhà cũ trên đường West Main, thành phố Durham, North Carolina.

Carlo Diy là sáng lập của Haitihub, một nền tảng về học ngoại ngữ trực tuyến dành cho cộng đồng người biết nói tiếng Anh muốn học tiếng Haiti.

“Chúng tôi muốn tạo kênh học tiếng cho những người này giúp họ có thể làm việc tốt hơn, tạo mối quan hệ thực sự với người dân Haiti trong thời gian ở địa phương. Những tổ chức từ thiện cũng có thể liên hệ trực tiếp với Chính phủ Haiti. Những mối quan hệ mà bạn không thể thiết lập qua phiên dịch hay sử dụng ngôn ngữ cơ thể” - Carlo nói.

Dự án dạy học tiếng Haiti của Carlo được ra đời cách đây sáu năm, khi anh nhận thấy có một nhu cầu rất lớn đối với những người làm việc trong các tổ chức phát triển, tổ chức nhân đạo quốc tế cho quốc gia này.

Đặc biệt từ sau năm 2010 khi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Haiti, rất nhiều tổ chức quốc tế đến với Haiti. Đến nay, nền tảng học ngoại ngữ trực tuyến này mới có 260 người học nhưng quan trọng hơn là con số này đang tăng lên nhanh.

Hiện website bắt đầu có lợi nhuận tốt, bình quân 100.000 - 250.000 USD/năm từ thu học phí và quảng cáo, đủ giúp phát triển và mở rộng hơn các tính năng hiện có.

Việc không phải gọi vốn bên ngoài cho phép Carlo và ba cộng sự của mình phát triển dự án một cách ý nghĩa nhất theo tầm nhìn của startup này cũng như cho người học. “Nếu bạn nhận vốn bên ngoài, có thể bạn sẽ không được phát triển “đứa con” theo ý của mình” , anh chia sẻ.

Hiện nay mỗi tháng Carlo trả khoảng 220 USD/người để duy trì văn phòng làm việc ở American Underground và nhóm của anh được quyền sử dụng các phòng họp, giấy in, thiết bị điện nước... miễn phí, Internet thì siêu nhanh, có thể nói tốt nhất trong thành phố. Khoản phí này đúng là tượng trưng so với những gì một công ty có thể nhận được.

Không chỉ là không gian

Phillipe Charles, giám đốc truyền thông của American Underground, nói: “Hỗ trợ lẫn nhau để phát triển kinh doanh, một đội ngũ chuyên gia từ luật sư, nhà chiến lược, marketing... đều có thể dễ dàng được tìm thấy ở đây. Chỉ có những nơi này mới giúp các nhà khởi nghiệp định hình lại ý tưởng và gặp những nhà đầu tư đầu tiên” - Phillipe nói.

American Underground là một trong chín trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Google trên toàn nước Mỹ. Tính đến nay đã có khoảng 260 doanh nghiệp khởi nghiệp đặt văn phòng trong bốn tòa nhà của American Underground.

Trong khuôn viên ở đây, ấn tượng với chúng tôi là quầy nước tự tính tiền. Người mua nước tự kiểm tra giá tiền, tự trả theo đúng số tiền, không hề có nhân viên bán hàng nào ở đây. Sáng tạo phải đi kèm với tính minh bạch, trung thực và sự tin tưởng lẫn nhau. Đó là giá trị mà các trung tâm này muốn xây dựng.

Có mô hình cũng tương tự như American Underground nhưng nằm trong công viên nghiên cứu Research Triangle Park (RTP) của bang North Carolina là Frontier, một không gian làm việc chung hiện đại với lối thiết kế tràn ngập nắng.

Khung kính lớn tạo nên vẻ choáng ngợp khi bước vào. Ngay giữa không gian làm việc ấy là tấm đá cao nhiều màu sắc. Tấm đá được lấy từ bức tường Berlin vào năm 1989, đem về đây với biểu tượng không có biên giới nào có thể ngăn cản được đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ.

Frontier thu hút các doanh nghiệp trẻ, các startup bằng giá cho thuê văn phòng ở mức thấp nhất có thể cùng nhiều dịch vụ miễn phí. Giá thuê văn phòng chỉ có 300 USD/tháng tùy diện tích.

Không những vậy, Frontier còn tạo một mạng lưới để các doanh nhân khởi nghiệp có thể gặp gỡ và chia sẻ: những bữa tiệc miễn phí vào thứ sáu hằng tuần, nơi gặp gỡ trao đổi, gọi vốn của cộng đồng startup địa phương và những nhà đầu tư...

Ông Micheal Pittman - phó chủ tịch của công viên nghiên cứu Research Triangle Park, bang North Carolina - cho biết Frontier ra đời khi những thế hệ lao động Y (sinh từ năm 1981-2000) chọn cuộc sống gần thành phố để sau những giờ đi làm là có thể cà kê quán xá.

Kết nối sáng tạo

Phải thừa nhận người Mỹ rất đam mê khởi nghiệp dẫu biết thành công với các dự án khởi nghiệp tỉ lệ thấp không khác gì trúng số Jackpot.

Các công ty lớn, quỹ đầu tư mạo hiểm nhan nhản khắp nơi, sẵn sàng chầu chực những ý tưởng mới nào đó để bơm tiền, nuôi dưỡng thành những doanh nghiệp thay đổi thế giới.

Theo ông Fred Schmidt - giám đốc quan hệ quốc tế của trung tâm làm việc chung có tên Capital Factory ở thành phố Austin, bang Texas, khởi nghiệp ở Mỹ hiện nay không còn là “độc quyền” của thung lũng Silicon.

Capital Factory có một khu vực làm việc chung với bàn làm việc chuyên dụng, phòng họp, phòng tổ chức sự kiện và cả phòng nghỉ ngơi ở tầng 16 của tòa nhà văn phòng Omni, thành phố Austin, bang Texas.

Trong khi đó, tầng 5 của tòa nhà là nơi các startup có thể sở hữu những văn phòng riêng rộng chưa đến 2m2, phòng thư giãn... Ở đây cũng có những phòng bếp mở, nơi phục vụ nước uống, thức ăn luôn sẵn có, những chiếc tủ lạnh đầy ắp thức ăn.

Capital Factory không chỉ có khung cảnh tuyệt đẹp nhìn ra tòa nhà thị chính Capitol mà còn là nơi các startup hằng ngày đều có cơ hội gặp những nhà đầu tư thiên thần và các ông trùm đầu tư với chiếc mũi kinh doanh cực thính.

Tại đây, họ không chỉ dạy người khởi nghiệp cách vận hành ý tưởng mà còn giúp họ bán ý tưởng cho nhà đầu tư.

Savitha Sridharan, sáng lập dự án Orora Global về giải quyết nguồn năng lượng cho cộng đồng, nói nếu bạn là một doanh nhân và đang có một ý tưởng nào đó trong đầu, thì sau 3-4 tháng ở những không gian làm việc chung, chỉ với khoảng 200 USD bạn có thể hình dung được mình bắt đầu làm từ đâu.

Mạng lưới nơi đây quá tuyệt vời, mọi người ở đây sẽ đặt câu hỏi, phản hồi về mô hình kinh doanh của bạn. Họ sẵn sàng đưa ra những lời khuyên liệu bạn có nên tiếp tục lãng phí thời gian với mô hình kinh doanh này? Họ có thể nói cho bạn biết lý do vì sao mô hình này không hiệu quả, cần cải tiến những gì và làm sao để tạo ra lợi nhuận.

Trong tầm ngắm của công ty công nghệ

Các startup công nghệ trẻ đang là mục tiêu thâu tóm của các doanh nghiệp công nghệ lớn. Những startup trẻ hiện nay được xem là đối thủ đáng gờm bởi sáng tạo không giới hạn, có thể làm nên những thay đổi diện mạo và cách thức kinh doanh của các ngành công nghiệp.

Trong nỗ lực củng cố vị thế dẫn đầu, các công ty công nghệ lớn rất tích cực săn lùng các startup trẻ. Một trong những thương vụ lớn nhất được thực hiện trong quý 1-2017 là việc Ford Motor đầu tư 1 tỉ đôla vào Argo AI, một startup trong lĩnh vực xe tự lái được thành lập bởi những cựu nhân viên của Google và Uber.

____________________

Kỳ tới: CEO sinh viên

Xem kỳ trước:

>> Kỳ 1: ​

 

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên