COVID và năng lực cạnh tranh quốc gia

TRUNG TRẦN 04/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - COVID-19 đã làm lộ rõ nhiều vấn đề của một nền sản xuất đang ở những bước chập chững hiện đại hóa và rất nhiều trục trặc, nhất là khi bị đặt trước các thách thức, rủi ro có tính hệ thống như một đại dịch.

Dễ hình dung nhất, chúng ta có thể đặt Việt Nam kế bên hai quốc gia láng giềng, có trình độ và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu không cách quá xa so với Việt Nam, đồng thời cũng rơi vào tình trạng và sự lúng túng trong cách đối phó với dịch bệnh tương đồng, nếu không nói là còn tệ hơn.

Lĩnh vực sản xuất đang gặp nhiều thách thức vì COVID-19. Ảnh: scmp.com

 

Ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế Thái Lan là mức tăng trưởng GDP năm 2020 âm 2,2%, với Malaysia là âm 0,4%, trong khi Việt Nam là nước hiếm hoi trong 10 quốc gia Đông Nam Á có mức tăng trưởng dương, khoảng 2,9% (cùng với Singapore khoảng 1,7%).

Tính quãng thời gian cuối tháng 8, số ca dương tính hằng ngày của Malaysia và Thái Lan, khoảng 17.000 - 22.000, ở mức gấp đôi, gấp ba Việt Nam. 

Cũng như Việt Nam, hai nền kinh tế này có nền công nghiệp chủ yếu dựa vào công nghiệp chế tạo phụ trợ, chứ không phải sản phẩm hoàn chỉnh, có thương hiệu tầm mức quốc tế. Họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng sâu do sự xuất hiện ngoài mọi dự phòng của biến thể Delta và đầu năm 2021.

Kinh nghiệm Thái Lan và Malaysia

Để ứng phó và chuẩn bị cho các kịch bản phục hồi trong và sau dịch, cách của Thái Lan là tập trung bảo đảm duy trì cho các nhà máy có quy mô vừa và lớn, những doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất chế tạo toàn cầu trong các ngành xe hơi, sản phẩm điện tử, thiết bị y tế...

Những doanh nghiệp có quy mô từ 500 nhân công trở lên trong các lĩnh vực sản xuất chủ chốt nói trên, ở những khu công nghiệp trọng điểm trên toàn quốc sẽ là đối tượng của chương trình: “Sand box” - “Nhà máy trong hộp cát”, dựa trên kinh nghiệm triển khai du lịch trong và hậu COVID ở Phuket.

Những nhà máy hoạt động theo chương trình này phải đảm bảo các điều kiện: Người lao động đảm bảo được xét nghiệm âm tính và xét nghiệm lại mỗi tuần. 

Công ty phải bố trí chỗ ăn ở riêng biệt và có xe đưa đón tách biệt, không tiếp xúc với bên ngoài. Mô hình này tương tự giải pháp 2T+ mà các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đang đề xuất lên Chính phủ.

Điểm khác biệt với Việt Nam là ở giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng - công nhân ở các khu công nghiệp ở Thái Lan là đối tượng được ưu tiên được tiêm vắc xin, và cách họ áp dụng là chọn lọc các nhà máy đóng vai trò xương sống của nền công nghiệp chế tạo.

Hiện đang có khoảng 60 nhà máy như thế - với khoảng 130.000 nhân công - được áp dụng thí điểm chương trình này. Quan trọng không kém việc duy trì sản xuất, với chương trình này, Thái Lan còn muốn quảng bá cho thế giới rằng họ là một “điểm đến đầu tư an toàn” hơn so với các quốc gia láng giềng.

Với những nhà máy khác, Thái Lan áp dụng giải pháp tương tự “2T và hai điểm đến, một cung đường”. Điểm khác biệt với Việt Nam là các ca F0, vốn được tư vấn chữa trị tại nhà sớm hơn và chất lượng tư vấn online tốt hơn, tạo cảm giác yên tâm cho người chẳng may nhiễm bệnh.

Tỉ lệ tử vong vì COVID-19 ở Thái Lan cho đến giờ ở mức chỉ dưới 1%, một phần vì tỉ lệ lao động di dân từ nông thôn đến các khu vực sản xuất công nghiệp không cao như ở Việt Nam, dẫn tới áp lực lên hạ tầng nhà ở và y tế cũng không quá lớn như ở Việt Nam.

Nếu nhìn tổng thể như thế, với cùng tốc độ đạt đỉnh dịch và bước qua thời kỳ bình thường mới, khả năng phục hồi của Thái Lan sẽ nhanh hơn Việt Nam.

Một láng giềng khác, Malaysia, thì có hẳn chương trình cải cách để phục hồi hậu dịch, dù tình hình dịch bệnh ở nước này hiện nghiêm trọng hơn rất nhiều so với Việt Nam hay Thái Lan. Số ca nhiễm đã là 1,5 triệu, tử vong hơn 13.000, và số F0 trung bình hằng ngày trong cuối tháng 8 khoảng 20.000.

Malaysia ngoài là nhà sản xuất phụ trợ lớn của các hãng Nhật Bản, một nước sản xuất cao su và sản phẩm cao su lớn, còn có thế mạnh là nhà cung cấp linh kiện điện tử, chip, tụ gốm... hàng đầu thế giới. 

Mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng của họ sâu và đa dạng hơn Việt Nam, nên khả năng chống chịu của nền sản xuất nói chung cũng mạnh mẽ hơn.

Chương trình phục hồi của Malaysia tập trung vào việc bảo vệ người lao động bằng các chính sách bảo hiểm xã hội và thất nghiệp linh hoạt - mở rộng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, tăng cường nền tảng kinh tế số và hiệu suất làm việc từ xa.

Ở đây có một điểm lưu ý là thế hệ tầm 30 - 50 tuổi ở Malaysia, những người làm việc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và kinh doanh, do hoàn cảnh lịch sử, có kỹ năng tiếng Anh tốt hơn nhiều so với người lao động Việt Nam cùng trang lứa và nghề nghiệp.

Điều này được thể hiện trong chính sách hỗ trợ hồi phục kinh tế của Malaysia bao gồm cả việc nâng cao kỹ năng kinh tế số cho tầng lớp nhân công trung niên và sắp già. Định hướng này giúp nhân lực của nền kinh tế có đủ một lớp đệm đỡ để thích nghi với môi trường làm việc mới.

Một nền kinh tế di động (mobile economy) là điều Malaysia đang chuẩn bị kỹ để hướng tới, cả cho thời kỳ hậu COVID lẫn cho kịch bản dịch bệnh sẽ còn dài lâu. 

Có thể thấy Malaysia đã sử dụng chính sách mà 20 năm trước Singapore triển khai khi quốc gia này đóng cửa hầu hết các nhà máy sản xuất và chuyển hầu hết nhân sự qua các lĩnh vực dịch vụ, tài chính, đầu tư...

Năng lực dẫn dắt nền kinh tế

Trong cuộc hội thảo gần đây do tổ doanh nhân tư vấn cho TP.HCM tổ chức, giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam có nói đến nguy cơ dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Việt Nam ra nước ngoài.

Điều đấy là có thật vì lợi thế “điểm đến an toàn” của Việt Nam giờ không còn nữa. Một thực tế chứng minh là đơn hàng lắp ráp thành phẩm của các công ty đa quốc gia đang chảy ngược từ Việt Nam về lại Trung Quốc và thậm chí cả Úc, những nơi chi phí lao động đắt hơn rất nhiều, vài tháng gần đây.

Các giải pháp của Việt Nam là gì? Cho đến giờ, cần phải nhìn nhận là chúng ta vẫn đang loay hoay với việc làm sao để hoạt động cầm cự - sau khi mô hình 3 tại chỗ đã không còn phù hợp. 

Việc khoanh vùng và dán nhãn vùng xanh, nhà máy xanh, là một hướng đi. Tuy nhiên điểm nghẽn rơi vào yêu cầu tiên quyết chưa được thỏa mãn: tiến độ tiêm vắc xin.

Khi về cùng một điểm xuất phát với các nước láng giềng về việc đối phó dịch bệnh, có vẻ như nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất, của Việt Nam đang rơi vào bất lợi. 

Hoàn cảnh này đang đòi hỏi năng lực lãnh đạo hơn bao giờ hết từ giới ra quyết định chính sách. Cho đến nay, trong nhân sự các tổ tư vấn, định hướng chính sách, đối phó dịch..., chưa thấy xuất hiện nhiều những cái tên kỹ trị, những nhân vật có kinh nghiệm thực chiến ở nhà máy, và ở nhà máy trong khủng hoảng.

Chính phủ sẽ cần những nhà tư vấn hiểu rõ bản chất của môi trường sản xuất, hiểu rằng để giữ chân các khách hàng, đối tác nước ngoài tối quan trọng với nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu của Việt Nam, thì yêu cầu - dù có dịch bệnh hay không - không có gì thay đổi: Phải giao hàng đúng hẹn.

Nếu như việc chống dịch đã phải viện tới nguồn lực tư nhân, thì việc duy trì và khôi phục sản xuất, giữ và nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia - một cách tương đối so với các nước láng giềng - lại càng cần điều đó hơn nữa.

Chúng ta không thấy trong danh sách những chuyên gia tư vấn, có ai từng hay đang là giám đốc điều hành một công ty sản xuất hay kho vận, logistics, những người biết rõ nhất doanh nghiệp cần phải làm gì để tồn tại lúc này. 

Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia thể hiện rõ nhất trong thời điểm này là khả năng ứng biến nhanh của hệ thống sản xuất, không phải vì lòng tự hào, vì quyết tâm chính trị, mà là để giữ được đơn hàng xuất khẩu, cũng là miếng cơm manh áo của hàng triệu triệu con người. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận