31/05/2024 07:41 GMT+7

COVID-19 vẫn gây hậu quả sau 3 năm

Theo trang SciTechDaily, nguy cơ tử vong do COVID-19 giảm bớt, nhưng tình trạng nhiễm khuẩn vẫn có thể gây ra vấn đề 3 năm sau đó.

Bệnh nhân nhập viện trong vòng 30 ngày sau khi nhiễm COVID-19 phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn 29% trong năm thứ 3 sau nhiễm - Ảnh: SciTechDaily

Bệnh nhân nhập viện trong vòng 30 ngày sau khi nhiễm COVID-19 phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn 29% trong năm thứ 3 sau nhiễm - Ảnh: SciTechDaily

Nghiên cứu cũng cho thấy những bệnh nhân nhập viện trong vòng 30 ngày sau khi nhiễm COVID-19 phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn 29% trong năm thứ 3, so với những người không nhiễm bệnh.

Mắc COVID-19 kéo dài: Tin xấu và tin tốt

Theo một nghiên cứu tại Trường Y Đại học Washington tại St. Louis và Hệ thống Chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh St. Louis, những phát hiện mới về mắc COVID-19 kéo dài, tức những ảnh hưởng lâu dài lên sức khỏe ở nhiều người từng mắc COVID-19, bao gồm cả tin tốt lẫn tin xấu.

Tin xấu là bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong vòng 30 ngày đầu tiên sau khi nhiễm bệnh thường đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn 29% trong năm thứ ba, so với những người không nhiễm vi rút.

Tuy nhiên, nguy cơ tử vong sau ba năm vẫn cho thấy sự suy giảm đáng kể so với ở thời điểm một và hai năm sau nhiễm COVID-19. Các phát hiện cũng cho thấy ngay cả những người mắc bệnh COVID-19 nhẹ vẫn gặp phải các vấn đề sức khỏe mới, liên quan đến nhiễm khuẩn ba năm sau đó.

Còn tin tốt là nguy cơ tử vong gia tăng giảm đáng kể một năm sau khi nhiễm SARS-CoV-2 ở những người không nhập viện vì vi rút. Nhân khẩu học này chiếm hầu hết những người đã mắc bệnh COVID-19.

Nghiên cứu mới, được công bố ngày 30-5 trên tạp chí Nature Medicine, đã theo dõi ảnh hưởng sức khỏe của vi rút ở người ba năm sau khi bị nhiễm chủng COVID-19 ban đầu vào năm 2020. Năm đó, khoảng 20 triệu người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút này ở Hoa Kỳ.

Nghiên cứu mới cũng đánh giá nguy cơ tử vong và 80 tình trạng sức khỏe có hại ở người ba năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19.

Sự không chắc chắn về hiệu ứng COVID-19 kéo dài

Ziyad Al-Aly, tác giả nghiên cứu cấp cao, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Washington và là nhà lãnh đạo toàn cầu trong các nghiên cứu về COVID-19 kéo dài, cho biết họ không chắc chắn vì sao tác động của vi rút lại kéo dài lâu như vậy.

"Có thể lý do liên quan đến sự tồn tại lâu dài của vi rút, chứng viêm mãn tính, rối loạn chức năng miễn dịch, hoặc tất cả những điều trên. Chúng ta có xu hướng nghĩ nhiễm khuẩn chủ yếu là những bệnh ngắn hạn, với những tác động lên sức khỏe biểu hiện ra vào khoảng thời gian nhiễm trùng.

Dữ liệu của chúng tôi đã thách thức khái niệm này. Tôi cảm thấy COVID-19 tiếp tục dạy chúng ta - và đây là một bài học mới quan trọng - rằng một cuộc chạm trán ngắn ngủi, có vẻ vô hại hoặc lành tính với vi rút vẫn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nhiều năm sau đó", ông nói.

Theo dữ liệu liên bang, có tới 10% số người bị nhiễm vi rút bị mắc COVID-19 kéo dài. Nghiên cứu trước đây của Al-Aly đã ghi nhận thiệt hại mà COVID-19 gây ra trên hầu hết mọi cơ quan của con người, góp phần gây bệnh và các điều kiện ảnh hưởng đến phổi, tim, não và hệ thống máu, cơ xương và đường tiêu hóa (GI) của cơ thể.

Al-Aly, bác sĩ chuyên khoa thận điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Cựu chiến binh John J. Cochran trực thuộc Đại học Washington ở trung tâm thành phố St. Louis, cho biết những nghiên cứu như vậy với thời gian theo dõi lâu hơn còn hạn chế.

"Việc giải quyết lỗ hổng kiến thức này là rất quan trọng để nâng cao hiểu biết và sẽ giúp cung cấp thông tin chăm sóc cho những người mắc COVID-19 kéo dài", ông nhấn mạnh.

Al-Aly và các cộng sự đã phân tích hàng triệu hồ sơ y tế không được xác định danh tính trong cơ sở dữ liệu do Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ duy trì - hệ thống chăm sóc sức khỏe tích hợp lớn nhất quốc gia.

Nghiên cứu bao gồm hơn 114.000 cựu chiến binh mắc COVID-19 nhẹ không cần nhập viện; hơn 20.000 bệnh nhân COVID-19 nhập viện; và 5,2 triệu cựu chiến binh không được chẩn đoán mắc COVID-19.

Bệnh nhân được ghi tên vào nghiên cứu từ ngày 1-3-2020 đến ngày 31-12-2020 và theo dõi trong ít nhất ba năm, cho đến ngày 31-12-2023. 

Ảnh hưởng sức khỏe dài lâu trên bộ phận cơ thể nào?

Vào năm thứ ba sau khi nhiễm bệnh, những bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện có nguy cơ mắc các rủi ro sức khỏe cao hơn 34% trên tất cả các hệ thống cơ quan so với những người không nhiễm COVID-19.

Trong số những bệnh nhân không nhập viện, các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài tăng 5% trong năm thứ ba sau khi nhiễm bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm 41 vấn đề sức khỏe trên 1.000 người - một gánh nặng tuy nhỏ nhưng không hề tầm thường.

Những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe trong năm thứ ba chủ yếu xảy ra trên hệ tiêu hóa, phổi và thần kinh.

Al-Aly, đồng thời là giám đốc Trung tâm Dịch tễ học lâm sàng tại Hệ thống Chăm sóc sức khỏe VA St. Louis và là người đứng đầu dịch vụ nghiên cứu và phát triển, cho biết việc nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe mới trong ba năm tới là một phát hiện cần được chú ý đúng mức.

"Ba năm sau, bạn có thể đã quên COVID-19, nhưng COVID-19 có thể không quên bạn", Al-Aly nói.

Singapore đối diện làn sóng dịch COVID-19 mớiSingapore đối diện làn sóng dịch COVID-19 mới

Bộ trưởng y tế Singapore cảnh báo đợt dịch COVID-19 mới tại nước này khi số ca nhiễm tăng mạnh trong hai tuần qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên