Một gia đình đoàn tụ ở sân bay Sydney, Úc, ngày 21-2 - Ảnh: AFP
"Thời gian chờ đợi đã kết thúc. (Du khách) hãy chuẩn bị đồ đạc và đừng quên mang theo tiền vì sẽ có rất nhiều nơi để tiêu tiền ở Úc", Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 20-2.
Úc bắt đầu mở cửa hoàn toàn biên giới từ ngày 21-2. Khoảng 56 chuyến bay quốc tế sẽ đáp xuống Úc trong 24 giờ đầu tiên mở cửa, khá khiêm tốn so với trước dịch nhưng Thủ tướng Morrison tin con số sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Dự kiến sân bay ở Sydney sẽ đón những vị khách đầu tiên từ Los Angeles (Mỹ) và sau đó là Tokyo (Nhật Bản), Vancouver (Canada), Singapore.
"Đây sẽ như một bữa tiệc, mọi người với nụ cười trên môi sẽ sớm nhảy theo điệu nhạc, tôi chắc chắn như vậy", Bộ trưởng Du lịch Dan Tehan nói trên Đài ABC khi có mặt đón du khách tại Sydney.
Xứ sở chuột túi phong tỏa biên giới kể từ tháng 3-2020 và hạn chế người dân đi ra nước ngoài khiến nước này được ví như một "pháo đài". Mỗi tháng đóng cửa khiến Úc thiệt hại khoảng 2,6 tỉ USD, trong đó ngành du lịch đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề.
Các du khách quốc tế được chào đón tại sân bay Sydney, Úc, ngày 21-2 - Ảnh: AFP
Tuy nhiên bang Tây Úc, vốn theo đuổi chiến lược "Zero COVID" nghiêm ngặt, sẽ mở cửa từ tháng 3-2022 và sẽ chỉ đón những du khách đã tiêm 3 liều vắc xin ngừa COVID-19.
Úc ghi nhận hơn 15.000 ca mắc COVID-19 mới và 33 ca tử vong trong ngày 20-2, một ngày trước khi nước này mở cửa biên giới quốc tế đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ. Tỉ lệ tiêm ngừa đầy đủ ở nước này đã đạt hơn 79%.
Trong khi đó, cũng đóng cửa biên giới rất sớm từ tháng 3-2020, Israel mới đây thông báo từ ngày 1-3 sẽ mở cửa cho mọi du khách dù đã tiêm ngừa hay chưa. Trước đó, chỉ có những người đã tiêm ngừa mới được phép nhập cảnh Israel.
"Chúng ta đang thấy số ca bệnh giảm ổn định, vì vậy đây là lúc dần mở cửa", Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Naftali Bennett nói. Những du khách đến Israel sẽ vẫn phải xét nghiệm PCR 2 lần, trước và sau khi nhập cảnh.
Một cơ sở cách ly tạm thời đang được gấp rút thi công ở Hong Kong ngày 20-2 - Ảnh: AFP
Tại châu Á, ông John Lee, quan chức cao cấp số 2 ở Hong Kong, cho biết chính quyền đặc khu đang trong "chế độ chiến đấu tổng lực" với COVID-19. Hong Kong ghi nhận hơn 6.000 ca mắc mới ngày 20-2 và hình ảnh người bệnh phải nằm bên ngoài các bệnh viện gây sốc thời gian qua.
Chiều 20-2, trưởng đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo Công ty cổ phần Xây dựng quốc tế nhà nước Trung Quốc, công ty xây dựng thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất tại Hong Kong, khởi công xây dựng 2 cơ sở cách ly tạm thời với 9.500 giường bổ sung. Ngoài ra, 3 khách sạn đã sẵn sàng cung cấp 20.000 giường cách ly tại các phòng khi cần thiết.
Nhiều người phải nằm bên ngoài các bệnh viện ở Hong Kong - Ảnh: AFP
Tại Thái Lan, Bộ Nội vụ của nước này đã yêu cầu tất cả các tỉnh tăng cường những biện pháp chống dịch. Báo Bangkok Post dẫn lời thư ký thường trực Bộ Nội vụ Sutthipong Chucharoen cho biết quan chức mọi cấp, từ làng xã đến tỉnh, phải hợp lực theo dõi chặt chẽ tình hình trong tỉnh, đặc biệt là những vùng biên giới với các nước láng giềng. Các quan chức cần có những phương án dự phòng trong trường hợp dịch bùng phát trong tỉnh.
Thái Lan ghi nhận 18.953 ca mắc mới trong ngày 21-2, là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 8-2021. Người đứng đầu Trung tâm virus học lâm sàng thuộc Đại học Chulalongkorn, tiến sĩ Yong Poovorawan, dự đoán các ca mắc mới ở Thái Lan có thể đạt đỉnh từ 30.000 - 50.000 ca mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận