Người dân Campuchia chen chân ở bờ sông đối diện Cung điện hoàng gia Royal Palace trong ngày lễ hội nước ở Phnom Penh ngày 19-11-2021 - Ảnh: AFP
Châu Á nâng tỉ lệ tiêm vắc xin
Campuchia, quốc gia khởi động chương trình tiêm vắc xin khá sớm ở Đông Nam Á (từ ngày 10-2-2021), đang có 78% dân số được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đầy đủ. Nước này cũng đang tiến hành tiêm mũi 3 và cân nhắc mở rộng chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 3-4 tuổi.
Tại Malaysia, đã có 76% dân số được tiêm chủng đầy đủ dù từng có tỉ lệ tiêm thấp trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, khi các ca bệnh tăng cao, quốc gia này đã mua thêm vắc xin và thành lập hàng trăm trung tâm tiêm chủng trên cả nước. Cả người lao động không có giấy tờ hợp pháp cũng được tiêm.
Tại Nhật Bản, hiện đã có 76,7% dân số được tiêm vắc xin đầy đủ. Nhật Bản khởi đầu chậm vì chính phủ muốn thử nghiệm vắc xin trong nước để đảm bảo vắc xin an toàn. Sau khi chứng kiến số ca tử vong tăng cao trên khắp thế giới, nhiều người Nhật đã không còn do dự nữa mà ủng hộ tiêm chủng.
Cho đến nay, các nước châu Á như Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Bhutan, Singapore, Campuchia... là những nước có tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ cao. Theo Hãng tin AP, nhờ đó mà nhiều quốc gia châu Á đang dần mở cửa trong khi nhiều phần ở châu Âu lại đang siết các biện pháp kiểm soát COVID-19 trước mùa đông.
Úc, New Zealand mở cửa
Ngày 22-11, Theo Hãng tin AFP, Úc thông báo sẽ đón sinh viên quốc tế, lao động tay nghề cao và những người có thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ (Working Holiday Visa) từ tháng 12 năm nay.
Sau 20 tháng đóng cửa biên giới, giờ đây, một số người có thị thực, công dân Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore sẽ được nhập cảnh Úc từ ngày 1-12. Họ cần có xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi đến Úc và phải tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ.
Nước láng giềng với Úc, New Zealand cũng cho biết, từ ngày 3-12, nước này sẽ nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt và cho phép các hoạt động kinh doanh, dịch vụ mở cửa trở lại ở Auckland, thành phố lớn nhất đất nước.
Các khu vực sẽ được phân loại theo các màu đỏ, cam, xanh lá tùy theo nguy cơ lây bệnh và tỉ lệ tiêm chủng. Auckland được xác định là vùng đỏ. Theo đó, người dân Auckland bắt buộc phải đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập đông người ở khu vực công cộng.
Châu Âu khổ vì biểu tình
Ngày 22-11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã lên án những kẻ bạo loạn "ngu ngốc" hoành hành ở thành phố trên cả nước chống đối các biện pháp kiểm soát COVID-19.
Biểu tình phản đối các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 ở Amsterdam, Hà Lan ngày 20-11 - Ảnh: REUTERS
Hơn 100 người đã bị bắt sau ba đêm xảy ra biểu tình bạo động phản đối việc buộc phải đeo khẩu trang ở hầu hết các không gian trong nhà, nhà hàng đóng cửa từ 20h tối.
Mặc dù một số biện pháp kiểm soát COVID-19 đã được áp dụng lại ở Hà Lan vào ngày 13-11, số ca nhiễm vẫn tăng lên. Hiệp hội các nhân viên y tế Hà Lan cảnh báo Hà Lan có thể đối mặt với tình huống xấu nhất là các bệnh viện không có đủ giường chăm sóc đặc biệt cho các bệnh nhân.
Ngày 22-11, Hà Lan ghi nhận hơn 23.000 ca nhiễm COVID-19, con số cao thứ nhì kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge cho biết chính phủ sẽ xem xét các biện pháp hạn chế hơn nếu tình trạng lây nhiễm và nhập viện tiếp tục tăng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22-11 cảnh báo các biện pháp chống dịch COVID-19 áp dụng hiện nay ở nước này chưa đủ mạnh để kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ tư đang gây sức ép lớn lên hệ thống y tế.
Người dân đi chơi chợ Giáng sinh ở Berlin, Đức, ngày 22-11-2021 - Ảnh: REUTERS
Bà kêu gọi chính quyền 16 bang siết chặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan. Nếu không, hệ thống y tế của Đức sẽ sớm trở nên quá tải.
Hiện số ca mắc mới COVID-19 ở Đức đang ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Từ ngày 21-11, lệnh giới nghiêm với những người chưa tiêm hoặc đóng cửa các quán bar và địa điểm giải trí được áp dụng tại nhiều thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận