18/01/2022 06:19 GMT+7

COVID-19 thế giới 18-1: Liều vắc xin thứ tư - kháng thể tăng cao nhưng vẫn nhiễm

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Theo một nghiên cứu sơ bộ ở Israel, mũi vắc xin COVID-19 thứ tư dù tăng cường kháng thể lên mức cao hơn so với lần tiêm thứ ba, nó không đủ khả năng để ngăn bị nhiễm biến thể Omicron của virus gây SARS-CoV-2.

COVID-19 thế giới 18-1: Liều vắc xin thứ tư - kháng thể tăng cao nhưng vẫn nhiễm - Ảnh 1.

Người đàn ông trong hình được tiêm liều vắc xin phòng bệnh COVID-19 thứ tư sau khi Israel phê duyệt mũi tiêm nhắc lại thứ hai cho người bị suy giảm miễn dịch, những người trên 60 tuổi và nhân viên y tế, ở Tel Aviv, Israel ngày 3-1 - Ảnh: REUTERS

Liều vắc xin thứ tư không giúp không nhiễm COVID-19

Trung tâm Y tế Sheba của Israel đã thử nghiệm tiêm mũi nhắc lại thứ hai (liều vắc xin thứ tư) cho các nhân viên của mình với vắc xin COVID-19 của Pfizer và Moderna. Giờ đây, họ đang nghiên cứu tác dụng của liều vắc xin bổ sung thứ hai này ở những người được tiêm, có đối chiếu với một nhóm chưa được tiêm liều bổ sung thứ hai.

Theo bà Gili Regev-Yochay, giám đốc của khoa bệnh truyền nhiễm, liều vắc xin bổ sung thứ hai làm tăng số lượng kháng thể, mức kháng thể "thậm chí cao hơn một chút so với lượng kháng thể ghi nhận sau liều thứ ba". Tuy nhiên, nó dường như vẫn không thể giúp người được tiêm không bị nhiễm biến thể Omicron.

"Những gì chúng ta biết hiện nay là lượng kháng thể là cần thiết để bảo vệ cơ thể chứ không giúp cơ thể không nhiễm biến thể Omicron, ngay cả khi đó là loại vắc xin tốt".

Đây là lần đầu tiên trên thế giới, một nghiên cứu, dù chỉ là sơ bộ và chưa được đăng trên tạp chí khoa học, đưa ra kết luận này. Hiện nay, trước làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra, nhiều nước đã cho phép tiêm vắc xin liều thứ 3, bắt đầu từ người già, người có hệ miễn dịch suy yếu và lực lượng tuyến đầu.

Dù vậy, các chương trình bổ sung, đặc biệt là liều thứ 4, đã vấp phải sự hoài nghi của một số chuyên gia về việc liệu có nên tiến hành tiêm liều vắc xin bổ sung hay không và mức độ rộng rãi ra sao vì cứ vài tháng lại tiêm cho cả thế giới là không khả thi.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho biết mục tiêu nên là có một liều vắc xin bổ sung có thể phản ứng với nhiều biến thể tiềm năng.

Vắc xin nhắm vào Omicron

Cách đây một tuần, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi rằng việc tiêm nhắc lại các liều vắc xin COVID-19 hiện nay không phải chiến lược khả thi để chống lại Omicron, mà cần một loại vắc xin mới hoặc cập nhật để chống lại sự lây lan quá nhanh của biến thể này.

Giám đốc điều hành (CEO) Hãng dược Pfizer - ông Albert Bourla - cho biết vắc xin được điều chỉnh để ngăn ngừa biến thể Omicron của Pfizer sẽ sẵn sàng vào tháng 3-2022.

Theo Hãng tin Reuters, ngày 17-1, phía Công ty Moderna cho biết việc phát triển vắc xin được điều chỉnh để ngăn ngừa biến thể Omicron đã hoàn tất. Thông tin về hiệu quả lâm sàng của loại vắc xin này sẽ có trong vài tuần tới. Công ty hy vọng có thể công bố các dữ liệu với nhà quản lý vào khoảng tháng 3-2022.

Nới lỏng các hạn chế

Do nhận thấy biến thể Omicron chỉ gây bệnh nhẹ, theo xu hướng của nhiều nước trên thế giới, các nhà lập pháp Đan Mạch đã đồng ý nới lỏng các biện pháp hạn chế. Ngày 17-1, nhà hát, viện bảo tàng, rạp chiếu phim, các công viên giải trí… được mở cửa sau hơn 1 tháng đóng cửa thực hiện lệnh phong tỏa dù đây cũng là ngày Đan Mạch có số ca nhiễm cao kỷ lục - 28.780 ca.

COVID-19 thế giới 18-1: Liều vắc xin thứ tư - kháng thể tăng cao nhưng vẫn nhiễm - Ảnh 2.

Người đi chơi đêm ở Copenhagen, Đan Mạch, ảnh ngày 3-9-2021 - Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Thái Lan đang cân nhắc sẽ áp dụng lại quy định miễn cách ly cho du khách đã tiêm vắc xin.

Thái Lan, mở cửa cho người nước ngoài đã tiêm vắc xin từ tháng 11-2021 để hồi sinh ngành du lịch. Theo đó, người nhập cảnh sẽ không phải cách ly bắt buộc nếu xét nghiệm âm tính tại điểm đến. Chương trình này có tên 'Test and Go’ và đã bị tạm ngừng từ cuối tháng 12-2021 do các lo ngại xung quanh biến thể Omicron.

Nếu được phê duyệt, từ ngày 1-2, Thái Lan sẽ nối lại chương trình 'Test and Go’.

Theo tờ Jerusalem Post, do tác động của biến thể Omicron với sức khỏe người nhiễm dường như ít nghiêm trọng hơn, cộng với việc tỉ lệ nhiễm đang làm tê liệt nhiều cơ quan, doanh nghiệp do có nhiều người phải cách ly, đã có những lời kêu gọi về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và đánh giá lại các mô hình phòng dịch hiện nay ở Israel.

Giáo sư Idit Matot, thuộc Trung tâm Y tế Souraky tại Tel Aviv, kêu gọi rút ngắn thời gian cách ly, hoặc bỏ chính sách này. Bà cho biết: "Cần đánh giá lại chính sách cách ly, nhất là với những người không có triệu chứng, và trẻ em".

Tuy nhiên, các chuyên gia khác không đồng ý với bà Matot.

Giáo sư Nadav Davidovitch, hiệu trưởng Trường Ben-Gurion thuộc Sở Y tế Negev, cho biết dù Omicron không gây bệnh nặng như các biến thể trước đó, chúng ta vẫn cần thận trọng, tiếp tục đảm bảo những người bị ốm dù chỉ có triệu chứng nhẹ phải ở trong nhà để tránh lây nhiễm cho người khác.

Một khía cạnh khác là hiện chúng ta vẫn có nhiều hiểu biết liên quan đến biến thể Omicron và các tác động lâu dài sau nhiễm. Hầu hết các triệu chứng COVID kéo dài chỉ thấy được sau vài tháng, và Omicron đến nay mới chỉ hoành hành khoảng 2 tháng. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại rất khó để nghiên cứu về các tác động lâu dài.

Ngày 17-1, Israel cho rút ngắn thời gian cách ly với người có xét nghiệm dương tính xuống còn 5 ngày thay vì 7 ngày như trước.

Ngược với xu hướng nới lỏng, ban tổ chức Thế vận hội mùa đông (diễn ra ngày 4-2) và Thế vận hội người khuyết tật (diễn ra ngày 4-3) Trung Quốc cho biết sẽ không bán vé cho người dân vào xem các trận thi đấu thể thao.

COVID-19 thế giới 18-1: Liều vắc xin thứ tư - kháng thể tăng cao nhưng vẫn nhiễm - Ảnh 3.

Apphich các linh vật của Thế vận hội mùa đông Olympic và Paralympic Bắc Kinh 2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Thông báo được đưa ra sau khi Bắc Kinh báo cáo trường hợp đầu tiên lây nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron ngày 15-1.

Cũng liên quan đến COVID-19, căn bệnh này đang cho thấy nó không nể nang một ai. Ngày 16-1, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Theo Reuters, ông có các triệu chứng rất nhẹ và đang tự cách ly kết hợp làm việc từ xa ở một địa điểm mà ông có thể thực hiện mọi nhiệm vụ của mình.

COVID-19 thế giới 18-1: Liều vắc xin thứ tư - kháng thể tăng cao nhưng vẫn nhiễm - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley - Ảnh: WIKIPEDIA

COVID-19 có thể ảnh hưởng lâu dài tới khả năng vận động của người trên 50 tuổi COVID-19 có thể ảnh hưởng lâu dài tới khả năng vận động của người trên 50 tuổi

TTO - Các nhà nghiên cứu cho biết những người trên 50 tuổi dường như có vấn đề về khả năng vận động sau khi mắc COVID-19, dù chỉ mắc ở mức độ nhẹ.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên