Nhà xác tại Bệnh viện Cấp cứu Đại học Bucharest ở thủ đô Bucharest của Romania đang phải đối mặt với thêm nhiều thi thể cần được xử lý, trong bối cảnh số ca COVID-19 tăng nhanh đã làm tê liệt hệ thống y tế của nước này. Các thi thể được bọc trong các túi nhựa dày, màu đen, trước khi được nhân viên bệnh viện đưa vào trong các quan tài bằng gỗ - Video: AP
Ngày 14-11, Hãng tin AP chạy dòng tít: "Trong bối cảnh ca nhiễm gia tăng ở Đông Âu, các nhà lãnh đạo lại hành động chậm chạp".
Khoảng hai tháng nay, một làn sóng dịch COVID-19 đã quét qua một số quốc gia ở Trung và Đông Âu, nơi vốn có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với những nơi khác ở châu Âu. Theo trang Politico, tại nhiều quốc gia Trung và Đông Âu, việc nhiều người dân do dự tiêm vắc xin COVID-19 đã dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Trong khi các nhân viên y tế mong muốn nhà chức trách áp dụng các biện pháp hạn chế khắt khe hoặc thậm chí phong tỏa, các nhà lãnh đạo ở những quốc gia này vẫn để cho COVID-19 tự do hoành hành trong nhiều tuần.
Theo Hãng tin AP, chính phủ nhiều nước châu Âu đang đối mặt với các cuộc bầu cử, và điều đó chắc chắn đã khiến họ do dự trong việc buộc người dân đi tiêm vắc xin COVID-19 hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Đầu tháng này, giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Châu Âu, ông Hans Kluge, cho biết châu Âu một lần nữa đã trở thành tâm dịch. Ông cảnh báo nếu châu Âu không hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn COVID-19, khu vực này có thể ghi nhận thêm 500.000 người tử vong từ đây tới tháng 2-2022.
Ngày 14-11, Israel đã bật đèn xanh cho phép bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi ở nước này.
Các nhân viên y tế đặt thi thể bệnh nhân COVID-19 vào quan tài cùng với các nhân viên nhà tang lễ tại nhà xác Bệnh viện Cấp cứu Đại học Bucharest ở Romania hôm 8-11 - Ảnh: AP
Số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu đã tăng 10% trong tuần đầu tiên của tháng 11 và chiếm hơn một nửa trong tổng số 48.000 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận trên toàn cầu trong thời gian đó.
Trong khi một số nước Tây Âu đang chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm, thì các quốc gia ở Đông Âu đang chứng kiến sự gia tăng về số ca tử vong do COVID-19. Romania, Bulgaria và các quốc gia vùng Balkan ghi nhận tỉ lệ tử vong trên đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới trong tuần đầu tiên của tháng 11, theo WHO.
Romania, quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) với khoảng 19 triệu dân, mới chỉ tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 cho 39% người trưởng thành, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình 75% của 27 quốc gia thành viên EU.
Nhà xác tại Bệnh viện Cấp cứu Đại học Bucharest ở thủ đô Bucharest của Romania đã không còn chỗ để tiếp nhận người tử vong. Người ta buộc phải bọc thi thể bệnh nhân COVID-19 trong những túi nhựa đen và để nằm dọc hành lang bệnh viện. Hôm 14-11, Hãng tin AP đã đăng tải một đoạn video được quay lại bên trong nhà xác này.
Tại Bulgaria, các bác sĩ đã đình chỉ nhiều ca phẫu thuật thông thường để họ có thể chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Tại thủ đô của Serbia, nghĩa trang hiện hoạt động thêm một ngày trong tuần để chôn cất tất cả thi thể được đưa đến.
Một số thông tin nổi bật về COVID-19 thế giới ngày 15-11
- Ấn Độ sẽ mở lại biên giới đón khách du lịch nước ngoài bắt đầu từ hôm nay (15-11), sau hơn một năm rưỡi nước này tạm ngừng cấp visa (thị thực) cho khách nước ngoài do đại dịch COVID-19.
- Lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên trên thế giới áp dụng với người chưa tiêm vắc xin: Từ ngày 15-11, Áo sẽ áp lệnh phong tỏa với tất cả những người từ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19. Những người này sẽ phải ở tại nhà, ngoại trừ một số lý do đặc biệt. Người vi phạm quy định mới có thể bị phạt tới 1.450 euro (1.660 USD).
- Từ ngày 15-11, Campuchia sẽ chấm dứt cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận