Tàu sân bay Queen Elizabeth dẫn đầu hạm đội băng qua kênh đào Suez ngày 6-7 - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
HMS Queen Elizabeth đang dẫn đầu nhóm tác chiến tàu sân bay 21 và đã đi được 1/4 hải trình dài 28 tuần từ châu Âu sang châu Á nhằm thể hiện sức mạnh hải quân, tầm nhìn "Nước Anh toàn cầu".
Hải quân hoàng gia Anh khẳng định các biện pháp phòng dịch, giãn cách và khẩu trang đã được triển khai trên các tàu chiến. Hạm đội sẽ tiếp tục hải trình trong bối cảnh "tình hình bệnh dịch đã được kiểm soát".
Theo Đài BBC, nhóm tàu sân bay Anh đã đi vào Ấn Độ Dương với đích đến cuối cùng là Nhật Bản dự kiến sẽ đến vào cuối năm nay. Tổng cộng có 3.700 thủy thủ trong "đợt triển khai hải quân lớn nhất một thế hệ", trong đó riêng HMS Queen Elizabeth là 1.600 người.
"Nhóm tàu sân bay sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của mình và sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến việc triển khai hoạt động", một phát ngôn viên của Hải quân hoàng gia Anh khẳng định.
Cũng theo vị này, các ca nhiễm được phát hiện trong đợt xét nghiệm COVID-19 định kỳ dù tất cả thủy thủ đã được tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin.
Tờ The Sun của Anh dẫn "các nguồn tin riêng" tiết lộ một nửa số tàu thuộc hạm đội có người mắc COVID-19. Ngoài các tàu chiến của Anh, hạm đội còn có sự tham gia của một số tàu chiến và máy bay F-35 của Mỹ. Hải quân Anh hiện chưa bình luận về thông tin của tờ The Sun.
Hãng thông tấn AFP nhận định nhiều khả năng các thủy thủ đã bị nhiễm bệnh khi tàu sân bay ghé thăm cảng Limassol ở Cyprus từ ngày 30-6 đến 5-7. Cộng hòa Cyprus đang hứng chịu đợt bùng phát thứ 4 vì biến thể Delta với hơn 87.000 ca nhiễm, trong đó có gần 400 ca tử vong.
Trong thời gian ghé thăm Cyprus, HMS Queen Elizabeth đã chào đón một loạt lãnh đạo sở tại, bao gồm cả Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades.
Tiêm kích F-35 được triển khai theo tàu HMS Queen Elizabeth - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhấn mạnh việc dịch bùng phát sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch thăm hơn 40 nước của hạm đội. "Thủy thủ đoàn của chúng tôi đã được tiêm vắc xin, sẽ không có hậu quả nghiêm trọng nào và chúng tôi vẫn đang quản lý được tình hình", ông Wallace trấn an.
Đây không phải là lần đầu tiên các tàu chiến Anh bị COVID-19 tấn công. Năm ngoái, thủy thủ đoàn của HMS Northumberland buộc phải quay trở lại bờ và cách ly trong dịp Giáng sinh sau khi có một vài ca nghi nhiễm trên tàu.
Cũng trong năm ngoái, dịch đã bùng lên trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ khiến hạm trưởng phải viết tâm thư cầu cứu.
HMS Queen Elizabeth hiện là tàu sân bay lớn nhất trong Hải quân hoàng gia Anh. Con tàu trị giá 3 tỉ bảng Anh đang trong đợt triển khai đầu tiên. Đích thân Nữ hoàng Elizabeth II và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tàu thăm hỏi, động viên thủy thủ đoàn trước khi tàu khởi hành tới châu Á vào cuối tháng 5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận