Thuốc Molnupiravir trị COVID-19 của hãng dược Merck đang thắp lên nhiều hy vọng cho các nước - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi sẽ gặp các đại diện của Merck vào ngày 29-10 để thảo luận dữ liệu các thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir đang được tiến hành ở một số nước", chuyên gia của WHO Maria van Kerkhove trả lời trong cuộc họp báo cuối ngày 28-10 (giờ Việt Nam).
"Hy vọng sẽ có một số tin tốt lành trong vài tuần tới", bà van Kerkhove bày tỏ. Cũng liên quan COVID-19, bà Mariangela Simao - trợ lý tổng giám đốc WHO - cho biết quyết định có cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 Covaxin của Ấn Độ hay không dự kiến sẽ chốt vào ngày 3-11 tới.
Hàng triệu người Ấn Độ đã tiêm Covaxin đang bị mắc kẹt tại nước này, không thể ra nước ngoài vì tiêm loại vắc xin chưa được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Điều này đồng nghĩa giấy chứng nhận tiêm chủng của họ không có giá trị tại các quốc gia sử dụng danh sách khẩn cấp của WHO làm tiêu chí cơ bản.
Cũng liên quan đến vấn đề đi lại sau COVID-19, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps thông báo London sẽ đưa 7 nước ra Mỹ Latin ra khỏi "danh sách đỏ" COVID-19 từ tuần tới. Theo Hãng tin Reuters, với động thái này sẽ không còn quốc gia nào trên thế giới nằm trong "danh sách đỏ" của Vương quốc Anh.
Bộ trưởng Shapps cũng cho biết Anh sẽ công nhận chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của 30 quốc gia nữa, nâng tổng số lên hơn 135 nước. Hiện chưa có thông tin chi tiết về số quốc gia này.
Một người đàn ông Ấn Độ được tiêm vắc xin Covaxin - Ảnh: REUTERS
Về nguồn cung vắc xin COVID-19 cho tương lai, Liên minh châu Âu ước tính khối này sẽ sản xuất tổng cộng 3,5 tỉ liều vắc xin trong năm 2022. Châu Âu tập trung nhiều nhà máy sản xuất của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna.
Tại Mỹ, Pfizer/BioNTech cam kết sẽ cung cấp ít nhất 50 triệu liều cho Chính phủ Mỹ trước cuối tháng 4-2022 trong bối cảnh nước này chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Theo các nguồn tin độc quyền của Reuters, Mỹ vẫn còn khoảng 30-50 triệu liều vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson đang bị "kẹt" tại một nhà máy ở Baltimore. Số vắc xin này đang chờ Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ "bật đèn xanh" để vận chuyển.
Nguồn tin của Reuters tiết lộ lô vắc xin trên bị kẹt lại nhà máy vì xảy ra sự cố nguyên liệu sản xuất vắc xin Johnson & Johnson và AstraZeneca trộn lẫn vào nhau hồi tháng 4 vừa qua.
Về tình hình COVID-19 tại châu Á - Thái Bình Dương, Singapore ghi nhận 3.432 ca nhiễm mới tính đến cuối ngày 28-10, giảm so với mức cao nhất là hơn 5.000 ca ghi nhận một ngày trước đó. Số ca tử vong vì COVID-19 là 15, tăng 5 ca so với ngày liền kề trước đó.
Tại Trung Quốc, thủ đô Bắc Kinh đang yêu cầu tiêm vắc xin tăng cường cho một số người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu. Cùng ngày 28-10, Bộ Y tế Nhật Bản cũng quyết định tiêm tăng cường vắc xin cho những ai đã tiêm đủ hai liều, theo Hãng tin Jiji.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận