Đồ họa: NGỌC THÀNH
Philippines có số người chết hàng ngày cao nhất tính từ tháng 4
Bộ Y tế Philippines báo cáo 42 người chết vì virus corona trong ngày 10-7, mức tăng hàng ngày cao nhất trong gần 3 tháng qua, cùng với 1.233 ca nhiễm COVID-19 mới. Hiện Philippines đã có 52.914 người mắc COVID-19 và 1.360 người chết vì căn bệnh này, theo hãng tin Reuters.
Ấn Độ có gần 800.000 ca nhiễm
Ấn Độ ngày 10-7 ghi nhận kỷ lục 26.506 ca nhiễm virus corona mới. Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ hiện nay là 795.791 ca và 21.639 người đã chết vì đại dịch này. Thủ đô New Delhi, bang Maharashtra và bang Tamil Nadu chiếm khoảng 60% số người mắc COVID-19 ở Ấn Độ.
Vào đầu tháng 6, chính phủ của thủ tướng Narendra Modi đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa, ban hành từ tháng 3, vì các gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tăng lên nhanh chóng đã buộc một số thành phố công nghiệp và các bang đông dân tái áp đặt các biện pháp chống dịch cục bộ.
Thị trấn công nghiệp Aurangabad, bang Maharashtra đã áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài 9 ngày, theo hãng tin Reuters. Bang đông dân nhất Ấn Độ, Uttar Pradesh sẽ phong tỏa 2 ngày từ 10-7 sau khi ghi nhận hơn 32.000 người mắc COVID-19.
Hong Kong tạm ngưng các hoạt động giảng dạy
Văn phòng Giáo dục Hong Kong ngày 10-7 thông báo tạm ngưng hoạt động giảng dạy của tất cả các trường học trong đặc khu sau khi số ca nhiễm COVID-19 ở địa phương tăng cao, gây lo ngại về một đợt sóng mới các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Thành phố đã ghi nhận 42 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 9-7, trong đó có 34 ca nhiễm tại địa phương, và đây là ngày thứ hai liên tiếp Hong Kong ghi nhận số ca nhiễm địa phương tăng cao. Một số ca bệnh mới có liên quan đến cả học sinh lẫn phụ huynh, theo hãng tin Reuters.
Hàn Quốc cấm các nhóm nhỏ tụ tập tại nhà thờ
Bắt đầu từ ngày 10-7, Hàn Quốc sẽ cấm các nhà thờ tổ chức các cuộc tụ tập nhỏ ngoài các dịch vụ thờ phượng thông thường, theo hãng thông tấn Yonhap. Chương trình đăng ký tham dự dựa trên mã QR, được áp dụng cho các tụ điểm giải trí, nay cũng được áp dụng tại các nhà thờ.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết biện pháp này nhằm ngăn những rủi ro tiềm ẩn từ các cuộc tụ tập tại nhà thờ và sẽ được dỡ bỏ tùy vào tình hình trong tương lai. Trong 2 tuần qua, khoảng 9% các ca nhiễm mới ở nước này đều không rõ nguồn lây.
Theo trang worldometers.info, tính đến chiều 10-7, Hàn Quốc đã có 13.338 ca nhiễm COVID-19 và 288 ca tử vong.
Nhật giục các hộp đêm, khu đèn đỏ hành động để ngăn corona lan rộng
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Yasutoshi Nishimura ngày 10-7 thúc giục các hộp đêm, "khu đèn đỏ" ở nước này cần hành động nhanh chóng và tuân thủ các quy tắc để ngăn chặn sự lây lan của virus corona sau khi các "khu đèn đỏ" trở thành các điểm nóng mới của dịch COVID-19.
Ông Yasutoshi đưa ra khuyến cáo trên sau khi Tokyo ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục trong ngày, với hơn 240 ca nhiễm được ghi nhận trong ngày 10-7, theo đài NHK. Phần lớn các ca nhiễm mới đều tại các khu đèn đỏ của thủ đô.
Mexico phát hiện thêm hơn 7.200 ca bệnh mới trong 24 giờ
Chính quyền Mexico ngày 9-7 thông báo đã ghi nhận số ca bệnh COVID-19 tăng thêm theo ngày tăng ở mức kỷ lục với 7.280 ca mới. Cùng với đó, số người chết cũng tăng thêm 730 ca trong 24 giờ.
Theo thống kê thời gian thực của trang Worldometers, tới 11h sáng nay 10-7 giờ Việt Nam, Mexico đang là quốc gia đứng thứ 9 thế giới về số ca bệnh COVID-19 với 282.283 ca, trong đó 33.527 người đã chết.
Mexico ghi nhận ca bệnh COVID-19 đầu tiên từ cuối tháng 2 năm nay.
Úc giảm một nửa hạn mức công dân được hồi hương trong dịch COVID-19
Chính quyền Úc hôm nay 10-7 thông báo sẽ giảm một nửa số công dân được phép hồi hương mỗi ngày, trong bối cảnh quốc gia này nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đang bùng lên tại thành phố lớn thứ hai trong nước.
Theo hãng tin AFP, từ ngày 13-7, chỉ 4.000 công dân Úc hoặc các cư dân thường trú được phép trở lại nhà mỗi ngày, giảm một nửa so với hạn mức khoảng 8.000 người như hiện tại.
Thông báo được đưa ra khi giới chức bang Victoria ghi nhận thêm 288 ca bệnh COVID-19, chủ yếu tại thành phố thủ phủ của bang này là Melbourne.
Từ tuần này, khoảng 5 triệu cư dân tại khu vực Melbourne được lệnh phải tuân thủ quy định phong tỏa 6 tuần để phòng chống dịch bệnh.
Theo Worldometers, tới nay Úc đã có tổng cộng 18.615 ca bệnh, 706 người đã chết và 16.758 ca bình phục.
Mỹ lại tăng kỷ lục số ca COVID-19 trong 1 ngày: hơn 65.000 ca
Hãng tin AFP dẫn thống kê của ĐH Johns Hopkins ngày 9-7 cho biết trong vòng 24 giờ, nước Mỹ có thêm 65.551 ca bệnh COVID-19 mới.
Tới nay Mỹ có hơn 3,2 triệu ca bệnh, trong đó hơn 135.000 người chết và là quốc gia bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề nhất thế giới.
Căn cứ vào thống kê của hãng tin Reuters, ngày 9-7 là ngày thứ ba số ca bệnh mới tăng thêm của Mỹ cao hơn 55.000 người.
Tình hình dịch bệnh gia tăng và "phá kỷ lục" về số ca gần đây tại các bang California, Florida và Texas tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư khiến những kỳ vọng phục hồi kinh tế cũng đã giảm sút.
Ngoài ba bang đông dân nhất của Mỹ, số ca COVID-19 cũng tăng tại các bang khác như Alabama, Montana và Wisconsin.
Nhân viên y tế ở Houston, Texas (Mỹ) đang di chuyển một bệnh nhân COVID-19 hôm 1-7 - Ảnh: AFP
Việt Nam 85 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 10-7 cho biết trong 24 giờ qua không có ca mắc COVID-19 mới, và đến nay đã 85 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Đến thời điểm này, 347/369 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ghi nhận ở nước ta đã được công bố khỏi bệnh, chiếm 94% tổng số ca bệnh.
Trong số các ca nhiễm, tổng cộng có 229 ca nhập cảnh đã được cách ly ngay, không có khả năng lây ra cộng đồng. Việt Nam không có trường hợp nào tử vong do COVID-19.
Liên quan đến bệnh nhân nam phi công người Anh, Bộ Y tế cho biết khi mắc COVID-19, ông bị tổn thương phổi, đang dần hồi phục. Các chuyên gia đã tính toán các ảnh hưởng và phương án cấp cứu khi ông phải di chuyển trên chuyến bay hồi hương dài hơn 12 tiếng. Đây là các phương án nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe ổn định cho nam phi công.
Dự kiến ông sẽ được đưa từ TP.HCM ra Hà Nội và về nước trên máy bay Boeing 787-10. Phi hành đoàn gồm 22 người, máy bay có 6 bình oxy, dự kiến khởi hành lúc 19h ngày 12-7 và hạ cánh xuống Nội Bài khoảng 21h10 cùng ngày. Sau khi tới Nội Bài, ông sẽ được hỗ trợ di chuyển từ ga quốc nội sang ga quốc tế để nối chuyến.
Tổng thống Bolivia mắc COVID-19
Bà Jeanine Anez xác nhận bà xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Trong thông báo trên mạng xã hội Twitter ngày 9-7, tổng thống Bolivia cho biết bà vẫn "ổn" và sẽ bị cách ly trong 14 ngày trước khi xét nghiệm lại.
"Tôi xét nghiệm dương tính với COVID-19, tôi ổn. Tôi sẽ làm việc trong khi bị cách ly", bà viết.
Trước bà Anez, bộ trưởng y tế María Eidy Roca cũng thông báo mắc COVID-19 vào tuần trước. Quốc gia 11,5 triệu dân này có tỉ lệ mắc COVID-19 trên đầu người thuộc loại cao nhất trên thế giới, đến nay ghi nhận 42.000 ca mắc COVID-19 với hơn 1.500 ca tử vong.
Tổng thống Bolivia Jeanine Anez - Ảnh: REUTERS
Hàng trăm bệnh nhân COVID-19 tự xuất viện ở Romania
Trong khi quốc hội Romania chuẩn bị thông qua luật cách ly bắt buộc để ngăn làn sóng lây nhiễm COVID-19, hàng trăm bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này đã tự xuất viện.
Theo bộ trưởng y tế Nelu Tataru, tổng cộng 624 bệnh nhân yêu cầu được xuất viện và đang là nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới trong cộng đồng.
Ngoài ra, hơn một nửa trong số 50.000 người đang được yêu cầu tự cách ly sau khi từ nước ngoài trở về đã không tuân thủ và tự rời khỏi nhà.
Romania, một trong những nước nghèo nhất châu Âu, ghi nhận 614 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 9-7, mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Với khoảng 20 triệu dân, nước này đã có 30.789 ca bệnh và 1.834 ca tử vong.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
36% dân số Mỹ Latinh sẽ rơi vào nghèo đói
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên Hiệp Quốc cảnh báo 230 triệu người, chiếm 36,5% dân số Mỹ Latinh, sẽ rơi vào tình trạng nghèo trong năm 2020, tăng hơn 45 triệu người so với năm 2019. Trong khi đó, số người nghèo cùng cực sẽ lên đến 96 triệu người, tăng 28 triệu người.
Thư ký điều hành của CEPAL, bà Alicia Bárcena dự báo nền kinh tế của khu vực sẽ suy giảm 9,1% và đây sẽ là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ qua. Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng nghèo đói, nghèo cùng cực và bất bình đẳng. Phụ nữ, người bản địa và người gốc Phi là những người dễ bị tổn thương nhất.
Bên cạnh đó, CEPAL dự báo tỉ lệ thất nghiệp trong sẽ tăng lên 13,5% vào cuối năm nay, tương đương 44 triệu người không có việc làm trên toàn bộ dân số lao động 313 triệu người của khu vực.
Theo bà Bárcena, khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã bộc lộ tất cả các mặt yếu kém của khu vực như hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ, y tế, tỉ lệ việc làm phi chính thức và sự bất bình đẳng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận