Nhiều người gặp ác mộng về đại dịch trong thời gian phong tỏa - Ảnh minh họa: dreams.co.uk
Đại dịch COVID-19 đã biến năm 2020 của nhiều người trở thành cơn ác mộng theo nghĩa bóng, bởi họ phải vật lộn với vấn đề sức khỏe, kinh tế và rất nhiều thách thức khác. Giờ đây, một nhóm nghiên cứu tại Phần Lan đã cung cấp bằng chứng cho thấy nó thật sự là ác mộng theo nghĩa đen.
Tổng cộng, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về giấc ngủ và stress (căng thẳng) từ hơn 4.000 người trong thời điểm tuần thứ 6 của đợt phong tỏa ở Phần Lan do COVID-19. Khoảng 800 người khác cũng đóng góp thông tin về giấc mơ của họ trong thời gian đó, với điểm chung là nỗi lo lắng về đại dịch.
Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Psychology, các nhà khoa học đã dùng AI để phân tích nội dung các giấc mơ của hơn 800 người trong số đó và phát hiện virus corona đã "lây" sang hơn một nửa số cơn ác mộng của họ.
"Chúng tôi rùng mình khi thấy nội dung giấc mơ lặp đi lặp lại giữa nhiều cá nhân, phản ánh bầu không khí ‘tận thế’ của đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19. Các kết quả cho thấy việc nằm mơ trong hoàn cảnh cực đoan sẽ kèm theo nhiều hình ảnh và ký ức tương tự, và bằng cách này, các cá nhân có thể mơ những cảnh tượng giống nhau. Đây là một ý tưởng rất hấp dẫn", tiến sĩ Anu-Katriina Pesonen - trưởng Nhóm nghiên cứu giấc ngủ và tâm trí tại Đại học Helsinki, cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã dịch nội dung các giấc mơ từ tiếng Phần Lan sang tiếng Anh và đưa cho một thuật toán AI để dò tìm những nhóm từ xuất hiện thường xuyên. Nó phân loại các yếu tố trong giấc mơ thành 33 chủ đề, trong đó có 20 chủ đề được xếp loại ác mộng. Hơn một nửa các ác mộng này có nội dung liên quan cụ thể đến đại dịch: sự thất bại trong giãn cách xã hội, sự lây nhiễm virus corona, các thiết bị bảo hộ cá nhân, xã hội đầy rẫy điều tồi tệ và ngày tận thế.
"Cách chúng tôi sử dụng là một hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu giấc mơ. Chúng tôi hi vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nghiên cứu giấc mơ nhờ vào AI, và hi vọng nghiên cứu của chúng tôi đã mở ra hướng phát triển mới", tiến sĩ Pesonen nói.
Nghiên cứu này cũng mang tới vài thông tin về các kiểu ngủ và mức độ căng thẳng của con người trong giai đoạn phong tỏa. Ví dụ, hơn một nửa trong số hơn 4.000 người tham gia nghiên cứu báo cáo rằng họ ngủ nhiều hơn trước thời điểm tự cách ly, 10% khó ngủ hơn và hơn 25% thường gặp ác mộng.
Ngoài ra, hơn một nửa nói rằng họ căng thẳng hơn, liên quan đến các giấc ngủ chập chờn và ác mộng. Họ cũng chính là những người nằm mơ về đại dịch nhiều hơn. Vì vậy, nghiên cứu này có thể cung cấp những thông tin giá trị cho các chuyên gia y tế đang đánh giá mức độ ảnh hưởng của vấn đề đại dịch lên sức khỏe tinh thần, bởi giấc ngủ là một nhân tố trọng tâm của tất cả vấn đề tinh thần.
"Các ác mộng mãnh liệt và lặp đi lặp lại có thể do căng thẳng sau sang chấn. Nội dung các giấc mơ không hoàn toàn ngẫu nhiên mà chúng có thể là chìa khóa quan trọng để hiểu được cốt lõi của căng thẳng, sang chấn và lo âu", tiến sĩ Pesonen nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận