Biểu đồ số lượng thương vụ đầu tư (biểu đồ đường) và số vốn đầu tư vào startup (biểu đồ cột) tại Việt Nam từ năm 2013-2020 - Ảnh trích từ báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020
"Phải bắt đầu từ những vòng gọi vốn sớm pre-A hoặc A thì sau đó các startup non trẻ mới có những vòng gọi vốn với số vốn lớn hơn. Nhiều startup mới ra đời đã gọi được vốn ban đầu trong thời gian xảy ra đại dịch cũng là một tín hiệu rất tích cực, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo", bà Lê Hoàng Uyên Vy - giám đốc điều hành Do Ventures - nhận định về điểm sáng của tình hình đầu tư vào startup năm 2020.
Theo báo cáo do Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (Bộ Kế hoạch và đầu tư) thực hiện, số lượng thương vụ đầu tư vào startup năm 2020 vẫn duy trì tương đương so với năm 2019 với 105 thương vụ, đứng vị trí thứ 3 khu vực về tổng số thương vụ.
"Trước thời điểm COVID-19, startup Việt Nam đã có cuộc bứt phá ngoạn mục khi lần đầu tiên vượt lên Singapore đứng thứ 2 khu vực (chỉ sau Indonesia) về thu hút vốn đầu tư vào startup và đứng thứ 3 về số thương vụ đầu tư vào startup. Cụ thể, Việt Nam chiếm 22% tổng số vốn đầu tư và 19% số thương vụ đầu tư vào startup năm 2019, tương đương 874 triệu USD và 126 thương vụ", bà Uyên Vy chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân của bức tranh đầu tư sụt giảm, bà Vy nhận định đây là điều đã dự báo khi đại dịch xảy ra. Ảnh hưởng của đại dịch và tình hình kinh tế thế giới bất ổn khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc lui về phòng thủ ở các thị trường truyền thống. Mặt khác, do hạn chế đi lại nên nhà đầu tư nước ngoài không thể thực hiện các chuyến tìm hiểu, tiếp xúc với các startup dẫn đến việc không thể chốt được các thương vụ lớn.
"Một quan sát khá thú vị trong năm qua là sự nổi lên của các quỹ nội địa hoặc các quỹ nước ngoài có nhân sự nội địa. 75% vốn đầu tư vào startup trong năm qua tại Việt Nam là do các quỹ này thực hiện. Khi các nhà đầu tư nước ngoài không tới được thì họ có hai giải pháp: chốt thương vụ online hoặc là thông qua hình thức đầu tư chung với các quỹ nội địa làm trung gian. Các quỹ nội địa với lợi thế có thể trực tiếp tiếp xúc với các startup, từ đó tham gia quá trình thẩm định chung với các quỹ đầu tư nước ngoài, giúp các công ty trong nước có thể gây quỹ trong thời gian xảy ra đại dịch", bà Uyên Vy phân tích.
Theo báo cáo, các lĩnh vực đầu tư công nghệ được quan tâm nhất tại Việt Nam hiện nay là mảng thanh toán và bán lẻ. Nhiều lĩnh vực khác lại chịu ảnh hưởng nặng nề.
"Năm 2020 là một năm khó khăn với các startup, đặc biệt là các startup công nghệ liên quan trực tiếp đến dịch vụ du lịch và lưu trú. Nhưng đây cũng là một năm bản lề với nhiều ngành như công nghệ về giáo dục, y tế và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số… Trong năm qua đã có một số lượng đáng kể các giao dịch nhỏ xuất hiện trong những ngành này, được kỳ vọng để có những thương vụ lớn hơn trong những năm tiếp theo", bà Uyên Vy chia sẻ thêm.
Các quỹ đầu tư tích cực nhất trong năm 2020 - Ảnh trích từ báo cáo
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 do Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC (trực thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư) thực hiện nhằm đưa ra bức tranh chung về tình hình đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam.
Báo cáo bao gồm các thông tin về xu hướng đầu tư, các số liệu đầu tư cũng như những thông tin hữu ích về khung pháp lý, quy trình đầu tư và hoạt động hỗ trợ của Nhà nước cho lĩnh vực đầu tư, nhằm giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin và chỉ dẫn khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận