Theo văn bản mới nhất do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp ký gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thủ tướng giao Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ để chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch, trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Trước đó, đầu tháng 5 này, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cũng tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu với COVID-19.
Như vậy sau hơn ba năm dịch dài đằng đẵng, dù từ đầu năm 2022 đến nay để thích ứng với dịch và phát triển kinh tế, nhiều yêu cầu chống dịch đã được gỡ bỏ bớt, nhưng COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên vẫn còn rất nhiều yêu cầu được đặt ra với người mắc bệnh, cơ sở y tế...
Mới đây nhất, khi dịch quay lại trong tháng 4 vừa qua, yêu cầu cách ly 7 - 10 ngày với người mắc COVID-19 được đặt ra, dù trong điều kiện hiện nay việc này rất khó thực hiện và khó giám sát.
Với người tham gia chống dịch, dù số mắc có lên xuống nhưng nhiều tháng nay đều ở mức thấp hơn nhiều so với trước, tình trạng ca mắc nhẹ nhưng vẫn phải đảm bảo các công việc thường trực chống dịch, ghi nhận/thông báo số mắc mới hằng ngày..., trong khi COVID-19 không còn là bệnh mới và nặng nề như trước.
Bên cạnh đó, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nên theo quy định, sau khi khỏi bệnh xuất viện thì người bệnh phải đăng ký với cơ quan y tế địa phương để được theo dõi, giám sát.
Tất cả điều đó đã được thực hiện quy củ, nghiêm ngặt trong thời gian dịch bệnh nặng nề, thậm chí có trường hợp đã được xuất viện về đến quê nhà ở Nghệ An rồi nhưng phát hiện "tái mắc" (thực tế là hiện tượng còn sót mảnh protein của vi rút đã chết) lại được xe cấp cứu đưa trở lại Hà Nội để cách ly.
Nhưng hiện nay COVID-19 đã trở thành căn bệnh gặp ở tất cả mọi nơi, thống kê cứ 10 người Việt có gần 1,2 người đã mắc bệnh, thực tế con số có thể cao hơn nhiều, những yêu cầu khắt khe rất khó thực hiện được. Khi chuyển COVID-19 sang nhóm B, những việc này sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn.
Và đáng kể nhất, việc chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và công bố hết dịch là để cuộc sống trở lại bình thường sau hơn ba năm dịch.
Lần này sự bình thường không phải để "thích ứng với dịch" mà bình thường thật sự, cũng để cuộc sống hài hòa với mọi nơi; việc du lịch, kinh doanh, sản xuất và đời sống người dân trở về như bình thường.
Khi so sánh các chỉ số gần đây, người ta hay lấy mốc "so với 2019". Vì sao không so với 2022, 2021, thậm chí là 2020? Lấy 2019 bởi đó là năm gần nhất trước dịch, cuộc sống thật sự bình thường.
Phải lấy năm bình thường để so sánh, còn ba năm 2020, 2021, 2022 đều là những năm dịch nhiều bất thường.
Hết dịch, chào mừng những ngày bình thường trở lại, những ngày đã qua thực sự khó quên: ngày cả nước cách ly, muốn ra phố phải xin giấy; ngày ngành y tế cả nước chi viện cho miền Nam, đến bác sĩ sản khoa cũng phải chi viện cho bệnh viện dã chiến; ngày cả xóm gặp nhau ở siêu thị trước ngày cách ly để tích trữ thực phẩm, ngày mai "cách ly chống dịch" rồi... Khó quên, bởi những ngày ấy cũng để chúng ta thêm yêu ngày bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận