Ông Bruce Aylward, người dẫn đầu phái đoàn chuyên gia quốc tế của WHO tới Trung Quốc tìm hiểu dịch COVID-19, chìa cùi chỏ chào hỏi với một phóng viên khi kết thúc một buổi họp báo - Ảnh: EPA
Theo Hãng tin Quartz, một ví dụ tiêu biểu nhất gần đây được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội là tình huống Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer khi gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối bắt tay bà vì lo ngại lây nhiễm virus corona.
Bà Merkel hiểu được nỗi lo này nên sau đó nói ông Horst Seehofer đã hành động đúng.
Một cư dân mạng Thái Lan chia sẻ những cách chào hỏi khuyến nghị với mọi người trong mùa dịch corona để phòng lây bệnh - Ảnh chụp từ màn hình
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo một số biện pháp phòng vệ để tránh lây lan virus corona. Trong đó có việc thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách với người khác (ít nhất là 1 mét) trong khi giao tiếp với ai đó có biểu hiện không khỏe, và không đưa tay chạm lên mắt, mũi và miệng.
Một số quốc gia khác cũng đã có những chỉ dẫn cụ thể hơn về văn hóa chào hỏi với người dân để tránh lây nhiễm virus corona.
Một cư dân mạng Thái Lan chia sẻ những cách chào hỏi khuyến nghị với mọi người trong mùa dịch corona để phòng lây bệnh - Ảnh chụp từ màn hình
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ngày 31-1 khuyến cáo người dân tạm thời không chào hỏi theo kiểu truyền thông là cọ mũi vào nhau nữa.
Trong khi đó tại Ai Cập, quốc gia nổi tiếng có tinh thần hài hước trong thế giới Ả Rập, một câu khẩu hiệu được lan truyền rộng rãi những ngày này là: "Chúng ta không bắt tay, không hôn nhau và không lan truyền virus".
Việc hôn lên má khi chào hỏi giữa mọi người là một văn hóa rất phổ biến tại Ai Cập cũng như ở nhiều nơi khác trong khối các nước Ả Rập.
Một người đang tẩy uế khu đền thờ thánh Masoumeh tại thành phố Qom, Iran, ngày 25-2-2020 - Ảnh: ISNA/AP
Tại Iran, nơi dịch bệnh COVID-19 đang trở thành nỗi ám ảnh khi là nước có tỉ lệ người chết vì COVID-19 cao nhất sau Trung Quốc, đang lan truyền trên mạng xã hội một video cho thấy hai người đàn ông chạm chân vào nhau thay vì hôn để tránh tiếp xúc gần không cần thiết trong mùa dịch.
Giới chức Iran cũng khuyến cáo người dân Iran không nên hôn lên các bề mặt đền thờ để phòng lây nhiễm corona nhưng nhiều tín đồ vẫn đã phớt lờ quy định này.
Tại nhiều khu vực ở châu Âu, thói quen hôn lên má khi chào hỏi cũng là chuyện rất phổ biến. Nhưng mới đây, bộ trưởng y tế Pháp đã khuyến cáo mọi người không nên hôn chào nhau nữa.
Bộ trưởng y tế Thụy Sĩ cũng đã đề nghị loại bỏ thói quen hôn chào xã giao này.
Thói quen bắt tay và hôn khi chào nhau cũng có ở các nước châu Á, trong đó có tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới.
Chính quyền Indonesia đang khuyến nghị người dân nên dùng cách chắp tay chào nhau theo kiểu namaste của người Ấn Độ thay cho những kiểu chào có tiếp xúc gần khác.
Singapore cũng đang phát các thông cáo khuyến khích mọi người dùng cách chào kiểu vẫy tay, chạm khuỷu tay và kiểu chắp tay cúi chào namaste thay cho bắt tay và hôn chào nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận