Lẽ ra Copa America là một cuộc chơi ngang bằng với Euro, nhưng khi vòng đấu bảng của giải kết thúc, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hình ảnh hoàn toàn trái ngược: một bên là những sân vận động đầy ắp người và rực rỡ màu sắc của Euro 2024, còn một bên là những khán đài trống vắng ở Copa America 2024.
Mặt sân xấu, trời thì nóng khủng khiếp
Cho đến nay, các sân bóng trên khắp nước Mỹ - chủ nhà Copa America 2024 - đều kém chất lượng. Thủ môn tuyển Argentina Emiliano Martinez đã chỉ trích mặt sân Mercedes-Benz Stadium sau trận khai mạc Argentina thắng Canada 2-0 là một thảm họa. Anh nói: "Chúng ta phải cải thiện điều này. Nếu không, Copa America sẽ không thể sánh bằng Euro".
Các mặt sân cỏ gồ ghề ở Copa America 2024 gây nhiều khó khăn các cầu thủ và dễ khiến họ dính chấn thương. Đã có nhiều cầu thủ đã bị chấn thương không phải vì va chạm, mà vì... mặt sân. Rõ nhất là trường hợp chấn thương của Edson Alvarez (Mexico) tại sân NRG ở Houston và Luis Advíncula (Peru) ở sân ATT ở Dallas.
Thêm vào đó, ở Mỹ vào lúc này nóng khủng khiếp. Hậu vệ Ronald Arajudo (Uruguay) sau giờ nghỉ giải lao đã phàn nàn về tình trạng nóng và mất nước. Cụ thể, nhiệt độ lúc 21 giờ khi trận đấu bắt đầu là 28°C.
Khủng khiếp nhất là ở trận Peru - Canada ngày 26-6. Nhiều CĐV Peru trên khán đài đã đổ mồ hôi như tắm và phải bỏ trống chỗ ngồi để tìm nơi trú ẩn. Giữa hiệp 1, một trợ lý trọng tài đổ gục ngay trên sân do bị mất nước.
Giá vé Copa America 2024 quá cao
Các trận đấu vòng bảng Copa America 2024, khán đài còn rất nhiều chỗ trống. Như sân Hard Rock của Miami Dolphins chỉ kín chỗ một nửa ở trận Uruguay- Panama. Hay trận Venezuela - Ecuador tại sân Levi's ở California chỉ có 29.000 người đến sân, dù sân có sức chứa 65.500 người. Ngay cả tuyển Mỹ với tư cách chủ nhà khi chơi trên sân Dallas Cowboys có sức chứa 80.000 chỗ trong trận ra quân cũng chỉ thu hút 48.000 khán giả đến sân.
Kể từ đầu giải, trận đấu có số lượng người hâm mộ đến sân cao nhất là trận Argentina thắng Chile 1-0 trên sân MetLife, với 81.106 người (sân có sức chứa 82.566 người). Hai trận đấu khác của Argentina tại giải cũng đều bán hết vé, và phần lớn là do mọi người muốn đến xem siêu sao Lionel Messi của tuyển Argentina thi đấu.
Giải thích cho việc ế vé, các chuyên gia cho rằng người hâm mộ ở Mỹ khó thu hút hơn ở Nam Mỹ - nơi bóng đá là vua và giải đấu đã có lịch sử 108 năm. Nhưng trên hết vẫn là giá vé đắt đỏ, khiến chi phí cho các trận đấu trở nên quá cao. Theo ước tính, người hâm mộ phải chi ít nhất 200 USD cho mỗi trận đấu ở cho Copa America 2024. Thậm chí, mức giá trung bình của trận Argentina - Canada lên đến 500 USD.
Trong khi đó Euro 2024 ở Đức, giá vé của các trận vòng bảng rẻ hơn Copa America 2024. Cụ thể, tại Euro 2024, vé có mức thấp nhất là 32 USD, đến vòng tứ kết giá vé mới tăng lên 64 USD. LĐBĐ châu Âu (UEFA) bán được 270.000 vé với mức giá 32 USD và khoảng 1 triệu vé đã được bán với giá từ 60 USD trở xuống.
Đến vòng loại trực tiếp, mức giá Euro 2024 vẫn thấp so với Copa America. Theo đó, vé cho trận Ý - Thụy Sĩ mua trên một trang web bán lại có giá 130 USD rẻ hơn nhiều so với mức giá trung bình cho loại vé rẻ nhất tại Copa America.
Giá vé quá cao ở Copa America 2024 đang là rào cản cho các CĐV nước ngoài. Chẳng hạn, Mexico có mức lương trung bình hàng tháng dao động khoảng 1.000 USD, hơn gấp đôi mức thu nhập 400 đến 500 USD ở Peru hoặc 732 USD ở Bolivia...
Với mức thu nhập này, những CĐV nước ngoài đến Mỹ tham dự Copa America 2024 cần phải lập kế hoạch nghiêm túc trong việc xem các trận đấu. Họ thường sẽ lựa chọn trận cầu đinh của đội nhà để xem hơn là xem tất cả các trận.
Điều này dẫn đến sự trống vắng trên các khán đài ở Copa America 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận