Sau gần 2 tuần đàm phán khó khăn, gần 200 quốc gia đã thông qua thỏa thuận tài chính gây tranh cãi tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) ngày 24-11 tại Azerbaijan.
Theo đó, thỏa thuận đề xuất các nước phát thải giàu có phải cam kết trả ít nhất 300 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2035 để giúp các nước nghèo ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này tăng gấp 3 so với 100 tỉ USD mỗi năm theo thỏa thuận hiện tại.
Tuy nhiên, các nước nghèo hơn đang hứng chịu nhiều thảm họa khí hậu do ô nhiễm gây ra bởi các nước giàu đã bác bỏ cam kết này vì cho rằng con số đưa ra vẫn quá thấp.
"Số tiền được đề xuất huy động là quá ít. Đó là một khoản tiền nhỏ nhoi. Tài liệu này chẳng hơn gì một ảo giác. Theo chúng tôi, điều này sẽ không giải quyết được thách thức to lớn mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt", Hãng tin AFP dẫn lời đại diện Ấn Độ Chandni Raina phản đối.
Nhóm các nước kém phát triển cũng nói thỏa thuận tại COP29 không như mong đợi. "Mục tiêu này không phải là điều mà chúng tôi mong đợi đạt được. Sau một vài năm thảo luận, nó không phải là tham vọng đối với chúng tôi", ông Evans Njewa, một nhà ngoại giao Malawi và là chủ tịch của khối Các nước kém phát triển nhất, cho biết.
Các nước đã phải vật lộn để giải quyết những chia rẽ về số tiền mà các nước giàu phải trả cho các quốc gia nghèo hơn, những quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất đối với biến đổi khí hậu nhưng lại bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự nóng lên nhanh chóng của Trái đất.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) ca ngợi thỏa thuận đạt được ở Azerbaijan là "kỷ nguyên mới" về tài chính cho các nước nghèo hơn để chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. "COP29 sẽ được ghi nhớ như là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới về tài chính khí hậu", ủy viên khí hậu của EU Wopke Hoekstra cho biết.
"Đây không phải là tất cả những gì chúng tôi hoặc những người khác mong muốn nhưng là một bước tiến cho tất cả chúng ta... Nếu khoản tài chính này được sử dụng đúng cách, nó có thể cắt giảm lượng khí thải tương đương với một tỉ ô tô và có thể bảo vệ gần một tỉ người khỏi tác động của biến đổi khí hậu", Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband nói.
Trưởng đoàn khí hậu Liên Hiệp Quốc Simon Stiell thừa nhận thỏa thuận này không hoàn hảo nhưng là "nền tảng" để tiếp tục.
"Không quốc gia nào đạt được mọi thứ họ muốn và chúng ta rời Baku với một núi công việc vẫn phải làm. Vì vậy, đây không phải là lúc để ăn mừng chiến thắng", ông Stiell nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận