Sáng 24-11 tại thủ đô Baku (Azerbaijan), COP29 đã đạt được thỏa thuận nhằm tăng gấp 3 số tiền hằng năm hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển dịch năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên nhiều quốc gia đã bày tỏ bất bình và chỉ trích số tiền đó là chưa đủ.
Chia rẽ, căng thẳng
Sau thời hạn đàm phán kéo dài hơn dự kiến, COP29 đã đạt được thỏa thuận quan trọng: từ nay đến năm 2035, các nước giàu cam kết hỗ trợ 300 tỉ USD mỗi năm cho các nước nghèo. Khoản tiền này nhằm giúp các nước dễ tổn thương hơn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tờ New York Times nhận định thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu đang ở mức báo động. Năm 2024 ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục với lượng khí thải nhà kính toàn cầu tăng vọt lên mức 57 gigaton vào năm 2023 và chưa có dấu hiệu giảm đáng kể trong thập niên này.
Không khí chia rẽ gay gắt bao trùm suốt Hội nghị COP29. Đài CNN cho biết trong hai tuần đàm phán, hội nghị liên tục đối mặt với khó khăn và hỗn loạn do các hành động tẩy chay, tranh cãi chính trị và cả những sự kiện công khai ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Thậm chí có lúc đại diện các quốc đảo nhỏ và nhóm các nước kém phát triển nhất còn đồng loạt rời khỏi phòng họp để phản đối.
Đại diện quốc gia đông dân nhất thế giới, bà Chandni Raina từ Ấn Độ, đã ngay lập tức phản đối khi chủ nhà Azerbaijan gõ búa tuyên bố thỏa thuận được thông qua: "Khoản tiền này là quá nhỏ. Chúng tôi rất tiếc phải nói rằng không thể chấp nhận điều này". Bà Raina nhấn mạnh thỏa thuận này chỉ là "một ảo ảnh" và không giải quyết được vấn đề thực chất.
Đồng tình với bà Raina, Liên minh các quốc đảo nhỏ - nhóm các nước đối mặt rủi ro cao từ biến đổi khí hậu - cho rằng khoản tiền này là "sự coi thường đối với người dân dễ chịu ảnh hưởng của chúng tôi". Đại diện Kenya, ông Ali Mohamed, chủ tịch Nhóm đàm phán châu Phi, cũng chỉ trích gay gắt, gọi con số này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được và không đủ", theo Financial Times.
Mặc dù khoản 300 tỉ USD đã tăng gấp 3 lần so với mức 100 tỉ USD mỗi năm theo thỏa thuận hiện tại, các chuyên gia độc lập ước tính nhu cầu thực tế của các nước nghèo để ứng phó với biến đổi khí hậu phải đạt ít nhất 1.300 tỉ USD mỗi năm. Số tiền này được xem là điều kiện cần thiết để giữ mức tăng nhiệt trung bình toàn cầu dưới 1,5oC.
Còn nhiều vướng mắc
Không chỉ gây thất vọng về tài chính, thỏa thuận còn đặt ra thách thức cho các quốc gia cần hỗ trợ, do thiếu cơ chế ràng buộc pháp lý và chủ yếu dựa vào áp lực ngoại giao để thực thi. Ngoài ra, các nước đang phát triển mong muốn tiền hỗ trợ từ các nước giàu được cung cấp dưới dạng tài trợ thay vì vay vốn, nhằm tránh gánh nặng nợ nần gia tăng.
Ngoài ra, nhóm G77 gồm các nước đang phát triển đã đề xuất khoản hỗ trợ 500 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên các nước giàu phản đối, cho rằng mức này là không khả thi trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
Nhiều quốc gia đang phát triển chỉ trích phương Tây không thực hiện cam kết 100 tỉ USD đúng hạn, cũng như đã viện lý do chính trị nội bộ để giảm đóng góp, đẩy gánh nặng ứng phó khí hậu lên các nước nghèo.
Các nước giàu cũng tranh cãi về trách nhiệm chi trả và mức đóng góp. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và có ảnh hưởng lớn trong các tổ chức tài chính toàn cầu, được kỳ vọng đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các cam kết tài chính khí hậu. Tuy nhiên các cuộc đàm phán trở nên phức tạp hơn khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ chưa đầy một tuần trước ngày khai mạc COP29. Ông Trump được cho là sẽ từ bỏ các cam kết tại Baku và tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về khí hậu.
Mặc dù Trung Quốc và Saudi Arabia vẫn thuộc nhóm các quốc gia đang phát triển, nhiều nước giàu cho rằng cách phân loại này đã lỗi thời. Họ đề nghị Trung Quốc, Saudi Arabia và một số nước khác đóng góp tài chính cho các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mở đường cho thị trường mua bán tín chỉ carbon toàn cầu
Theo Reuters, các quốc gia tại COP29 cũng đã đạt được đồng thuận về những quy tắc cho thị trường toàn cầu mua bán tín chỉ carbon. Cơ chế này dự kiến huy động hàng tỉ USD cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Thỏa thuận cũng mở đường cho hệ thống giao dịch tín chỉ carbon tập trung của Liên Hiệp Quốc, dự kiến ra mắt năm 2025. Đồng thời các nhà đàm phán đang thảo luận chi tiết về một hệ thống song phương riêng cho giao dịch trực tiếp giữa các quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận